Chợ điện tử
Theo VINAPA, Website www.mekongfishmarket.com sẽ là kênh giới thiệu thông tin cùng với các sản phẩm của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Ngành cá tra được lựa chọn là mặt hàng khởi động với tập hợp thông tin lúc đầu hơn 50 doanh nghiệp xuất khẩu/cung ứng sản phẩm ngành cá tra tham gia và tiến đến mục tiêu là tập hợp được tất cả các doanh nghiệp ngành hàng thủy sản tham gia.
Bản đồ vùng nuôi cá tra ĐBSCL www.pangasiusmap.com được các Chi cục Thủy sản các tỉnh, các doanh nghiệp và hộ nuôi tại các tỉnh trọng điểm tham gia cung cấp thông tin vùng nguyên liệu. Đây là bản đồ thông tin hỗ trợ cho truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản Việt Nam dần từng bước đáp ứng rào cản kỹ thuật trong xu thế hội nhập đang được đặt ra ngày càng cao của thị trường. Bản đồ hướng tới mục tiêu minh bạch chuẩn mực nuôi trồng và cung cấp thông tin năng lực cung ứng cho nhà nhập khẩu.
Hai kênh quảng bá website vươn tới thị trường trọng điểm Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, ... thông qua đối tác của VINAPA, Trung tâm xúc tiến địa phương, Bộ công thương tại các nước, các hội nghị, hội thảo và các hội chợ quốc tế. Đồng thời, VINAPA hỗ trợ thẩm định năng lực doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, doanh nghiệp thủy sản tham gia trang thông tin thương mại để tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu.
Vừa rời khỏi sự kiện này, Tiến sĩ Vũ Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc SGS Vietnam đã có cuộc trao đổi nhanh với Viettimes.vn. “Tốt anh ạ. Tôi tin trang Web này sẽ hữu ích cho việc phát triển cá tra. Bởi nó được đầu tư bài bản của Thụy Sĩ”, TS Thắng nói.
Theo Tiến sĩ Thắng, dự án xây dựng Web riêng cho cá tra được khởi sự từ một thương nhân người Pháp vốn nhiều năm gắn bó và yêu mến đối với loại cá VN khiến thế giới bất ngờ. Ông ấy đã tìm hiểu cá tra từ khi xuất hiện trên thị trường thế giới đã bị nhiều thế lực xấu kèn cựa, tìm mọi cách chèn ép, chống lại sự phát triển nhanh của con cá tra VN.
“Nhiều tổ chức NGO “chèo kéo” mời ông ấy tham gia chiến dịch “bôi bẩn” con cá tra VN nhằm trục lợi. Ông ấy từ chối thẳng thừng mọi lời mời “mật ngọt” vì ông ấy biết rõ con cá tra VN không như giọng lưỡi của kẻ không thiện chí. Ông ấy nói “lương tâm tôi không cho phép mình tham gia vào các chiêu trò không đàng hoàng, “bôi bẩn” giá trị con cá tra vì cá tra VN không như sự đặt điều, “dìm hàng” thô thiển từng có”. Thế là ông ấy tích cực vận động bạn bè trong chính giới Pháp và Thụy Sĩ. Kết quả đến nay, dự án đã nhận được khoản tài trợ của chính phủ Thụy Sĩ… để có hai trang Web rất kịp thời”, TS Thắng kể.
Tuy nhiên, quay lại thực tế, nỗi lo vẫn còn đó. Hiện tại, chưa bao giờ cá tra lại rớt giá thê thảm như thế này. Không chỉ vậy, thị trường xuất khẩu cá tra lại xuất hiện thêm những chiêu trò mới của thương lái “Made in China” khiến cho không chỉ nông dân phá sản mà doanh nghiệp cũng phải nếm… cảnh lao đao.
