Lịch sử Minori Village, ngôi làng Nhật của GP.Invest

VietTimes – Nhắc đến dự án Minori Village (67A Trương Định), phần đông sẽ nghĩ ngay tới GP.Invest, mà thường quên quên mất một cái tên quan trọng khác: HanoiFood.
Minori Village. (Ảnh: GP.Invest)
Minori Village. (Ảnh: GP.Invest)

Minori Village được khởi công xây dựng vào cuối năm 2017 và dự kiến bàn giao vào tháng 7/2018.

Tọa lạc trên khu đất 10.228 m2 tại số 67A Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Tp. Hà Nội, dự án gồm 38 căn nhà vườn (diện tích 88 – 122 m2), 04 căn biệt thự (168 – 122 m2), 01 tòa nhà văn phòng (9 tầng, 2 tầng hầm) và 01 trường mầm non, tổng vốn đầu tư dự kiến 450 tỷ đồng.

Minori Village được giới thiệu là mang đến phong cách sống Nhật Bản tinh tế, hòa quyện với thiên nhiên ngay giữa lòng Hà Nội. Bản thân tên gọi thương mại của dự án – “Minori Village” – đã là một thông điệp: “"Minori" - trong tiếng Nhật nghĩa là gieo trồng. Minori Village mong ước sẽ là nơi ươm những mầm xanh bình yên cho tâm hồn và cuộc sống... là nơi những hạt mầm hạnh phúc luôn đơm hoa kết trái”.

Ngày 30/01/2008, HanoiFood đã ký Hợp đồng thuê đất 50 năm và trả tiền hàng năm cho lô đất tại 67A Trương Định. Hợp đồng mang số hiệu 18-08/HĐTĐTN. Thời hạn thuê đất đến ngày 30/01/2058

Sau đó, ngày 01/09/2008, Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AĐ 692375 cho HanoiFood.

Minori Village là một dự án của GP.Invest (trước đây là CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn cầu, hiện đã đổi tên thành CTCP Đầu tư Bất động sản Toàn cầu) – tên tuổi đang lên của làng bất động sản thủ đô. Đây là điều mà hầu như ai cũng biết. Nhưng cũng nên biết thêm rằng, GP.Invest chỉ là một trong hai cái tên của liên danh chủ đầu tư.

Cái tên còn lại - CTCP Chế biến Kinh doanh Lương thực – Thực phẩm Hà Nội (HanoiFood) – thường ít được nhắc đến. Bất chấp việc doanh nghiệp gốc Nhà nước này mới là chủ của miếng đất rộng hơn 1 ha – nơi triển khai dự án.

GP.Invest và HanoiFood tìm đến nhau theo một cách rất đặc trưng của giới địa ốc. HanoiFood có đất nhưng thiếu tiền, thiếu kinh nghiệm và có thể là thiếu cả ý tưởng để tối đa hóa giá trị cho miếng đất ấy. Còn GP.Invest, là một chủ đầu tư bất động sản thâm niên, họ có thừa năng lực, kinh nghiệm, và tất nhiên luôn “khát” đất.

Lịch sử Minori Village, ngôi làng Nhật của GP.Invest ảnh 1Tổng quan Minori Village. (Ảnh: GP.Invest)

Sự liên danh giữa hai bên, xét cho cùng, là một hành vi có tính quy luật thị trường. Và thực tế, GP.Invest cũng chẳng phải “tình đầu” của HanoiFood ở 67A Trương Định.

Từ trước đó nhiều năm, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Hà Nội Sông Hồng (Sông Hồng) đã tìm đến HanoiFood trong một tham vọng tương tự. Hai bên nộp hồ sơ lên Hà Nội đề xuất Dự án đầu tư Tổ hợp nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng cho thuê tại số 67A Trương Định; Và chính thức nhận được văn bản chấp thuận từ UBND thành phố vào tháng 04/2011.

Theo công bố lúc đó, tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 916 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào quý I/2012 và dự kiến hoàn thành vào quý IV/2014. Song không rõ vì lý do gì, dự án mãi chẳng được triển khai.

Mối tình Sông Hồng – HanoiFood kết thúc không kết quả. Và rồi GP.Invest xuất hiện…

Doanh nghiệp dự án "mất tích" trong báo cáo của HanoiFood

Không rõ GP.Invest và HanoiFood chính thức tiếp xúc từ thời điểm nào và như thế nào. Chỉ biết, kết quả của "cuộc tình" này là Công ty TNHH Phát triển Dự án Toàn cầu – pháp nhân dự án/chủ đầu tư của Minori Village.

Căn cứ vào thời điểm thành lập Công ty TNHH Phát triển Dự án Toàn cầu (GP.DC), là 03/07/2015, thì giao kết giữa GP.Invest và HanoiFood phải được thực hiện trước đó.

