Theo Sputnik, tới thời điểm những đòn không kích đầu tiên của Mỹ giáng xuống miền Bắc Việt Nam. Đầu năm 1965, Liên Xô đã thông qua chính sách cung cấp cho miền Bắc Việt Nam và lực lượng yêu nước miền Nam Việt Nam sự viện trợ quân sự-kỹ thuật rộng rãi.
Thiết bị quân sự được gửi từ Liên Xô là loại có thể tập trung đáp trả các loại vũ khí mà Mỹ sử dụng tại Việt Nam một cách hiệu quả nhất. Ví dụ, các phi công Việt Nam bay trên máy bay chiến đấu MiG của Liên Xô đã bắn rơi F-105 và "pháo đài bay" B-52 của Mỹ.
Hệ thống tên lửa phòng không Dvina (còn gọi là Sam-2) có khả năng bắn trúng mục tiêu trên không, ngay cả ở độ cao 25 000 m… "Từ xưa tới nay, đó là những loạt đạn chí mạng nhất được bắn từ mặt đất lên máy bay", Tạp chí quân sự-kỹ thuật của Mỹ bình luận trong những năm ấy. Lực lượng tên lửa phòng không của Việt Nam được chuyên gia Liên Xô giúp đào tạo đã tiến hành 3.328 vụ phóng, tiêu diệt gần 1.300 máy bay Mỹ, trong đó có 54 chiếc máy bay ném bom chiến lược "B-52".
Liên Xô cũng viện trợ cho Việt Nam xe tăng T-55 là phiên bản sửa đổi của T-34 – loại xe tăng tốt nhất thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Không thể không nhắc tới súng trường tấn công Kalashnikov nổi tiếng thế giới, tức là súng AK mà tất cả người Việt Nam đều biết.
Trong hồi ký của mình về những năm tháng phục vụ tại Việt Nam, Thượng tướng Anatoloy Khyupenen viết rằng, "chỉ riêng trong giai đoạn 1953-1991, Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam 2.000 xe tăng, 1.700 xe bọc thép, 7.000 súng máy và súng cối, hơn 5.000 pháo cao xạ, 158 hệ thống tên lửa phòng không, 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng, hơn 100 tàu chiến. Nhờ các viện trợ của Liên Xô, Việt Nam đã đưa vào hoạt động 117 cứ điểm quân sự."
Phần lớn số viện trợ này được cung cấp cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong giai đoạn đó, vũ khí quân sự chiếm hơn 60% tổng viện trợ mà Liên Xô dành cho Việt Nam.
Ban đầu, vũ khí và thiết bị quân sự được Liên Xô đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường Trung Quốc. Về sau, khi quan hệ Trung-Xô không còn như trước, do tỷ lệ mất trộm hàng viện trợ khi qua lãnh thổ Trung Quốc gia tăng, trang thiết bị quân sự của Liên Xô được đưa đến Việt Nam bằng đường biển từ các cảng trên Biển Đen và Viễn Đông. Trên đường đến Việt Nam, tàu Liên Xô nhiều lần là đối tượng pháo kích và ném bom của Mỹ. Tại Hải Phòng và Cẩm Phả, để tiếp nhận hàng hóa Liên Xô, các chuyên gia đã xây dựng bến mới kéo dài hàng chục km.
Nhiên liệu cần thiết cho hoạt động của các cơ sở quân sự và trang thiết bị được tàu chở dầu của Liên Xô chuyển giao tại Hạ Long. Từ đó, các chuyên gia Liên Xô đặt đường ống dẫn dầu hỏa và xăng. Ở trung tâm Hà Nội, đường ống dẫn dầu được đặt theo đáy sông Hồng, và nhiên liệu qua ống kim loại chảy tiếp lên núi, đến đường Hồ Chí Minh. Hàng năm, đường ống này chuyên chở khoảng 700.000 mét khối xăng dầu.
Để làm việc với các thiết bị quân sự của Liên Xô, các trường đại học và học viện quân sự của Liên Xô bắt đầu đào tạo cán bộ giúp quân đội Việt Nam. Chỉ riêng trong năm 1966 và 1967, Liên Xô đã đào tạo quân nhân cho 5 trung đoàn tên lửa phòng không của Việt Nam, tất cả khoảng 3.000 người. Tổng cộng trong các học viện của Liên Xô đã đào tạo hơn 10.000 quân nhân Việt Nam.
Trong số đó có các vị chỉ huy tương lai của lực lượng phòng không và không quân Việt Nam như Thiếu tướng Lê Văn Chí, Trung Tướng Nguyễn Văn Thạc, Thiếu tướng Nguyễn Phúc Thái, anh hùng quân đội nhân dân Việt Nam Phạm Trường Vũ và nhà du hành vũ trụ tương lai Phạm Tuân… Sau khi kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, các trường đại học quân sự mà họ theo học đã được trao tặng Huân chương của Việt Nam.
Theo số liệu chính thức của Bộ Quốc phòng Liên Xô, từ tháng 7/1965 đến tháng 12/1974, có 6.359 sĩ quan, tướng lĩnh và khoảng 5.000 binh lính và hạ sĩ quan của các lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Gần 2.200 người trong số đó được trao tặng huân huy chương của Liên Xô, và hơn 3.000 người được Việt Nam tặng thưởng huân huy chương.
T.H