Máy bay A-50 (tiếng Nga: “Шмель- Shmel, NATO: Mainstay) là máy bay cảnh báo sớm trên không (AEW) của Nga được hoán cải dựa trên máy bay vận tải Ilyushin Il-76. Được phát triển để thay thế Tu-126 Moss (một biến thể của máy bay ném bom Tu-95), A-50 Mainstay cất cánh lần đầu năm 1980, được đưa vào phục vụ năm 1984, với khoảng 40 chiếc được chế tạo cho tới năm 1992.
Máy bay cảnh báo sớm A-50 của Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga được trang bị radar quét cơ học công suất cao "Vega-M" được MNIIP thiết kế với tầm phát hiện 450 km ở độ cao thấp và 620 km ở độ cao lớn. Nó có thể theo dõi 50 mục tiêu cùng lúc và chỉ huy 12 máy bay chiến đấu chiến đấu. Phiên bản A-50U cải tiến mới nhất đã được trang bị radar mảng pha chủ động để tăng cường khả năng phát hiện các mục tiêu vô hình và phạm vi phát hiện của nó cũng được tăng thêm đáng kể. Tuy nhiên, mẫu máy bay A-50 bị bắn rơi cụ thể vẫn chưa được xác nhận.
Phi hành đoàn của A-50 gồm 15 người thu thập dữ liệu từ radar giám sát Liana lớn với ăng ten hình đĩa trên thân có đường kính 29,9 ft (9.00 m). A-50 có thể bay liên tục 4 giờ với tầm hoạt động 1.000 km, trọng lượng cất cánh tối đa 190 tấn. Chiếc máy bay có thể được tiếp nhiên liệu trên không từ máy bay Il-78.
Máy bay cảnh báo sớm đóng vai trò then chốt như tăng thêm sức mạnh chiến đấu trong lực lượng không quân hiện đại; với radar không đối không mạnh mẽ, nó không chỉ có thể giám sát động thái trên không trong bán kính hàng trăm km mà còn đảm nhiệm việc chỉ huy và điều phối các hoạt động của máy bay chiến đấu trên toàn bộ vùng trời. Chính vì vị trí quan trọng của máy bay cảnh báo sớm nên nó thường bố trí ở tuyến thứ hai tương đối an toàn trong các hoạt động trên không và được các máy bay chiến đấu hộ tống. Nếu A-50 thực sự bị bắn hạ, đây sẽ là máy bay cảnh báo sớm đầu tiên bị bắn hạ từ trên không trong lịch sử quân sự thế giới sau một kỷ lục tương tự do quân đội Ukraine lập ra vào năm ngoái khi sử dụng máy bay không người lái tự sát để "gây hư hại nghiêm trọng" một chiếc A-50 khi đang đậu trên mặt đất.
Các trang mạng xã hội thân Nga phàn nàn rằng nếu vụ việc này được xác nhận thì đó sẽ là một tổn thất to lớn khó bù đắp đối với Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga, bởi toàn bộ quân đội Nga chỉ có khoảng 10 chiếc A-50 các mẫu khác nhau trong biên chế, tỷ lệ tham gia hoạt động rất thấp, thông thường chỉ một số ít có thể cất cánh để thực hiện nhiệm vụ chỉ huy trên không.
Trang web TheDrive của Mỹ mô tả chi tiết ảnh hưởng nghiêm trọng của việc máy bay A-50 bị bắn hạ đối với quân đội Nga. Theo họ, máy bay A-50 thường bay trên vùng trời gần với tiền tuyến Ukraine, cung cấp tầm nhìn từ trên không về chiều sâu của khu vực do Ukraine kiểm soát, nó có thể phát hiện tên lửa hành trình và máy bay không người lái cũng như máy bay chiến đấu bay thấp; đồng thời cung cấp cho các máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Lực lượng phòng không Nga các thông tin chỉ huy, kiểm soát và nhận biết tình huống. Đồng thời, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã sử dụng A-50 để tuần tra các khu vực biên giới Belarus, theo dõi giám sát động thái của Lực lượng Không quân NATO đề phòng "các cuộc tấn công bất ngờ".
