'Miếng bánh' 35 tỉ USD vào tay nước ngoài

Thị trường logistics VN cạnh tranh gay gắt và phần lớn miếng bánh thị phần đã rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
80% thị phần logistics VN thuộc về doanh nghiệp nước ngoài	- Ảnh: Diệp Đức Minh
80% thị phần logistics VN thuộc về doanh nghiệp nước ngoài - Ảnh: Diệp Đức Minh

Làm thế nào để thay đổi được điều đó là một vấn đề trăn trở tại hội nghị quốc tế "Logistics VN hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN" diễn ra tại TP.HCM hôm qua 27.11.

25 DN ngoại nắm 80% thị phần

Theo ước tính của Bộ Công thương, hiện nay có khoảng 1.200 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics (hoạt động chuyên chở, lưu giữ và cung cấp hàng hóa), trong đó có khoảng 25 DN đa quốc gia nhưng đã chiếm đến 80% thị phần logistics VN. Như vậy phần còn lại gần 1.200 DN nội chỉ chiếm được 20% thị phần.

Trong thời gian tới, việc cạnh tranh trên thị trường này càng khốc liệt khi VN đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt khi ASEAN trở thành một thị trường chung. 

Theo ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics VN, khó khăn của DN trong nước là quy mô nhỏ, bình quân vốn của một DN logistics chỉ từ 6 - 7 tỉ đồng trong khi các DN đa quốc gia quy mô gấp hàng trăm lần. Với số vốn ít ỏi như vậy rất khó để đầu tư một nhà kho lớn hay một đội ngũ xe tải hiện đại. 

Vấn đề quản trị, công nghệ cũng không thể đầu tư được khi nguồn vốn quá ít. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực cho ngành còn thiếu và yếu, hiện chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu của thị trường. 

Dự kiến trong vòng 3 năm tới ngành logistics cần ít nhất 30.000 lao động nên việc đào tạo nguồn nhân lực để có trình độ ngang bằng một số nước ASEAN là một thách thức lớn.

Ngoài ra, về trình độ quản lý, công nghệ, chuỗi cung ứng đưa hàng đến tay người tiêu dùng thì mức độ cung cấp dịch vụ của DN nội vẫn còn hạn chế so với các DN đa quốc gia. Vì thế, ước tính miếng bánh 35 tỉ USD của thị trường này đều nằm trong túi DN đa quốc gia.

"Nhiều ý kiến lo ngại khi gia nhập ASEAN, DN sẽ dễ dàng mất thị phần nội địa. Nhưng có một số dịch vụ như vận chuyển nội địa, đường biển... VN vẫn chưa mở cửa nên DN trong nước phải tiếp tục gia tăng sức cạnh tranh để bảo đảo cung ứng được nhu cầu của nền kinh tế", ông Đỗ Xuân Quang nói.

 Một số chuyên gia cũng nhấn mạnh xu hướng sắp tới, việc đầu tư trực tiếp của DN nước ngoài vào lĩnh vực logistics sẽ tiếp tục gia tăng cùng với sự gia tăng xuất khẩu hàng hóa khiến nhu cầu cho dịch vụ kho bãi, đóng gói, giám định sẽ gia tăng tương ứng. Do đó sự cạnh tranh càng trở nên khốc liệt.

Giảm chi phí logistics

Chi phí cho logistics VN hiện nay quá cao, chiếm gần 21% GDP, trong khi Singapore chỉ dưới 10% và các nước châu Âu, Bắc Mỹ,... đều trên dưới 10%. Ông Đỗ Xuân Quang cho rằng, điều này do bất cập về kết cấu cơ sở hạ tầng. 

Ví dụ như cảng xây xong không có đường vào, sân bay xong nhưng không có kho bãi hay thiếu kết nối giữa các cảng biển, kho bãi, sân bay với các khu công nghiệp. Ngoài ra còn thiếu nguồn nhân lực, một số quy định hạn chế lưu thông như cầu cấm xe tải trọng trên 25 tấn... cũng khiến cho chi phí hoạt động logistics còn quá cao.

Lấy ví dụ vùng Tây Nam bộ chưa được đầu tư, có 2.500 cảng sông nhưng chỉ có 5 cảng nhận được hàng hóa, khi DN từ miền Tây muốn xuất khẩu thì phải chở gạo, bắp lên TP.HCM mới đưa hàng lên tàu. Nếu như tàu vào thẳng Cần Thơ để lấy hàng luôn thì sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí. 

Do vậy ông Quang kiến nghị, để thực hiện được mục tiêu giảm chi phí logistics VN còn khoảng 15% vào năm 2020, nhà nước nên xem xét tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn vay ở các định chế tài chính; đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực từ sơ cấp đến trung cấp, cao cấp. 

Ngoài ra phải chỉnh sửa những quy định về pháp lý, nhất là luật thương mại có những quy định về logistics đã lỗi thời. Ví dụ nhà cung cấp dịch vụ logistics là các DN cung cấp dịch vụ đơn lẻ như dán nhãn, cung cấp kho, lưu bãi... để hưởng hoa hồng là không còn phù hợp với vai trò logistics hiện đại.

Còn theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian qua, các DN cung cấp dịch vụ logistics VN chưa thực sự tìm được nhiều tiếng nói chung với các DN xuất nhập khẩu. 

Trong khi đó, các công ty thương mại VN cũng chưa đánh giá hết được tầm quan trọng của việc kết hợp giữa các hoạt động logistics với việc quản trị dây chuyền cung ứng. 

Kết quả là logistics thường được đồng nhất với chuyện vận tải và việc sử dụng dịch vụ thuê ngoài logistics vẫn chưa trở thành thói quen, mới chỉ chiếm khoảng 35%.

Theo Thanh Niên