“Mãnh điểu” Su-35 giúp Việt Nam trấn giữ biển đảo

VietTimes -- Tờ Kommersant ngày 28.3.2016 theo tin từ Cơ quan hợp tác kỹ thuật - quân sự Nga (FSMTC) cho biết: nhiều  nước châu Á và châu Phi muốn mua máy bay chiến đấu mới của Nga, giá trị các hợp đồng này lớn hơn nhiều lần chiến phí của Nga trong cuộc chiến Syria.
“Mãnh điểu” Su-35 giúp Việt Nam trấn giữ biển đảo

Theo trang blog của Livejournal, ngày 30.01.2016 Lực lượng không quân viễn chinh Nga tại căn cứ không quân Hmeymim thuộc tỉnh Latakia Syria tiếp nhận và triển khai thêm bốn chiếc tiêm kích đa năng Su-35S của lực lượng không quân vũ trụ Nga.

Những chiến thắng của lực lượng không quân viễn chinh Nga, yểm trợ hỏa lực đường không, lập vùng cấm bay và kiểm soát không phận Syria đã gây ấn tượng rất mạnh cho lực lượng không quân của nhiều nước trên thế giới.

FSMTC cho biết: tháng 12.2015, Algeria đã đặt mua 12 máy bay ném bom Su-32 (phiên bản xuất khẩu của Su-34). Algeria yêu cầu được giao 1 chiếc tiêm kích Su-35 tại bãi thử Tamanrasset để thử nghiệm. Kommersant cho rằng Algeria sẽ mua không dưới 10 chiếc Su-35.

Su-35 đang được Indonesia, Việt Nam và Pakistan quan tâm. Indonesia và Việt Nam muốn có Su-35 để bổ sung vào lực lượng máy bay Su-30MK2 đã có, dự kiến sẽ là 12 chiếc. Jakarta cho biết sẽ đặt mua khoảng 10 chiếc. Theo nguồn tin từ FSMTC nói với Kommersant.

Thông tin từ Kommersant đã gây sóng gió trong giới bình luận quân sự Việt Nam và thế giới. Hơn thế nữa, đầu tháng 4.2016 Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) đổ thêm dầu vào lửa bằng bài phân tích về khả năng Việt Nam quan tâm mua một phi đoàn tiêm kích đa nhiệm Su-35 và đề cập triển vọng Việt Nam trang bị các máy bay chiến đấu của phương Tây như F-16 (Mỹ), Gripen (Thụy Điển), Rafale (Pháp) và Eurofighter Typhoon của châu Âu.

Những nhận định của các nhà bình luận trong và ngoài nước có nhiều quan điểm khác nhau, đại đa số cho rằng: khu vực nguy cơ tiềm năng xảy ra xung đột hiện nay là biển Đông, đối tượng tác chiến tiềm năng sẽ là lực lượng có các phương tiện tác chiến đường không có những tính năng kỹ chiến thuật tương đương như Su-27, Su – 30MK, Su – 33, J -11B, J -15.

Việt Nam có khoảng 36 chiếc Su-30KMI, 12 chiếc Su – 27, trong điều kiện tác chiến không biển, trước số lượng vượt trội của đối phương cùng tính năng kỹ chiến thuật, lực lượng không quân Việt Nam không chiếm được ưu thế chiến trường. Điều đó có nghĩa là không quân Việt Nam cần sở hữu loại máy bay có tính năng kỹ chiến thuật khác, tạo ưu thế đường không. Lý luận này gây nhiều tranh cãi.  

Tính năng kỹ chiến thuật của Su -35S

Sukhoi Su-35 còn gọi là Su-27M (định danh NATO:  Flanker-E+) là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, có nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không thế hệ 4++. Do các đặc trưng và các bộ phận giống với Su-30MKI, Su-35 được coi là anh em với Su-30MKI, Su – 35 hiện đại hóa sâu chính là Su-35S.

Su – 35S được trang bị radar mảng pha Irbis-E có khả năng phát hiện trên khoảng cách 400km với mục tiêu có độ tán xạ radar (RCS)  3m2 (tương đương F-16) và lớn hơn.  Với mục tiêu có độ tán xạ radar là 0,01m2 (tương đương máy bay tàng hình) phạm vi phát hiện đến 90 km.

