Ngay sau kết quả chính thức cuộc trưng cầu ý dân của Anh được công bố, Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng thừa nhận rằng, đây thực sự là một cú sốc lớn và đòn giáng mạnh vào châu Âu.
Tuy nhiên, bà cảnh báo rằng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu khác nên tránh đưa ra những kết luận vội vàng bởi vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ chia rẽ sâu sắc trong châu Âu.
Thủ tướng Đức nhấn mạnh: "Đây thực sự là một bước ngoặt đối với châu Âu, một bước ngoặt lớn trong quá trình thống nhất khối. Những gì gọi là hậu quả của kết quả này sẽ tác động đến chúng ta trong những ngày, tuần, tháng và năm tới. Tuy nhiên, những hậu quả đó ảnh hưởng ra sao sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chúng ta, nếu 27 thành viên khác của EU thể hiện khả năng, sự sẵn sàng và không đưa những kết luận vội vàng. Chúng ta cần phải bình tĩnh, tỉnh táo đánh giá tình hình trước khi đưa ra những quyết định đúng đắn."
Từ Hà Lan, Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng tài chính khu vực sử dụng đồng tiền chung Jeroen Dijssebloem cho biết, nhiệm vụ đầu tiên mà các lãnh đạo châu Âu phải làm sau cuộc bỏ phiếu ra đi của Anh là giữ gìn sự ổn định trong khối.
"Mục tiêu của chúng tôi, khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung ơ-rô trong mọi trường hợp là không thay đổi. Điều quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải duy trì sự ổn định chính trị, kinh tế ở châu Âu. Bởi vì đó là những gì sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Anh đã lựa chọn một hướng đi không chắc chắn cho mình và chúng ta cũng phải đi tiếp con đường của mình. Giữ ổn định là điều mà chúng ta cần phải làm ở châu Âu nói chung và khu vực đồng tiền chung euro nói riêng," ông Jeroen Dijssebloem nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz bày tỏ hy vọng sẽ không có phản ứng dây chuyền kiểu domino trong EU sau Brexit, đồng thời nhấn mạnh các nước khác không nên lựa chọn đi theo con đường nguy hiểm của Anh và châu Âu cần vững vàng trong thời điểm này.
Nghị viện châu Âu (EP) quyết định sẽ họp phiên toàn thể đặc biệt vào sáng 28/6 tới để thông qua một nghị quyết về các thủ tục Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Phản ứng trước sự kiện gây chấn động này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã bày tỏ mong muốn được tiếp tục duy trì quan hệ đối tác vững chắc với cả Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu sau khi Anh rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu.
Trong một tuyên bố, Liên hợp quốc hi vọng sẽ tiếp tục hợp tác với cả Anh và EU bởi đây là những đối tác quan trọng của Liên hợp quốc về các vấn đề phát triển và nhân đạo cũng như hòa bình và an ninh, Ông Ban Ki-mun cũng bày tỏ tin tưởng rằng trong giai đoạn chuyển tiếp đầy khó khăn này, Liên minh châu Âu sẽ vẫn thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ lợi ích chung cho các công dân của mình.
Phát biểu với báo giới, trong khuôn khổ chuyến thăm Uzbekistan, Tổng thống Putin cho rằng, kết quả của cuộc trưng cầu ý dân tại Anh đã phản ánh sự không hài lòng của người dân Anh về vấn đề di cư và những lo lắng về an ninh cũng như về bộ máy hoạt động thiếu hiệu quả của Liên minh châu Âu.
Theo Tổng thống Puitin, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu sẽ ảnh hưởng tích cực lẫn tiêu cực đối với Nga cũng như thế giới. Tuy nhiên, tình hình sẽ tự được điều chỉnh trong tương lai gần.
Cùng ngày, đồng loạt lãnh đạo nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, Singapore, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ... đã có những phản ứng về sự kiện Brexit đồng thời bày tỏ quan ngại về những tác động tài chính, kinh tế, chính trị trong khu vực và toàn cầu. Trong khi đó, lãnh đạo một số nước Đông Âu hối thúc Liên minh châu Âu cải cách nếu như không muốn mất thêm thành viên...
Theo quy định, Anh sẽ phải tiến hành đàm phán về mối quan hệ mới với EU trước khi chính thức rút khỏi liên minh này. Dự kiến tiến trình đàm phán kéo dài khoảng 2 năm.
Theo VOV