Việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân Emsland, Isar II và Neckarwestheim II ở Đức đã được dự kiến. Quốc gia này công bố kế hoạch loại bỏ dần năng lượng hạt nhân vào năm 2011. Mùa thu năm 2022, do ảnh hưởng của cuộc chiến Ukraine khiến các quốc gia châu Âu hạn chế khả năng tiếp cận nhiên liệu hóa thạch, Đức đã quyết định duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân hiện có thêm vài tháng để duy trì nguồn cung.
″Đây là một hành động rất được mong đợi. Chính phủ Đức đã kéo dài tuổi thọ của các nhà máy này trong vài tháng, nhưng chưa bao giờ lên kế hoạch xa hơn thế”, David Victor, GS về đổi mới và chính sách công tại UC San Diego trong cuộc phỏng vấn với CNBC cho biết.
Cùng ngày, lò phản ứng hạt nhân Olkiluoto 3 (OL3) lớn nhất châu Âu của Phần Lan chính thức bắt đầu sản xuất điện thường xuyên, tăng cường an ninh năng lượng trong khu vực do không còn nguồn cung cấp điện và khí đốt từ Nga.
Nhà điều hành OL3 Teollisuuden Voima (TVO), thuộc sở hữu của công ty cung cấp điện Phần Lan Fortum và một tập đoàn gồm các công ty năng lượng và công nghiệp cho biết, đơn vị sản xuất điện hạt nhân này dự kiến sẽ đáp ứng khoảng 14% nhu cầu năng lượng của Phần Lan và sản xuất điện năng trong ít nhất 60 năm.
Là lò phản ứng hạt nhân Olkiluoto 3 mạnh nhất ở châu Âu, có công suất 1.600 megawatt, Olkiluoto 3 đã đạt công suất tối đa vào cuối tháng 9, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu xây dựng vào năm 2005.
Lò phản ứng nước áp lực châu Âu (EPR), đã chậm hơn 12 năm so với kế hoạch, dự kiến sẽ hoạt động hoàn toàn vào tháng 12/2022, nhưng quá trình khởi động đã bị lùi lại nhiều lần trong giai đoạn thử nghiệm.
Lò phản ứng do tập đoàn Areva-Siemens của Pháp xây dựng, khởi động lần đầu tiên vào tháng 12/2021 và kết nối với lưới điện Phần Lan tháng 3/2022.
TVO cho biết: “Quá trình sản xuất thử nghiệm đã hoàn thành và bắt đầu hoạt động sản xuất điện thông thường từ hôm nay(16/4). Kể từ thời điểm này, khoảng 30% điện năng của Phần Lan được sản xuất tại Olkiluoto, vốn đã có hai lò phản ứng.”
Nhà điều hành hệ thống truyền tải điện Phần Lan, Fingerrid tuyên bố: “Tính đến ngày 16/4, hơn 50% điện năng Phần Lan được sản xuất từ năng lượng hạt nhân.”
“Hoạt động sản xuất điện của Olkiluoto 3 giúp ổn định giá điện và đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh của Phần Lan,” Giám đốc điều hành TVO Jarmo Tanhua cho biết trong cuộc họp báo.
Các nền kinh tế hùng mạnh khác cũng thúc đẩy phát triển năng lượng hạt nhân, hầu hết các quốc gia G7 nhất trí sử dụng khả năng năng lượng hạt nhân dân sự nhằm cắt đứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.
Trong khi nhiều quốc gia tiếp tục hỗ trợ phát triển hạt nhân, một số quốc gia khác, dẫn đầu là Đức phản đối quyết định này do có sự phản đối mạnh mẽ từ một số nhóm hoạt động dân sự, phản đối năng lượng hạt nhân, lấy lý do không an toàn từ những thảm họa nguyên tử như Chernobyl của Ukraine và Fukushima của Nhật Bản.
Bộ trưởng Môi trường Đức Steffi Lemke cho biết: “Rủi ro của năng lượng hạt nhân là không thể kiểm soát được.” Nhưng nhiều nhà hoạt động chính trị của Đức chỉ trích quyết định này, tuyên bố việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân sẽ dẫn đến gia tăng sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và không thể chuyển đổi năng lượng.
“Đó là một ngày đen tối đối với sứ mệnh bảo vệ môi trường, khí hậu ở Đức,” Jens Spahn, nghị sĩ CDU bảo thủ phát biểu trên đài truyền hình RTL vào đầu tuần này.
Chính phủ Đức thừa nhận quốc gia này sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào than đá và khí đốt tự nhiên gây ô nhiễm để đáp ứng nhu cầu năng lượng trước mắt cho đến khi có thể phát triển đầy đủ khả năng sản xuất năng lượng tái tạo.
Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, đã kêu gọi lắp đặt “4 đến 5 tua-bin điện gió mỗi ngày” trong vài năm tới, đặt mục tiêu cho quốc gia trở thành trung hòa carbon vào năm 2045.
Ngược lại, tại Phần Lan, TVO đã ca ngợi lò phản ứng Olkiluoto 3 là “hành động bảo vệ khí hậu vĩ đại nhất. Lò phản ứng hạt nhân sẽ đẩy nhanh quá trình tiến tới một xã hội trung hòa carbon”.
Theo E&T