Su-35 trang bị hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại  IRST. Hệ thống IRST của Su-35 là OLS-35, có thể theo dõi 4 tín hiệu hồng ngoại với các bước sóng ngắn khác nhau, khoảng cách dò tìm tối đa là 90 km (phần đuôi mục tiêu) và 50 km (phía trước mục tiêu). Với hệ thống này, Su-35 có thể công kích mục tiêu mà không cần bật radar dò tìm, đây là một yếu tố quan trọng trong chiến thuật không chiến phục kích: bật radar tìm kiếm mục tiêu sẽ phát ra tín hiệu điện từ, các thiết bị cảnh báo của đối phương có thể sẽ dò ra nguồn phát và đòn tập kích mất đi tính bất ngờ. Thiết bị IRST hoạt động mà không phát ra nguồn tín hiệu nào nên máy bay đối phương không thể phát hiện.

Hệ thống kính ngắm quang điện tử không đối đất có thể dùng hồng ngoại và laser, cũng như nếu mục tiêu đã bị chỉ điểm bằng laser từ đâu đó thì vũ khí từ máy bay có thể tự tìm đến mục tiêu đó. Hệ thống nhắm có thể đồng thời khóa và chỉ thị cùng lúc 4 mục tiêu ở mặt đất.

Hệ thống phòng thủ trên khoang hiệu quả. Hệ thống hồng ngoại báo động tên lửa đang khóa máy bay với 6 cảm biến bố trí ở trước thân máy bay theo dõi bao quát mọi góc độ.

Hệ thống có thể phát hiện tên lửa phòng không vác vai kích hoạt trong phạm vi 10 km và tên lửa không đối không ở khoảng cách 30 km, tên lửa đất đối không trong bán kính 50 km. Hai cảm biến dò laser được bố trí ở hai bên phần đầu của máy bay. Hệ thống có thể phát hiện các nguồn chiếu xạ laser trên khoảng cách 30 km.

Những hệ thống này và động cơ điều khiển vector giúp Su -35 có khả năng sống còn rất cao trong một cuộc không chiến nhờ khả năng siêu cơ động và phát hiện nguy cơ sớm.

Su – 35 có:

Vận tốc cực đại: Mach 2.25 (2.500 km/h)

Tầm bay: 3.600 km

Tầm bay tuần tiễu: 4.500 km (2.430 hải lý) với thùng nhiên liệu phụ

Trần bay: 18.000 m

Vận tốc lên cao: >280 m/s

Vũ khí trang bị:

1 khẩu pháo tự đông 30 mm GSh-30 với 150 viên đạn

2 giá treo đầu cánh với  tên lửa không đối không R-73 (AA-11 "Archer") hoặc thiết bị tác chiến điện tử EW Khibiny

12 giá treo ở cánh và thân cho 8.000 kg (17.630 lb) vũ khí, bao gồm:

Tên lửa không đối không với các tên lửa:

AA-12 Adder (R-77) tầm xa từ 90 km đến 170 km với R-77M1

AA-11 Archer (R-73) tầm gần 30 km

AA-10 Alamo (R-27) tầm trung có nhiều biến thể khác nhau, từ 30 – 130 km

Ngoài ra, Su – 35 còn có thể được trang bị tên lửa không đối đất, bom có và không có điều khiển.

Mục đích cuộc không chiến trên biển Đông

Trên bối cảnh xung đột chủ quyền trên biển Đông, có sự tham gia của nhiều quốc gia, nhiều vùng chồng lấn khác nhau với không ít lần sử dụng bạo lực vũ trang. Không chiến trên biển Đông tất nhiên sẽ hướng tới mục tiêu tấn chiếm một khu vực biển đảo nhất định mà chính xác hơn có thể là quần đảo Trường Sa.

Quốc gia thôn tính đảo sẽ sử dụng một cụm binh lực hải quân lớn, có thể bao gồm tàu sân bay, các khu trục hạm, khinh hạm tên lửa, tàu ngầm, tàu đổ bộ và các phương tiện mặt nước khác, được yểm trợ bởi một cụm binh lực không quân lớn, tiến hành một cuộc tập kích không biển với hỏa lực mạnh, tốc độ tiến công nhanh, đánh từ nhiều hướng khác nhau trên mọi không gian chiến trường làm tê liệt tiềm lực quân sự của đối phương, sau đó tiến hành đánh chiếm khu vực cần thiết.

Một phương án thứ hai nữa là sử dụng binh lực Hải quân bao vây phong tỏa khu vực cần lấn chiếm và tuyên bố chủ quyền, cùng với một cụm binh lực không quân lớn liên tiếp đe dọa tấn công hủy diệt tiềm lực của đối phương, buộc đối phương phải lùi bước.

Như vậy, lực lượng hải quân mới thực chất là lực lượng giải quyết chiến trường, lực lượng không quân đóng vai trò yểm trợ hỏa lực.

