Bóng hình một đại gia địa ốc tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử

VietTimes -- Những chuyển biến bên trong CTCP dịch vụ Tây Yên Tử - chủ đầu tư dự án Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang - bắt đầu từ năm 2016.
Toàn cảnh Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử tại Lễ khai hội xuân năm 2019 (Nguồn: dulichbacgiang.gov.vn)
Toàn cảnh Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử tại Lễ khai hội xuân năm 2019 (Nguồn: dulichbacgiang.gov.vn)

Theo tìm hiểu của VietTimes, dự án Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử (dự án Tây Yên Tử) lấy ý tưởng là “Khám phá lại vùng Yên Tử từ cuộc đời của vua Trần Nhân Tông” xây dựng trên vùng đất được coi là cái nôi (phía Tây) của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trong đó, khu danh thắng Yên Tử (hay còn được gọi là Đông Yên Tử) tại Quảng Ninh là nơi vua Trần Nhân Tông tu tập, lưu giữ xá lị sau khi viên tịch, thì dự án Tây Yên Tử là con đường hoằng dương phật pháp của vị Phật hoàng này.

Dự án còn được kỳ vọng sẽ bổ sung thêm vào 3 sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Bắc Giang là: văn hóa - tâm linh, lịch sử - văn hóa và sinh thái - nghỉ dưỡng.

Quá trình xây dựng được chia làm 3 giai đoạn, bao gồm: Giai đoạn 1 (năm 2014 - 2018) triển khai xây dựng hai điểm chùa Thượng và chùa Hạ, nâng cấp tuyến giao thông tỉnh lộ 293 vào chùa Hạ; Giai đoạn 2 (năm 2018 - 2020) triển khai xây dựng hai điểm chùa Trình và chùa Trung và Giai đoạn 3 (năm 2021 - 2025) hoàn thiện toàn bộ các hạng mục đầu tư về công trình và hạ tầng kỹ thuật. Hiện dự án Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử đã bước vào giai đoạn 2.

Dấu cũ My Way

Để dự án du lịch trọng điểm của tỉnh Bắc Giang có thể triển khai theo kế hoạch, cần phải nhắc tới chủ đầu tư là CTCP Dịch vụ Tây Yên Tử (Tây Yên Tử JSC), cũng như các cổ đông cũ và mới tham gia góp vốn tại công ty, trong quá trình hoàn thiện pháp lý và phát triển dự án.

Theo đuổi dự án từ những ngày đầu, tới tháng 5/2016, công ty được UBND tỉnh Bắc Giang cho phép khảo sát và lập dự án đầu tư giai đoạn 1. Sau đó không lâu, UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định số 831/QĐ-UBND ngày 03/06/2016 phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, xây dựng Khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử tại xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Tây Yên Tử JSC được thành lập vào tháng 7/2014, có quy mô vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 18 tỷ đồng, với sự góp vốn của 6 cổ đông cá nhân là: Lê Văn Luật (25%), Nguyễn Mạnh Hùng (25%), Lê Quốc Hưng (25%), Đỗ Vũ Diên (4,5%), Trần Đình Lâm (4,5%) và Vũ Thị Tố (16% vốn điều lệ).

Các cổ đông cá nhân này cũng có nhiều mối liên hệ với My Way Group - tập đoàn bất động sản đã khẳng định được năng lực và vị thế tại Hà Nội, Quảng Ninh và Huế.

Đơn của như ông Lê Quốc Hưng (Chủ tịch HĐQT Tây Yên Tử JSC) đang là người đại diện của nhiều pháp nhân khác như: CTCP Phát triển nông thôn tiên tiến, CTCP Du lịch vườn Bạch Mã, CTCP Vườn Thời đại Hòa Bình và CTCP My Way Huế.

Trong đó, CTCP My Way Huế là doanh nghiệp duy nhất trúng sơ tuyển Dự án Chợ du lịch Huế (diện tích 18ha, quy mô đầu tư gần 1.000 tỷ đồng) tại tỉnh Thừa Thiên Huế theo kết quả sơ tuyển được công bố vào cuối tháng 6/2019 vừa qua.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Đỗ Vũ Diên cũng đóng vai trò quan trọng tại CTCP Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long. Trong đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng là cổ đông lớn còn ông Đỗ Vũ Diên đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc. Được biết, CTCP Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long còn là chủ đầu tư của dự án khu phức hợp Times Garden Hạ Long.

Đổi chủ

Quay trở lại với Tây Yên Tử JSC, thay đổi đăng ký kinh doanh cấp ngày 3/2/2016 cho thấy có tới 5 cổ đông sáng lập đã thoái vốn khỏi công ty này. Người duy nhất còn nắm giữ cổ phần là ông Đỗ Vũ Diên với tỷ lệ sở hữu 35% vốn.

Vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật được chuyển sang cho ông Trần Văn Chiến (sinh năm 1972). Đây cũng là dấu hiệu cụ thể cho thấy sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông của Tây Yên Tử JSC. Tới tháng 5/2016, công ty đã thực hiện nâng quy mô vốn điều lệ lên 223 tỷ đồng.

Tiềm lực của nhóm cổ đông mới tại Tây Yên Tử JSC có lẽ chưa dừng lại ở đó. Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Trần Văn Chiến còn là Tổng giám đốc và cổ đông lớn nắm giữ cổ phần chi phối (tính tới cuối năm 2015) tại Công ty TNHH Tháp Láng Hạ - chủ đầu tư tòa tháp VPBank Tower có vị trí đắc địa tại Hà Nội. Mặt khác, ông Chiến cũng có mối liên hệ với một số công ty thuộc tập đoàn bất động sản mới nổi trên thị trường là MIKGroup.

Ngoài ra, dữ liệu của VietTimes cũng cho thấy, Tây Yên Tử JSC cũng thường xuyên tìm đến nguồn vốn tín dụng từ VPBank sau khi “đổi chủ”. Nhà băng này cũng là một trong những đối tác tín dụng thân quen của MIKGroup.