Lãnh đạo thời 4.0: Chuyển từ tư duy phản ứng sang tư duy sáng tạo

VietTimes –  Tư duy phản ứng thể hiện lối nghĩ dựa trên phản ứng với các hoàn cảnh, trong khi tư duy sáng tạo khai thác bản thân, niềm đam mê và mục đích cốt lõi của chính mình để tạo ra thực tế.
Lãnh đạo thời hiện đại phải thay đổi phương thức quản trị linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số.
Lãnh đạo thời hiện đại phải thay đổi phương thức quản trị linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số.

Đây là nhưng phân tích của Học viện Agile (thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam) khi bàn về thay đổi tư duy lãnh đạo trong thời đại chuyển đổi số. Đứng trước những biến đổi không ngừng của thị trường trong thời đại VUCA, lãnh đạo thời hiện đại phải thay đổi phương thức quản trị linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số. 

Dịch COVID-19 xảy ra trong bối cảnh chuyển đổi số đã tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh, buộc các doanh nghiệp phải phản ứng nhanh, đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh không bị gián đoạn. Hậu COVID-19, môi trường VUCA tiếp tục đòi hỏi các lãnh đạo phải liên tục đổi mới, linh hoạt để đối phó với sự biến động không ngừng.

Thách thức đặt ra cho doanh nghiệp hậu COVID-19


Theo các chuyên gia của Học viện Agile, sự phát triển của công nghệ trong bối cảnh dịch COVID-19 đã thay đổi cơ bản cách thức làm việc, đồng nghĩa với việc phát sinh nhiều thách thức mới trong quản trị doanh nghiệp. Sự thay đổi không gian làm việc, nhường chỗ cho mô hình trực tuyến, làm việc từ xa đã đặt ra khó khăn, buộc lãnh đạo phải chuyển mình. Bên cạnh các doanh nghiệp, một số công ty trong lĩnh vực đào tạo và giáo dục cũng bắt đầu chuyển đổi sang hình thức đào tạo và huấn luyện trực tuyến, trong khi yếu tố hiệu quả phải đặt lên hàng đầu.

Ngoài thách thức trong cách quản trị và làm việc, giai đoạn khủng hoảng còn khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn về quản trị dòng tiền và duy trì tài chính. Điều này dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, chi phí để tồn tại.

Theo Tổng cục Thống kê, khoảng 67% doanh nghiệp đã cắt giảm lao động; cho lao động giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc không lương, giảm lương. Đây là một thách thức vô cùng lớn, buộc các doanh nghiệp phải tái cơ cấu toàn bộ tổ chức, sắp xếp lại nguồn nhân lực một cách linh hoạt, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả.

"Để thích nghi và giải quyết những thách thức trên, các nhà lãnh đạo không chỉ ưu tiên những hành động mang tính ứng phó nhất thời mà cần phải tính đế sự phát triển lâu dài. Sự chuẩn bị đó cần xuất phát từ việc thay đổi bản thân thông qua phát triển tư duy và các kỹ năng mới, thực hiện những thay đổi ở mức đội nhóm và sau cùng là thay đổi cả tổ chức" - ông Phạm Anh Đới - Giám đốc Học viện Agile nhận định.  

Thay đổi tư duy lãnh đạo là điều tất yếu


Để thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, lãnh đạo bắt buộc phải thay đổi tư duy và hành vi cá nhân, chuyển từ tư duy phản ứng sang tư duy sáng tạo. Để thúc đẩy sự thay đổi này, cần chú ý đến 3 điều quan trọng: chuyển từ cố gắng đảm bảo sự ổn định sang khám phá và thử nghiệm; chuyển từ lãnh đạo theo mệnh lệnh và phân quyền sang trao quyền và tự chủ; chuyển từ cách tiếp cận vấn đề dựa trên nguồn lực hạn chế sang nhận thức các nguồn lực và tiềm năng không giới hạn cho tổ chức.

Làm rõ hơn về quan điểm này, ông Nguyễn Thế Nghị - Giảng viên, Giám đốc Học viện Agile cơ sở TP. HCM - khẳng định: "Những thay đổi này hướng tới tư duy mở, sáng tạo và đề cao tính tự chủ nhưng lại đòi hỏi ở lãnh đạo một cách tiếp cận rất kỷ luật. Tính kỷ luật được thể hiện nghiêm ngặt với bản thân, sẵn sàng trao quyền và rời bỏ các mệnh lệnh để phục vụ mục tiêu lâu dài, bền vững.

lãnh đạo thời hiện đại phải thay đổi phương thức quản trị linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số.
Lãnh đạo thời hiện đại phải thay đổi phương thức quản trị linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số.