Trong mọi tình huống khác nhau, nếu thế trận yểm trợ hỏa lực của không quân tan vỡ, thì lực lượng hải quân tấn công chủ lực dễ dàng bị đối phương tấn công từ các phương tiện hỏa lực chống tàu. Chỉ cần một tổn thất đủ lớn như tàu khu trục phòng không, tàu đổ bộ và thậm chí tàu hậu cần kỹ thuật bị đánh chìm, cuộc tấn công quy mô lớn được coi là thất bại.

Từ suy luận trên cho thấy, để đánh bại ý đồ chiến dịch của đối phương trong một cuộc tập kích không hải quy mô lớn, nhiệm vụ đầu tiên phải là phá vỡ thế trận đường không của đối phương. Điều đó đòi hỏi không quân Việt Nam phải chiếm ưu thế trên không trong không chiến.

Chiếm ưu thế trên không trong không chiến là khả năng chiếm vị trí tấn công tốt nhất trên một không gian chiến trường cụ thể như độ cao, hướng mặt trời, khả năng tấn công sườn đội hình chiến đấu của đối phương. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đó chính là siêu tiêm kích Su – 35.

Su – 35 sẽ ở đâu trong thế trận phòng thủ biển đảo Việt Nam

Từ tình hình bố trí lực lượng không quân Việt Nam. Lực lượng tấn công chủ lực phía Bắc gồm hai trung đoàn 923, 927 có nhiệm vụ phòng thủ miền Bắc, ngăn chặn các đòn tấn công từ hướng ngoài vịnh Bắc Bộ.

Trung đoàn không quân tiêm kích hạng nặng 935 có căn cứ tại sân bay Tân Sơn Nhất, đảm nhiệm chiến trường phía Nam và là thê đội hai phòng thủ biển đảo.

Như vây, nhiệm vụ then chốt bảo vệ khu vực quần đảo Trường Sa sẽ nằm ở sân bay Phù Cát của trung đoàn 925 với 11 chiếc Su -27. Với yêu cầu nhiệm vụ, Su-35 có thể được biên chế ở căn cứ này.

“Mãnh điểu” Su-35 giúp Việt Nam trấn giữ biển đảo ảnh 1

Đòn và hướng tập kích đường không chủ yếu vào quần đảo Trường Sa của Việt Nam có thể sẽ xuất phát từ hướng đảo Hải Nam Trung Quốc . Vị trí củng cố đội hình tấn công sẽ nằm trên vùng trời quần đảo Hoàng Sa trên khoảng cách 495 km, sử dụng hệ thống radar dẫn đường của đảo Phú Lâm.

Hướng hành tiến tiếp theo sẽ là Phú Lâm – Trường Sa, khoảng cách bay là 800 km, khi còn cách các mục tiêu chủ chốt cần tấn công khoảng 100 km, cụm không quân tấn công sẽ triển khai đội hình chiến đấu. Cao độ bay hành tiến sẽ khoảng từ 8 – 10 km so với mặt nước biển.

Như vậy, điểm yếu nhất trong trận chiến không hải này chính là khoảng giữa tuyến đường thứ hai, trung điểm này cách thành phố Quy Nhơn và sân bay Phù Cát khoảng 540 km.

Phương án bẻ gãy cuộc tập kích không hải trong thế trận biển Đông

Để tiến hành một chiến dịch lớn như vậy, số lượng máy bay tham gia chiến đấu rất lớn, bao gồm từ máy bay tiêm kích không đối không, máy bay tiêm kích không đối hải, đối đất, máy bay cường kích chống radar tên lửa, máy bay gây nhiễu, máy bay chỉ huy cảnh báo sớm và máy bay chống ngầm.

Trong các lực lượng không quân thế giới, không quân Mỹ là lực lượng có nhiều kinh nghiệm tổ chức các cụm binh lực đường không tấn công chủ lực.Dưới đây là sơ đồ một cụm không quân Mỹ tập kích miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1972.

Lực lượng tấn công chủ lực (A) gồm 32 chiếc F-4E Phantom II, mang bom thông thường và bom "thông minh" dẫn đường bằng laser. Nhóm "Iron Hand" (E) và "Chaff" (F)  hộ tống không chiến (B). "Iron Hand" trang bị tên lửa không-đối-không và F-105G Wild Weasel, trang bị tên lửa chống radar. Nhóm"Chaff" là máy bay A-7 Corsair II  bay sau "Iron Hand", gây nhiễu che phủ lực lượng tấn công, được hộ tống bởi các máy bay Phantom (G).  Phòng thủ tầm xa chống tiêm kích đối phương là các máy bay tiêm kích F-4 (C). Cuối cùng là máy bay chỉ huy trên không, trinh sát điện tử.

