Nhận diện lực lượng cảnh sát biển Mỹ
Khi gặp ông Jason Hopkin, chỉ huy cảnh sát biển Mỹ chịu trách nhiệm thực thi bảo vệ nguồn lợi biển ở Washington DC, tôi đã hỏi ông về kế hoạch thăm Việt Nam sắp tới của tân Tư lệnh Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ Paul Zukunft, theo thông báo của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius. Ông Hopkin cho biết, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đang tăng cường hợp tác, hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam, nhằm thực thi hiệu quả luật pháp trên biển và bảo vệ chủ quyền biển.
Chúng tôi có mặt ở Mỹ vào thời điểm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có chuyến thăm lịch sử và có cuộc hội đàm chưa từng có tiền lệ tại Nhà Trắng với Tổng thống Barack Obama. Quan hệ Việt-Mỹ đang chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ông Hopkin cho biết, ngoài việc cung cấp các tàu tuần tra, hỗ trợ đào tạo cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ sẽ tăng cường đối thoại, hợp tác với các đồng nghiệp phía Việt Nam cũng như các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mới đây, học giả kiêm giáo sư về chiến lược nổi tiếng James Holmes, thuộc Trường hải chiến Mỹ thậm chí còn gợi ý rằng, Mỹ nên đưa những tàu cảnh sát biển tới biển Đông giúp gia tăng sức mạnh đối đầu với những hành động hung hăng từ phía Trung Quốc.
Như thế sẽ đạt được rất nhiều mục đích trong đó có cả mục đích kiềm chế các hoạt động bạo lực đang diễn biến phức tạp tại khu vực này. Theo giáo sư Holmes, cũng giống như các lực lượng bảo vệ pháp luật hàng hải khác, cảnh sát biển Mỹ có nhiệm vụ chủ chốt là giám sát lãnh hải, phần lãnh thổ nước của đất nước và vùng đặc quyền kinh tế.
Nhưng cảnh sát biển Mỹ cũng là một lực lượng hoạt động ở nước ngoài trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cung cấp hỗ trợ trú ẩn tạm thời và tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn và bắt giữ những kẻ buôn lậu phi pháp cũng như những loại hình tội phạm khác. Ông Holmes đề xuất, cần gia tăng sự hiện diện của cảnh sát biển Mỹ trên những tuyến vận tải thương mại đường biển châu Á.
Trong điều kiện mua sắm thiết bị dân sự dành cho các hoạt động của chính phủ, như các xuồng cao tốc, hãy sơn và trang trí các xuồng này với màu sắc đỏ sẫm, trắng, màu xanh của cảnh sát biển Mỹ, đặt các xuồng cao tốc này lên các hạm tàu đang hoạt động trong vùng tranh chấp nhằm hạ nhiệt căng thẳng khu vực và duy trì luật pháp quốc tế ở biển Đông.
Thuyền trưởng tàu USCGS Melon Christosfer German cho biết, lực lượng cảnh sát biển Mỹ bắt đầu tiến hành tuần tra khu vực biển Bắc Thái Bình Dương vào năm 1993, nhằm bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ, ngăn chặn các hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp cũng như thực thi các nhiệm vụ an ninh khác. Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ có sự hợp tác với lực lượng cảnh sát biển Canada, Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Đáng chú ý trong tài liệu của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ còn in hẳn hình ảnh hung hãn của hạm đội tàu cá Trung Quốc có tàu hải giám hậu thuẫn để minh họa cho hoạt động đánh bắt hải sản bất hợp pháp.
Đáng ngại hơn là khu vực Bắc Thái Bình Dương trước đây gần như được coi là sân nhà của Mỹ thì nay mọi việc đang có chiều hướng thay đổi.
Ngay khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Alaska cổ súy việc chống biến đổi khí hậu, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát hiện 5 tàu chiến Trung Quốc lần đầu tiên có mặt tại vùng biển Bering, áp sát bờ biển Alaska khiến người Mỹ đặt dấu hỏi lớn.
Thăm tàu cảnh sát biển hiện đại nhất Bắc Mỹ
Khác với những đồng nghiệp cao to luôn đeo kính đen, luôn đứng xoạng chân chắp tay sau lưng trông rất hầm hố kiểu Mỹ, dẫn chúng tôi tham quan tàu USCGS Melon là nữ sĩ quan trẻ tuổi Jamie Greendyk có tầm vóc khá bé nhỏ. Trông liễu yếu đào tơ thế thôi, nhưng Jamie lại là sĩ quan phụ trách vũ khí kiêm thực thi luật pháp.
Nữ sĩ quan Jamie thuyết trình về tàu USCGS Melon
Jamie thoăn thoắt leo cầu thang từ dưới hầm lên boong, đưa chúng tôi qua các khoang tàu, giới thiệu từ nơi ăn ngủ của thủy thủ đoàn 150 người, phòng giải trí, tới buồng lái, phòng chỉ huy con tàu hiện đại nhất cảnh sát biển Bắc Mỹ.
