Trong báo cáo Cập nhật kết quả kinh doanh năm 2019 vừa công bố, Masan đã có những lý giải tóm tắt về lý do nhắm tới VinCommerce (đơn vụ sở hữu chuỗi cửa hàng và siêu thị VinMart và VinMart+) và CTCP Bột giặt Net (Netco - Mã CK: NET).
Dựa trên kết quả nghiên cứu nội bộ và báo cáo của Euromonitor, Masan đánh giá thị trường bán lẻ và thị trường chăm sóc cá nhân và gia đình (HPC) còn chưa hiệu quả.
Cụ thể, trích dẫn số liệu 1,5 triệu cửa hàng bán lẻ không có tiêu chuẩn về dịch vụ, Masan cho rằng thị trường bán lẻ còn phân mảnh và thiếu dịch vụ chất lượng, chưa có mô hình bán lẻ thành công và có khả năng mở rộng về quy mô. Bên cạnh đó, thị trường đang bị định giá cao khi người tiêu dùng phải chi trả thêm từ 20 đến 25%.
Mô hình phát triển của Tập đoàn Masan (Nguồn: MSN)
|
Masan cho biết đã hoàn tất sáp nhập Masan Consumer Holding (MCH) và VinCommerce (VCM) để thành lập tập đoàn tiêu dùng lớn nhất Việt Nam. Trong đó, Masan là cổ đông sở hữu 70% cổ phần của công ty mới - pháp nhân sẽ nắm giữ 85,7% cổ phần MCH và 83,7% cổ phần VCM. Số cổ phần còn lại trong pháp nhân mới, tương đương 30% do Vingroup sở hữu.
Trong báo cáo tài chính Quý 4/2019 (chưa kiểm toán) mà Masan công bố mới đây, tập đoàn ghi nhận hiện đang sở hữu 58,6% vốn của VCM. Theo tính toán của VietTimes, tỷ lệ sở hữu của Vingroup tại VCM đã giảm mạnh xuống chỉ còn 25,11%. Số cổ phần còn lại tại VCM do nhóm nhà đầu tư nước ngoài do nhóm GIC dẫn đầu, nắm giữ.
Tính toán cẩn trọng của nhà đầu tư ngoại khi rót tỷ USD vào Vingroup và Masan |
Masan nhận định sự vượt trội ở danh mục sản phẩm tươi sống là động lực thu hút khách hàng và gia tăng sự hiện diện của kênh bán lẻ hiện đại trong tương lai.
Có lẽ vì vậy mà khi thông tin về việc sáp nhập giữa MCH và VCM được công bố, một lãnh đạo của Masan MEATLife (MML) - đơn vị phát triển mảng thịt mát và thịt có thương hiệu của Masna - đã hào hứng chia sẻ rằng chuỗi bán lẻ của công ty gia tăng nhanh chóng “chỉ sau một đêm”. MML đã đạt 60% thị phần tại VinMart và thử nghiệm thành công tại VinMart+.
Dưới sự kiểm soát của Masan, trong năm 2020, VCM sẽ ưu tiên mở cửa hàng chọn lọc và vạch lộ trình cụ thể hướng tới mục tiêu hòa vốn ở mức độ EBITDA với 3 định hướng chiến lược chính: (1) mở rộng số lượng hợp lý hơn; (2) Tối ưu hóa danh mục sản phẩm và (3) Tăng cường hiệu quả.
Đối với thị trường HPC, Masan cho rằng khách hàng đang phải chi trả nhiều, các mặt hàng có mức giá cao. Điều này khiến Việt Nam là quốc gia có mức chi tiêu bình quân đầu người cao nhất Đông Nam Á. Mặt khác, các công ty nước ngoài cũng đang chiếm thị phần chi phối trong lĩnh vực này.
MCH gần đây đã chào mua 60% cổ phần của CTCP Bột giặt NET (Mã CK: NET), định giá công ty này lên tới 46 triệu USD, tương ứng với P/E đạt 19 lần.
Masan đánh giá NET có lịch sử lâu dài cùng nền tảng sản xuất vững chắc. Đặc biệt, Masan còn cho rằng NET có tiềm năng tăng trưởng doanh thu gấp 3 lần mà không cần đầu tư thêm tài sản cố định, tỷ lệ sử dụng hiện tại mới chỉ ở mức 30%.
Tóm tắt kết quả tài chính của tập đoàn Masan năm 2019 (Nguồn: MSN)
|
Về kết quả kinh doanh hợp nhất, Masan cho biết doanh thu trong năm 2019 đạt 37,4 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 2%. Tuy nhiên, tập đoàn này khẳng định việc giảm sút doanh thu không phản ánh động lực tăng trưởng của công ty.
Doanh thu giảm nhưng hiệu quả kinh doanh của Masan tiếp tục được cải thiện. Lợi nhuận thuần hợp nhất phân bổ cho cổ đông của công ty đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với năm 2018. Đông lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ việc Masan đã cắt giảm mạnh chi phí tài chính ròng tới khoảng 1 nghìn tỷ đồng trong năm 2019./.