Căn cứ của lữ đoàn tên lửa nằm hoàn toàn trong những đường hầm đào sâu trong vùng núi đá. Trong hầm ngầm này chứa các phương tiện chiến đấu, phòng giảng đường học lý thuyết, phòng ăn và nghỉ ngơi của các trắc thủ. Trong cuộc diễn tập, lữ đoàn tên lửa mặt đất rời khỏi căn cứ hầm ngầm, cơ động đến trận địa, triển khai và phóng tên lửa vào các mục tiêu giả định.
Quân đội Trung Quốc được cho là có số lượng rất lớn tên lửa hành trình chiến thuật DF-10A. Tên lửa có cấu trúc tương tự như Iskander của Nga, nhưng có tầm bắn từ 1.500 - 2.500 km, chiều dài tên lửa 6,3 mét, trọng lượng đầu đạn đến 500 kg, bay theo đường bay lập trình, dẫn đường quán tính, định vị vệ tinh từ hệ thống Bắc Đầu và GPS dân sự Mỹ. Điểm yếu là tên lửa không có khả năng cơ động ngẫu nhiên, do đó khả năng chọc thủng hệ thống phòng không - phòng thủ tên lửa thấp hơn Iskander, nhưng tầm bắn lại xa hơn do không bị ngăn chặn bởi hiệp ước cấm phát triển tên lửa đạn đạo – hành trình tầm gần và tầm trung mặt đất.
Các căn cứ, đường vận tải ngầm của Trung Quốc và Triều Tiên là vấn đề đau đầu từ lâu của tình báo chiến lược Mỹ. Theo những thông tin được công bố trên mạng xã hội, mạng lưới đường hầm khổng lồ của Triều Tiên có thể cơ động di chuyển cả một quân đoàn xe tăng, thiết giáp. Hơn thế nữa, còn có các trận địa tên lửa phòng không trong lòng núi, xuất hiện để phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu, sau đó lại di chuyển sang địa điểm khác. Tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu cho rằng, lực lượng tên lửa chiến lược sở hữu khoảng 3000 km đường hầm cơ động vận chuyển và các trận địa phóng tên lửa nhằm vào cả Nga và Mỹ.