Hạm đội bảo vệ bờ biển ở đây bao gồm hàng chục tàu lớn nhỏ. Lớn nhất là con tàu khổng lồ sơn màu đỏ rực, có khả năng phá băng, chuyên làm nhiệm vụ tuần tra ở Bắc Cực đang nằm lừng lững ở cảng ngay trước mũi tàu Melon. Nó đồ sộ nhất, nhưng Melon mới là ngôi sao ở của hạm đội.
Con tàu trọng tải 3.250 tấn, dài tới 115m này được biên chế từ năm 1968 nhưng đã được nâng cấp rất hiện đại với các động cơ tua bin khí giúp tàu chạy tốc độ cao.
Melon là tàu cảnh sát biển đầu tiên và duy nhất phù hợp trang bị tên lửa chống hạm Harpoon. Ngoài hệ thống pháo hạm Phalanx CIWS, hangar chứa một máy bay trực thăng MH-65 Dolphin, nó từng được trang bị cả hệ thống sonar và ngư lôi chống tàu ngầm…
Jamie tự hào cho biết, trong hai năm qua tàu USCGS Melon tung hoành ngang dọc từ Bắc Cực cho tới Xích đạo và các vùng nước xa xôi châu Á.
Trong thời gian này, Melon đã bắt giữ hơn 100 triệu USD ma túy đang trên đường vào Mỹ, trở thành tàu quân sự Mỹ đầu tiên ngăn chặn được tàu buôn lậu ma túy tổng hợp. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ bờ biển, ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, tàu Melon còn cứu giúp 5 tàu gặp nạn, cứu sống nhiều người…
Chính vì thế, năm ngoái Melon đã được trao danh hiệu tàu chiến đấu hạng xuất sắc. Thuyền trưởng German nói: “Nạn đánh bắt cá bất hợp pháp, không theo mùa vụ hoành hành khắp Bắc Thái Bình Dương. Và chúng tôi đang tiếp tục giám sát hoạt động đánh bắt bất hợp pháp vì chúng đe dọa sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp đánh cá trị giá 140 tỷ USD”.
Tôi lên tàu Melon khi chiến hạm này vừa trở về từ chuyến tuần tra kéo dài 14 tuần, hải hành qua chặng đường gần 20.000 dặm ở khu vực biển Bắc Thái Bình Dương. Sau chuyến đi dài, các thủy thủ đoàn tạm nghỉ ngơi, kiểm tra, bảo dưỡng tàu, tiếp nhiên liệu và lương thực chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo.
Thủy thủ trông bề ngoài có vẻ lạnh lùng, nhưng khi cần hỏi gì đó, họ đều hướng dẫn cực kỳ nhiệt tình. Người thì giải thích cho tôi hiểu cách thức máy bay trực thăng giám sát trên biển ra sao, người lại quan tâm hỏi chúng tôi tới Seattle lâu chưa, đã thăm được những nơi nào rồi và còn sốt sắng giới thiệu những địa điểm nên tham quan và các món ngon đáng thưởng thức ở thành phố này. Rồi cả nhóm xúm vào cùng hò nhau chụp vài kiểu ảnh kỷ niệm vô cùng thoải mái.
Nữ cảnh sát biển Mỹ đang làm việc
Ngoài Jamie, tôi ngạc nhiên khi gặp trên tàu khá nhiều bóng hồng đảm trách nhiều công việc khác nhau. Cô thì tỉ mẩn cọ rửa lan can tàu, một nữ sĩ quan khác khá xinh nhưng nghiêm nghị, đang điều hành các bộ phận qua loa phóng thanh. Khi thấy tôi lia máy ảnh bèn đứng nghiêm giơ tay chào và nhoẻn cười rất tươi.
Tôi hỏi Jamie có nhiều phụ nữ làm việc trên tàu như cô không? Jamie bảo trên tàu Melon có khoảng 30% thủy thủ đoàn là nữ và họ cũng đảm trách nhiều nhiệm vụ nặng nhọc, nguy hiểm chẳng kém gì cánh mày râu. Không chỉ trên USCGS Melon, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cũng chiếm khoảng 30%.
Jamie cho biết cô cũng thường xuyên tham gia các nhiệm vụ dài ngày trên biển và cũng chỉ thỉnh thoảng mới tranh thủ về thăm nhà. Hỏi sao lại chọn công việc rất vất vả, khó khăn, nguy hiểm trên tàu cảnh sát biển như thế. “Nếu không yêu công việc này, tôi đã không chọn nó”, Jamie mỉm cười, nói.
Tổng thống Obama đã tuyên bố chiến lược quốc gia chống thị trường đánh bắt hải sản đen và giao cho các cơ quan hữu trách thực thi nhiệm vụ này. Bà Kuruc nói tới phương án dùng vệ tinh để giám sát hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.
Còn ông Mark Young, quan chức cấp cao về thực thi bảo tồn biển khẳng định, Mỹ đang triển khai chương trình giám sát “Mắt trên biển”, dùng công nghệ vệ tinh kết hợp với cơ sở dữ liệu nhằm theo dõi, giám sát tàu bè di chuyển trên khắp thế giới xem chúng đi đâu, làm gì, trao đổi với ai…
Theo Đặng Vương Hạnh (Tiền Phong)