Chuyển đổi Agile trên quy mô toàn tổ chức dần trở thành xu hướng


Trước môi trường kinh doanh phức tạp, khó đoán định và thay đổi liên tục yếu tố linh hoạt trở nên quan trọng. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc chuyển đổi sang phương thức Agile giúp gia tăng năng suất lao động, hiệu quả dự án và đổi mới sáng tạo.

“Agile” có nguồn gốc là một phương pháp quản lý dự án phát triển doanh nghiệp bằng phần mềm, đặc trưng bởi sự cải tiến liên tục, lặp lại và hợp tác. Với Agile, các nhóm được khuyến khích tập trung vào phản ứng với thay đổi thay vì tuân theo kế hoạch tuyến tính, cho phép quản trị và vận hành linh hoạt hơn.

Tuyên ngôn Agile gồm 4 quy tắc cơ bản: Cá nhân hóa và sự tương tác hơn là quy trình và công cụ; Phần mềm chạy tốt hơn là tài liệu đầy đủ; Cộng tác với khách hàng hơn là đàm phán hợp đồng; Phản hồi với các thay đổi hơn là bám sát kế hoạch.

Sau khi tự thay đổi tư duy, lãnh đạo có thể tiến hành chuyển đổi tổ chức dưới quy mô đội nhóm. Cụ thể là giúp các nhóm làm việc theo những phương pháp mới, hiệu quả hơn và linh hoạt hơn.

Theo Agile Alliance, một nhóm làm việc kiểu Agile là một nhóm làm việc đa chức năng, các thành viên nhóm đều có thể thực hiện tất cả các chức năng và nhiệm vụ cần thiết cho dự án. Một nhóm Agile có khả năng tự quản để hướng tới mục tiêu giải quyết các nhu cầu và giá trị cho khách hàng. Các nhà lãnh đạo nên khuyến khích và thiết lập các nhóm Agile trong doanh nghiệp của mình, trao quyền và tạo động lực để nhóm Agile hoàn thành mục tiêu một cách hiệu quả.

Khi đảm bảo các nhóm Agile vận hành hiệu quả, doanh nghiệp có thể tiến hành chuyển đổi trên quy mô toàn bộ tổ chức. Tạo dựng văn hóa học tập, môi trường linh hoạt và minh bạch là đặc điểm của các tổ chức Agile. Đề phòng tình huống phát sinh, các tổ chức Agile cần tạo ra một môi trường cởi mở, minh bạch; kết hợp  thực hiện trên cả hai môi trường giao tiếp trực tiếp và gián tiếp. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ chức phải thấy được một mục tiêu rõ ràng và đủ hấp dẫn để theo đuổi và chấp nhận thực hiện sự thay đổi.

"Các lãnh đạo chuyển đổi theo hướng Agile cần phát triển thành các tổ chức tập huấn, khuyến khích nhân viên học tập và phát triển bản thân nhiều hơn. Một tổ chức phát triển dựa vào nền tảng học tập, thử nghiệm và cải tiến liên tục nên được theo đuổi lâu dài. Các nhà lãnh đạo có thể làm gương và truyền cảm hứng cho nhân viên của mình trong các buổi họp giao ban hàng tuần để tổng kết công việc, tìm ra các hướng giải quyết mới cho vấn đề" - Giám đốc Hệ thống đào tạo lập trình hiện đại CodeGym Nguyễn Khắc Nhật - nêu quan điểm.

Dù có tuyên bố chính thức hay không, rất nhiều tổ chức vẫn đang chuyển đổi sang Agile hoặc áp dụng một phần nào đó của Agile để gia tăng sự linh hoạt trong bối cảnh môi trường có nhiều biến động phức tạp. Để gia tăng tính linh hoạt, nhà lãnh đạo chủ động nâng cao năng lực, tư duy của chính mình cũng như phổ cập đến toàn bộ nhân viên. Để thực hiện được điều này, tổ chức cần xây dựng được đội ngũ huấn luyện viên Agile, đưa đội ngũ điều hành tham gia vào quá trình chuyển đổi cho từng cá nhân trong tổ chức.

Báo cáo CHAOS của Standish Group năm 2015 chỉ rõ, Agile có thể giúp tỉ lệ thành công của các dự án tăng gấp 3 lần so với phương thức hoạt động truyền thống. Chuyển đổi Agile được xem là ưu tiên quan trọng hàng đầu của nhiều tổ chức lớn như Amazon, Apple, Facebook, Google, Microsoft hay Airbnb, Samsung, Spotify, Tesla, Uber. Trong khi đó, một số công ty trên thế giới đã tụt dốc vì chậm thay đổi.