GP.DC đăng kí trụ sở chính tại đúng nơi triển khai dự án, 67A Trương Định – vốn là xưởng sản xuất trước đây của HanoiFood nhưng nằm trong diện thực hiện chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội về việc di chuyển các cơ sở sản xuất không còn phù hợp quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực các quận nội thành để ổn định sản xuất lâu dài.

Lịch sử Minori Village, ngôi làng Nhật của GP.Invest ảnh 2Mặt bằng thiết kế của Minori Village. (Ảnh: GP.Invest)

Cơ cấu vốn của GP.DC sẽ phản ánh mức độ phân chia quyền lợi và nghĩa vụ giữa hai chủ đầu tư GP.Invest và HanoiFood tại Minori Village. Theo đó, GP.DC đăng ký vốn điều lệ ở mức 90 tỷ đồng, trong đó GP.Invest góp 66,6 tỷ đồng, chiếm 74%; Còn HanoiFood góp 23,4 tỷ đồng, chiếm 26%. Lưu ý, phần vốn góp của HanoiFood tại GP.DC thực tế đã gấp nhiều lần quy mô vốn điệu lệ của chính HanoiFood (9,8 tỷ đồng). 

Với cơ cấu sở hữu này, GP.DC sẽ là công ty con của GP.Invest và là công ty liên kết của HanoiFood. Tuy nhiên, khá khó hiểu khi tại các báo tài chính của HanoiFood từ năm 2015 đến nay, GP.DC tuyệt nhiên không được đề cập.

HanoiFood hoàn toàn không ghi nhận một khoản đầu tư nào vào GP.DC và cũng không liệt kê PTAD trong danh sách công ty liên kết. Tương tự, Bản công bố thông tin vào giữa năm 2017 về việc thoái vốn của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood1) tại HanoiFood cũng hoàn toàn không thấy bóng dáng của pháp nhân nào mang tên Công ty TNHH Phát triển Dự án Toàn cầu – chủ đầu tư của Minori Village. Mà nhắc lại là, GP.DC đã được thành lập từ giữa năm 2015.

Công ty TNHH Phát triển Dự án Toàn cầu hiện do bà Hoàng Thị Anh Thư (P.TGĐ GP.Invest) làm Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.

GP.Invest khá chuộng cách “săn đất” thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp gốc nhà nước (đã cổ phần hóa và sở hữu quỹ đất tốt, vốn là cơ sở sản xuất kinh doanh trước đây) để phát triển các dự án bất động sản.

Trong danh mục sắp triển khai của GP.Invest, ngoài Minori Village, thì dự án Tòa nhà hỗn hợp tại số 9 đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Tp Hà Nội cũng là một trường hợp tương tự.

Tại đó, GP.Invest đã bắt tay với Công ty cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam – đơn vị giữ quyền quản lý, sử dụng lô đất số 9 Phạm Văn Đồng. Tương tự lô đất 67A Trương Định, lô đất này cũng thuộc diện thực hiện chủ trương của nhà nước về việc di dời cơ sở sản xuất, gây ô nhiễm môi trường trong nội thành Thành phố Hà Nội.

Lô đất vốn là cơ sở sản xuất trước đây của Công ty cổ phần kỹ thuật công trình Việt Nam, tiền thân là Cục Cơ khí tàu thuyền - Bộ thủy sản. Ngày 25/5/1983, theo Nghị định số 38/HĐBT, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định chấm dứt hoạt động của Cục để chuyển sang thành lập Công ty Cơ khí Thủy sản. Ngày 20/11/1991, Công ty được Bộ Thủy sản cho thành lập lại theo Quyết định số 259 TS/QĐ-TC với tên gọi là Công ty Cơ khí và Tàu thuyền Thủy sản. Ngày 08/12/2004, theo chủ trương về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Công ty được Bộ Thủy sản quyết định cho chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang công ty cổ phần có tên gọi là “Công Ty Cổ Phần Kỹ thuật Công trình Việt Nam”.

Về phần GP.Invest, nhà phát triển bất động sản này được thành lập ngày 27/04/2005, bởi Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu – GPBank (đại diện: Đoàn Văn An) và 10 cổ đông cá nhân, là các ông bà: Nguyễn Quốc Hiệp, Phan Kế Đạt, Trần Thị Xuân Mỹ, Phạm Thị Nga, Bùi Thị Xuân Lan, Đỗ Trí Dũng, Nguyễn Thị Phương Lâm, Đinh Thị Ngọ, Trần Tuyết Quỳ, Lê Huy Côn.

Theo Giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 19/08/2015, GP.Invest có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Trong đó, hai cổ đông lớn nhất là ông Nguyễn Quốc Hiệp (15,74%) và GPBank (8,38%). Ông Nguyễn Quốc Hiệp hiện vẫn đang đảm nhận trọng trách Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GP.Invest. Còn GPBank, không rõ sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua bắt buộc với giá 0 đồng để chuyển đổi thành mô hình Ngân hàng thương mại TNHH MTV, thì số cổ phần GP.Invest có còn được duy trì hay đã được sở hữu ra sao./.