Nói nghe có vẻ hoang đường, nhưng lá thư chỉ dài 920 chữ kêu gọi Chủ tịch Tập từ chức hồi đầu tháng 3 lại có sức "công phá" vô cùng to lớn, chủ yếu là do sự "mẫn cảm" quá mức của lực lượng an ninh Trung Quốc.
Nhiều người Trung Quốc ban đầu cho rằng lá thư chỉ là trò đùa, nhưng giờ đây nó lại giống như dấu hiệu cho thấy sự bất đồng thật sự trong nội bộ đảng cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc.
Vụ bức thư đã trở nên quá nghiêm túc và nghiêm trọng chủ yếu là do phản ứng mạnh từ phía chính quyền đối với bức thư.
Nhân viên an ninh Trung Quốc đã bắt giữ hơn 20 người liên quan đến việc phát tán bức thư. Họ khóa tất cả các từ khóa tìm kiếm trên mạng internet tại Trung Quốc liên quan đến bức thư.
Không dừng lại, lực lượng an ninh Trung Quốc còn mở rộng chiến dịch hơn nữa khi họ quyết định bắt giữ và "làm khó" gia đình của nhiều nhân vật bất đồng chính kiến đang lưu vong tại nước ngoài, thậm chí lực lượng an ninh Trung Quốc còn cố tìm cách gỡ một bài bình luận về bức thư trên báo Đức.
Rõ ràng, lãnh đạo Trung Quốc nhìn thấy lá thư trên mạng kia là một mối đe dọa thật sự, vì vậy họ quyết định phát động một cuộc săn tìm những ai đã phát tán và viết bức thư nói trên.
"Ban đầu lá thư này không có vẻ gì nguy hiểm", chuyên gia Bill Bishop viết trên một chuyên trang theo dõi chính trị Trung Quốc Sinocism. "Nhưng hiện tại, do phản ứng (của chính quyền), nó trở nên rất nguy hiểm. Họ đang theo dõi nhiều người, ở Trung Quốc và giờ là tại ngoại quốc".
Việc truy lùng những người viết ra và phát tán bức thư được cho là dấu hiệu rạn nứt trong nội bộ lãnh đạo của Trung Quốc khi gần đây nhiều thách thức trên nhiều mặt trận đang xảy ra. Nền kinh tế, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đang chững lại như là đang "phá" kế hoạch cải cách đất nước của Chủ tịch Tập.
Trong nội bộ lãnh đạo, nhiều người được cho là đang "bỡn cợt" cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập, nhiều người thậm chí coi cuộc chiến này chỉ là cách ông Tập giữ ghế.
Thời điểm bức thư kêu gọi ông Tập từ chức cũng rất "nhạy cảm". Nó được tung ra ngay trước khi diễn ra hai cuộc họp quan trọng của Trung Quốc, thời điểm mà các lãnh đạo Trung Quốc cố gắng tạo ra hình ảnh đoàn kết nội bộ.
"Tín thư yêu cầu đồng chí Tập Cận Bình từ nhiệm khỏi chức lãnh đạo Đảng và Nhà nước", đó là tiêu đề của bức thư đòi ông Tập từ chức và được ký với tên "những đảng viên trung thành lâu năm".
"Đồng chí Tập Cận Bình, chúng tôi cảm thấy rằng đồng chí không có khả năng để lãnh đạo đảng và đất nước trong tương lai, và chúng tôi tin rằng đồng chí không còn thích hợp cho chiếc ghế Tổng bí thư", bức thư nêu. "Vì sự tồn vong của đảng, vì sự hòa bình lâu dài và sự ổn định của đất nước cũng như sự an toàn của riêng cá nhân đồng chí và của gia đình đồng chí, chúng tôi yêu cầu đồng chí phải từ chức khỏi tất cả các vị trí"...
Willy Lam, một giáo sư tại Đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, chuyên nghiên cứu về chính trị đảng, cho biết từ nội dung trên ông cho rằng bức thư không phải là người trong nước viết. Phong cách và các từ ngữ trong thư giống như của một người viết tiếng Trung ở nước ngoài hơn.
Tuy nhiên, theo ông Lam, bức thư lại phản ánh những lời đồn đại đang lan truyền trong giới tinh hoa của Trung Quốc và sự "sùng bái cá nhân" mà ông Tập đang tạo ra. Chính vì vậy, Chủ tịch Tập có thể đã "cảm thấy bị đe dọa" bởi bức thư phản ánh sự lo lắng đang tăng tại Trung Quốc nên ông quyết truy lùng cho bằng được người phát tán bức thư ấy.
Theo The Guardian, Một thế giới