Động thái bổ nhiệm cựu Chủ tịch VPBank AMC làm người đứng đầu Ban điều hành của MIKGroup gây sự chú ý của giới quan sát, nhiều hơn là một quyết định thay đổi nhân sự cấp cao đơn thuần.
MIKGroup lâu nay vẫn bị gán cho một tin đồn thiếu căn cứ, rằng là một "sân" của giới chủ Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank; Mã chứng khoán: VPB).
Theo đó, sự xuất hiện bất ngờ và vươn lên thần tốc theo kiểu "đứng dạy sáng lòa" của thương hiệu MIKGroup khiến công chúng không khỏi tò mò về thế lực đằng sau nó. Với một ngành thâm dụng vốn như bất động sản và với mô típ bắt cặp quen thuộc bấy lâu của giới buôn tiền Việt Nam (ngân hàng - địa ốc), người ta đồ rằng để MIKGroup có thể lớn nhanh như thế, đằng sau nó phải có một ngân hàng. Những lời đồn được hướng về VPBank, khi một số thuyết âm mưu kiểu VPBank là nhà tài trợ vốn chủ yếu nhất cho nhóm MIKGroup, với cả chục nghìn tỷ đồng dư nợ.
Nhưng vấn đề là, chưa khi nào những người đồn thổi đưa ra được bằng chứng đáng tín!
Danh sách cổ đông mà MIKGroup đăng ký với cơ quan quản lý cũng chưa khi nào cho thấy mỗi quan hệ sở hữu giữa VPBank hay nhà chủ VPBank, cũng như các pháp nhân liên quan với tập đoàn này. Kể cả cho cơ cấu sở hữu MIKGroup không quá ổn định và nhiều lần đảo chủ thì đồn đoán về một kịch bản ủy thác vẫn là rất hồ đồ.
Danh sách lãnh đạo MIKGroup cũng hầu như chưa bao giờ có sự xuất hiện của đại diện VPBank, cũng như các yếu nhân của ngân hàng này. Có chăng có một nhân sự mà truyền thông đã đề cập nhiều lần, là ông Vũ Tiến Đức, Chủ tịch đương nhiệm của MIKGroup (phu quân của cựu Trưởng Ban Kiểm soát VPBank Nguyễn Quỳnh Anh); Hay một cái tên ít được để ý hơn trong HĐQT MIKGroup, là bà Trần Ngọc Lan; Hay một số người cháu khác ở các SPCs trong hệ sinh thái. Theo luật định, những người cháu này không được xem là “người có liên quan”, kể cả cho họ từng đứng tên một lượng đáng kể cổ phần VPBank thì cũng không thể kết luận gì về mối quan hệ “sân trước – sân sau” giữa VPBank với MIKGroup.
Còn về quan hệ tín dụng MIKGroup - VPBank. Phải nhận thức rằng, đó là một quan hệ kinh tế rất thị trường, giữa người đi vay và người cho vay, chỉ cần nó đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ và đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan.
Tân Tổng Giám đốc MIKGroup Nguyễn Trường Sơn là ai?
Khác với những người tiền nhiệm, tân Tổng Giám đốc MIKGroup Nguyễn Trường Sơn là người có lịch sử gắn bó với VPBank và trước đó nữa, là với nhà chủ VPBank.
Mối gắn bó này được vun đắp từ thời Chủ tịch VPBank còn kinh doanh ở Đông Âu, cụ thể là Liên bang Nga – đất dấy nghiệp của rất nhiều người Việt, trong đó có vợ chồng ông Nguyễn Trường Sơn và bà Cao Thị Hồng Lê (SN 1968). Sau giai đoạn tự doanh, được biết, ông Sơn và bà Lê từng về đầu quân cho Công ty Liên Minh của ông chủ VPBank.
Năm 2011, ông Nguyễn Trường Sơn về đầu quân cho VPBank. Trong năm này, một tài liệu của VietTimes cho thấy, ông Nguyễn Trường Sơn cùng một số cái tên quen khác như Hoàng Anh Minh, Lê Việt Anh, Trần Văn Bê, Ngô Thị Khánh Hòa đã tham gia một số thương vụ hợp tác đầu tư, với sự đồng hành một công ty quản lý quỹ. Công ty này được VPBank ủy thác hàng nghìn tỷ đồng.
Bắt đầu từ năm 2012, ông Sơn đảm nhiệm vai trò Công ty TNHH Quản lý tài sản Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank AMC) – đầu mối xử lý nhiều tài sản đảm bảo, mà phần đáng kể là bất động sản cho VPBank. Từ năm 2014, cùng với các cộng sự HĐQT Công ty cổ phần HBI, vợ chồng ông Sơn bà Lê đã có đóng góp quan trọng cho việc định danh cho thương hiệu “Imperia” ở Hà Nội.
Với lịch sử gắn bó như vậy, việc MIKGroup bổ nhiệm ông Nguyễn Trường Sơn vào vị trí Tổng Giám đốc có thể sẽ cung cấp chút chất liệu cho những đồn đoán quanh mối quan hệ MIKGroup – VPBank.
Song như đã đề cập, đó là những đồn đoán mơ hồ, thiếu căn cứ xác đáng và nặng thuyết âm mưu.
Còn về MIKGroup, dữ liệu của VietTimes cho thấy, tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của tập đoàn này đạt 12.287 tỷ đồng, tăng mạnh so với 9.467 tỷ đồng của cuối năm 2018. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu khá tích tích cực với xấp xỉ 1 lần.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của MIKGroup lại chưa thực tương xứng với quy mô tài sản, với doanh thu năm 2019 chỉ đạt 837 tỷ đồng, giảm quá nửa so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của MIKGroup đạt 105 tỷ đồng./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu