Máy bay ném bom siêu thanh Tu-22M3: “Sát thủ IS” đến từ Nga

Ngày 19/11, không quân Nga đã thực hiện một đợt ném bom chiến lược vào các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo IS tại Syria, và Nga đã cho trình làng những loại máy bay hiện đại nhất.
Phần lớn các cuộc oanh kích cơ sở của IS của Nga đều do Tu-22M3 tiến hành
Phần lớn các cuộc oanh kích cơ sở của IS của Nga đều do Tu-22M3 tiến hành

Mặc dù máy bay ném bom Tupolev Tu-160 và Tu-95MS đã xuất hiện trên các mặt báo, thực tế các phi cơ Tu-22M3 mới là máy bay thực hiện phần lớn các cuộc tấn công. “Một phi đội máy bay Tu-22M3 đã không kích 6 cơ sở của IS tại tỉnh Raqqa và Deir-ez-Zor. Đây là những kho vũ khí và đạn dược, nơi tập trung các loại khí tài hạng nặng, trại huấn luyện và xưởng chế tạo bom”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Mặc dù các đoạn phim mà bộ này công bố cho thấy các máy bay đang thả 250 đến 270 bom rải thảm, Tu-22M3 ban đầu được thiết kế nhằm tấn công đội tàu sân bay của Mỹ ở Đại Tây Dương cũng như các mục tiêu quan trọng của NATO trong trường hợp Chiến tranh Lạnh leo thang. Mỹ hiện không có loại máy bay nào tương tự như Tu-22M, loại máy bay gần giống nhất là chiếc Rockwell International B-1B Lancer, sau thời Chiến tranh Lạnh đã không sử dụng đầu đạn hạt nhân.

Theo cục thiết kế Tupolev, chiếc máy bay Tu-22M thử nghiệm đầu tiên được hoàn thành vào năm 1969. Nó đã có chuyến bay đầu tiên vào ngày 30/8 năm đó và cơ trưởng của phi cơ là ông V.P. Borisov. Phiên bản mẫu của Tu-22M3 ngày nay cất cánh lần đầu vào ngày 20/06/1977 và hoạt động sản xuất bắt đầu một năm sau đó. Chiếc Tu-22M3 cuối cùng xuất xưởng vào tháng 3/1989 trước khi Liên Xô tan rã. Tổng cộng đã có khoảng 500 chiếc Tu-22M3 được chế tạo.

Khi Tu-22M3 được đưa vào sử dụng, Hải quân Mỹ đã bày tỏ quan ngại bởi nó được thiết kế để mang theo nhiều loại tên lửa chống hạm tầm xa. Máy bay cũng rất nhanh, có thể đạt tốc độ tối đa Mach 1.88 và giữ vận tốc Mach 1.6 trong thời gian bay kéo dài, và mang được 24 tấn vũ các loại. Điều đó có nghĩa là Tu-22M3 có thể chở 10 tên lửa Kh-15 hoặc 3 tên lửa Kh-22, cả hai đều có tốc độ Mach 5.0. Kh-22 khiến Mỹ lo sợ bởi nó có tầm xa 320 hải lý và đầu đạn nặng 1 tấn của nó có thể phá hoại nặng một tàu sân bay khi phát nổ.

Tu-22M3 cũng mang theo các loại bom rải thảm thông thường. Đoạn phim Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy máy bay đã thả bom OFAB-250-270, một loại bom bi 250kg, lên Syria. Hãng sản xuất bom OFAB-250-170 là Dunarit đã từng phát biểu rằng, loại vũ khí này “được dùng để phá hủy các cơ sở quân sự, tuyến đường sắt trọng yếu cũng như phá hủy các loại xe bọc thép hạng nhẹ đang trên đường chi viện hoặc đang tham chiến”.

Tu-22M3 sẽ dần được thay thế bằng phi cơ PAK-DA hoặc Tu-160M2, loại máy bay mà Moscow tuyên bố sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2023. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng Tu-22M3 sẽ không còn được ưa chuộng. Có thông tin cho rằng Trung Quốc đang có ý định mua về các loại máy bay này để tăng cường khả năng chống xâm nhập đối với các máy bay địch. Rất có thể chúng ta sẽ được thấy một phiên bản Tu-22M3 do Trung Quốc điều khiển hoặc chế tạo.

Theo Infonet