Sơ đồ không quân tiêm kích Mỹ hộ tống nhóm máy bay cường kích ném bom chống MiG

Trong tác chiến ngày nay, cụm máy bay tấn công chủ lực cũng sẽ được biên chế trong một đội hình tương tự như vậy. Nếu có sự tham gia của Su  - 35 từ phía đối phương, thì các Su – 35 sẽ đóng vai trò tiêm kích tự do ngăn chặn tiêm kích của không quân Việt Nam tập kích.

Su – 35 sẽ phá thế trận như thế nào?

Lợi thế chiến trường chủ chốt của không quân Việt Nam trong một trận đánh như vậy là ưu thế chiến trường quen thuộc, khoảng cách ngắn và thế trận chủ động tấn công.

Do các tiêm kích hiện đại của đối phương buộc phải bay trong đội hình, tiêm kích Su – 35 Việt Nam có thể sử dụng ưu thế tầm gần nhanh chóng xuất kích, bay dọc theo bờ biển Việt Nam và nhanh chóng chiếm độ cao lớn và lợi thế tấn công ở hướng bất ngờ nhất như hướng mặt trời triển khai thế trận phục kích trên không.

Khi các máy bay AWACS đối phương phát hiện mục tiêu là các biên đội Su – 35 đang ở lợi thế tấn công, thì từ sở chỉ huy và điều hành tác chiến mặt đất không quân Việt Nam đã nắm rõ đội hình tác chiến và có thể ra lệnh tấn công.

Do đang bay theo đội hình, Su – 35 đối phương buộc phải lấy độ cao không chiến. Đây chính là điểm yếu nhất của đối phương

Với cao độ và hướng tấn công tốt, dù số lượng nhỏ hơn, Su – 35 có thể phát huy hết ưu thế vũ khí trang thiết bị hiện đại như đã nêu trên, tập kích nhiều mục tiêu cùng một lúc trên nhiều cao độ và khoảng cách khác nhau, phá đội hình tấn công đường không của đối phương, buộc lực lượng tiêm kích đối phương lao vào quần chiến. Trong một đội hình chiến đấu hàng trăm máy bay khác nhau, nguy cơ bị bắn hạ rất lớn khi Su – 35 nhằm tới các mục tiêu yếu hơn. Đồng thời Su- 35 có thể thoát ly nhanh khi bị truy đuổi.

Khi đội hình chiến đấu tấn công của đối phương rối loạn, đó là lúc các lực lượng không quân tiêm kích khác của Việt Nam như Su – 27 xuất kích từ Phù Cát, Su – 30 MKI xuất kích từ Tân Sơn Nhất có thể tham gia không chiến, tấn công vào lực lượng không quân tiêm kích không đối hải của đối phương.

Khó có thể dự đoán trước được kết quả của một trận không chiến như vậy, nhưng theo kinh nghiệm của các trận không chiến trên vùng trời Miền Bắc Việt Nam, nếu MiG 21 chiếm được ưu thế trên không đánh vào đội hình đối phương, thông thường là các máy bay Mỹ bị thương vong dù tính năng kỹ chiến thuật và quân số đều vượt trội.

Một trận đánh ngày 23.12.1972 của MiG 21 trên bầu trời Hà Nội, biên đội MiG 21 đã lấy cao độ tấn công nhóm máy bay F-4, bắn hạ một chiếc.

Ba sơ đồ chiến thuật phục kích đường không sử dụng ưu thế độ cao và hướng tấn công thuận lợi, MiG 21 cơ động nhanh tiêu diệt mục tiêu từng được áp dụng ở Việt Nam

Với phương án trên, thế trận tập kích đường không của đối phương tan vỡ.

Điểm quan trọng ở đây là lực lượng không quân đối phương có nhiệm vụ then chốt là yểm trợ lực lượng Hải quân chiến đấu tấn công trên biển. Khi lực lượng không quân rơi vào quần chiến và buộc phải rút lui do hết dầu hoặc bị bắn rơi. Lực lượng tàu mặt nước sẽ phải độc lập vừa phòng không vừa chống trả các đòn tiến công trên biển. Nguy cơ bị đánh trúng, đánh chìm rất lớn, do đó phương án tối ưu hơn cả sẽ là co cụm lực lượng phòng ngự.

Như vậy, trong đội hình phòng thủ biển đảo Việt Nam, với ưu thế sân nhà và lợi thế khoảng cách, Su – 35 Việt Nam có thể giữ vai trò then chốt là lực lượng khống chế bầu trời, ngăn chặn mọi đòn tấn công của đối phương dù kẻ thù tiềm năng có thể có các máy bay chiến đấu tương đương nhưng với số lượng đông hơn gấp nhiều lần.

 TTB