Khóc gì giá
Theo Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2016, DT nuôi cá tra ĐBSCL là 3.757 ha, giảm 5,5% so với cùng kỳ 2015, sản lượng đạt 526.863 tấn. Các tỉnh có sản lượng cá tra dẫn đầu và sụt giảm nhiều là: Vĩnh Long 38.000 tấn (-4%), An Giang 121.437 tấn (-7%), Bến Tre 82.575 tấn (-12%). Kim ngạch XK cá tra đạt khoảng 700 triệu USD.
Từ đầu tháng 7 đến nay, giá cá tra nguyên liệu rớt thê thảm. Cá tra loại 1 đúng kích cỡ XK 800-900gr/con, giá bán chỉ còn 18.000đ-18.500đ/kg, giảm 3.500-4.000đ/kg so với tháng 6. Cá quá lứa trên 1kg/con, giá chỉ còn 16.000đ-16.500đ/kg. So với giá thành 21.000đ-23.000đ/kg, thì cứ 1kg cá thành phẩm, người nuôi lỗ 4.000-5.000đ.
Giá cá rớt thê thảm như thế nhưng muốn bán cũng không dễ. Hộ nào "may mắn" bán được cá, thì ao 100 tấn, lỗ 400-500 trăm triệu đồng, chưa tính lãi ngân hàng. Hộ “kém may mắn" thì phải tiếp tục giam cá trong ao, hằng ngày vẫn phải chạy nợ mua thức ăn, thuốc thú y “quăng đại” xuống ao. Nhiều hộ hết vốn mua thức ăn phải tự chế thức ăn cho cá, khi kiệt quệ thì buộc phải bỏ mặc cá đói, mỗi tuần chỉ cho cá ăn 1-2 lần. Cá cân nặng cả kilogram/con bị bỏ đói chỉ còn 600-700gr và sẽ còn tiếp tục "ốm đói" và nhiễm bệnh. Nhiều chủ nuôi phải “treo” hầm, bỏ cá lại cho vợ con để đi làm thuê hoặc... trốn nợ.
Ông Lê Chí Bình, Chủ tịch Hiệp hội nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết, năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 6-7 là sức mua thị trường cá tra giảm mạnh, nhưng năm nay gắt gao hơn do thị trường biến động và cá nguyên liệu của vùng nuôi DN còn nhiều, thời gian tới tình hình khó cải thiện. Tại An Giang, nông dân tích cực chào bán cá nhưng DN không thu mua.
Giám đốc HTX Cá tra Thới An (Ô Môn-Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải cho biết, HTX có vùng nuôi 50ha, sản lượng cá tra đạt 10.000 tấn/năm, doanh thu 250 tỷ đồng, lợi nhuận trên 10 tỷ đồng mỗi năm. Nhưng 8 năm qua, giá cá tra liên tục rớt, trong khi giá thức ăn, thuốc thú y, công lao động đều tăng. Mặc dù HTX có ký hợp đồng tiêu thụ với "vua cá" DN Hùng Vương và một số DN XK thủy sản khác, nhưng DT nuôi cứ phải thu hẹp dần.
Vụ cá năm nay HTX thả nuôi chỉ 8 ha và có ký hợp đồng nuôi gia công với Công ty thủy sản Bình Minh (Vĩnh Long). Theo hợp đồng, công ty cung ứng 1,6kg thức ăn trên mỗi kg cá thành phẩm,cuối vụ bao tiêu sản phẩm và cộng thêm 5.000đ vào mỗi kg cá. Nhưng 2 tháng nay công ty ngừng cung cấp thức ăn, thuốc thú y, cán bộ vùng nuôi cũng "lặn" mất, điện thoại cho công ty thì chỉ nghe tiếng " ò í e", coi như công ty đã tự xé hợp đồng. Các hộ nuôi bỏ đói cá luôn vì không tiền mua thức ăn.
Tại An Giang, Đồng Tháp cá bán quá lứa không bán được, hết tiền mua thức ăn các hộ phải bán cá với giá “hàng dạt” cho lái mua về cung ứng cho các cơ sở làm khô tiêu thụ thị trường và xuất sang Campuchia.