Mặc dù Ukraine luôn coi A-50 là cái gai trong mắt và tung ra nhiều đòn tấn công nhưng mức độ nghiêm trọng của việc A-50 bị bắn rơi trên không lần này vượt xa tác động của việc A-50 bị máy bay không người lái tự sát Ukraine tấn công gây hư hại tại một sân bay mặt đất trước đó. Điều này không chỉ có nghĩa là quân đội Nga có ít hơn một máy bay cảnh báo sớm có thể sử dụng được mà còn tổn thất một số lượng lớn các chỉ huy không quân chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, đồng thời cho thấy máy bay chiến đấu Nga khó có thể bay trong điều kiện tương đối an toàn trên vùng trời Biển Azov Trong tương lai, không phận hoạt động của A-50 sẽ tiếp tục bị thu hẹp, qua đó làm giảm đáng kể hoạt động hỗ trợ tình báo cho vùng trời tiền tuyến.
Trên bản đồ, Biển Azov là một vùng biển nội địa được ngăn cách bởi Bán đảo Crimea và Biển Đen, khu vực xung quanh về cơ bản đều do Nga kiểm soát, trên lý thuyết, nó phải tương đối an toàn.
Về loại vũ khí mà Ukraine sử dụng để bắn hạ máy bay A-50, có tin suy đoán cho rằng đó là hệ thống tên lửa phòng không "Patriot" được Mỹ viện trợ. Hệ thống "Patriot-2" có khoảng cách đánh chặn các mục tiêu trên không thông thường là hơn 150 km và có thể được triển khai một cách cơ động. Về mặt lý thuyết, có thể phục kích các mục tiêu trên Biển Azov từ các khu vực biên giới do quân đội Ukraine kiểm soát.
Do khả năng cơ động và biện pháp tự vệ của A-50 rất hạn chế nên chủ yếu dựa vào việc ở càng xa khu vực nguy hiểm càng tốt để đảm bảo an toàn cho chính mình. Nếu nó bay vào tầm bắn của tên lửa phòng không tầm xa đối phương, sẽ khó thoát hiểm. Cách đây không lâu, 3 máy bay tiêm kích bom Su-34 của Nga đã bị bắn hạ cùng lúc gần Biển Azov, được cho rằng thủ phạm là hệ thống "Patriot". Ngược lại, nếu quân đội Ukraine điều máy bay chiến đấu tiến hành tấn công bất ngờ thì sẽ khó tránh khỏi sự phát hiện của A-50 và tỷ lệ thành công là rất thấp.
Theo Reuters, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Zaluzhny đã đăng trên mạng xã hội rằng: "Không quân Ukraine đã bắn hạ một máy bay radar trinh sát tầm xa A-50 của đối phương và một máy bay chỉ huy trên không Il-22".
Ông Yury Mysiakin, Phó Chủ tịch Hội đồng Tình báo, Quốc phòng và An ninh Nhà nước của Verkhovna Rada Ukraine, tiết lộ thêm chi tiết: "Chiếc A-50 bị bắn hạ và chiếc Il-22 bị hư hại biến mất khỏi radar sau khi bắt đầu hạ cánh xuống vùng Kerch của Crimea". Sau đó, ông cập nhật rằng chiếc máy bay thứ hai bị trúng đạn là một chiếc máy bay trung chuyển thông tin liên lạc IL-22.
Hiện giới chức Nga chưa đưa ra quan điểm nào về tuyên bố của phía Ukraine, nhưng một số tài khoản mạng xã hội thân Nga đã bắt đầu tiếc thương trước sự tổn thất nặng nề và hiếm thấy này.
Một số đặc tính kỹ thuật của A-50: Chiều dài: 49,59m; sải cánh: 50,5m; chiều cao: 14,76m; diện tích cánh: 300m2; trọng lượng rỗng: 75 tấn; trọng lượng cất cánh: 170 tấn; 4 động cơ phản lực D30KP, mỗi động cơ 117,68 Kilonewton; tốc độ lớn nhất: 900km/h; trần bay cao nhất: 12.000m; hành trình xa nhất: 7.500km.
Theo Guancha