Làn sóng biểu tình Gilê vàng: “Mùa Xuân Arab” lan tỏa tới Paris hay là cuộc mạng mới của nước Pháp?
Kể từ cuối tháng 11/2018 tới nay, làn sóng bạo loạn bùng phát trên toàn lãnh thổ nước Pháp khi những người biểu tình đầu tiên khoác lên người chiếc áo gilê màu vàng và đổ xuống đường biểu tình phản đối quyết định của chính phủ Pháp áp thuế môi trường lên xăng dầu, đến nay đã chuyển sang yêu sách chính trị và chưa có dấu hiệu dừng lại, có thể dẫn tới sự kết thúc chưa thể lường trước được đối với nước Pháp. Hiện tượng được giới phân tích gọi là “Mùa xuân Paris” do sự tương đồng với các biến động chính trị mang tên “Mùa Xuân Arab” ở các nước Bắc Phi - Trung Đông đã từng dẫn tới sự lật đổ chính thể nhiều nước ở khu vực này.
Sự tương đồng giữa “Mùa xuân Paris”và “Mùa Xuân Arab”.
Sự tương đồng của “Mùa xuân Paris” với “Mùa Xuân Arab” bùng phát đầu tiên vào cuối năm 2010 ở Tunisia mang tên “cách mạng hoa nhài” được thể hiện trong các động thái sau.
Một là, yếu tố châm ngòi cho “Mùa xuân Paris” và “Mùa Xuân Arab”.
Ở Tunisia, châm ngòi cho làn sóng bạo loạn dẫn tới các biến động chính trị mang tên “Mùa Xuân Arab” chỉ là sự phản đối hành động của một nhân viên cảnh sát đường phố tịch thu hàng sản xuất của người bán hàng Mohamed Bouazizi, khiến người này phẫn uất và quyết định phản kháng bằng hành động tự thiêu. Hình ảnh tự thiêu này lan tỏa trên mạng xã hội đã châm ngòi cho làn sóng bạo loạn và sau đó chuyển thành biến động chính trị với các yêu sách đòi chính phủ giải quyết vấn đề thất nghiệp, giá cả thực phẩm tăng, nạn chính quyền tham nhũng, tự do ngôn luận bị bóp nghẹt và mức sống của người dân thấp và cuối cùng là lật đổ chính thể của tổng thống Tunisia, Ben Ali.
Tương tự, làn sóng bạo loạn ở Pháp cũng được châm ngòi chỉ là hành động phản đối quyết định của chính phủ áp thuế lên giá xăng dầu. Đây là việc mà nhiều quốc gia trên thế giới vẫn làm. Thế nhưng ngay sau đó, khẩu hiệu của những người biểu tình đã vượt ra khỏi khuôn khổ phản đối chính sách áp thuế giá nhiên liệu và mở rộng ra tới yêu sách kinh tế - xã hội, chính trị và đối ngoại, thậm chí buộc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải từ chức, giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử trước thời hạn.
Hai là, xuất phát điểm có vẻ tự phát, không có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra đảm nhận vai trò lãnh đạo phong trào.
Nhìn bề ngoài, các cuộc biểu tình khởi đầu “Mùa Xuân Arab” như “Mùa xuân Paris” nổ ra hoàn toàn mang tính tự phát. Cũng như ở Tunisia và nhiều nước Bắc Phi-Trung Đông, trong làn sóng bạo loạn ở Pháp không có một tổ chức hay một nhân vật chính trị nào đứng ra đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo những người xuống đường biểu tình. Chỉ trong giai đoạn sau, dư luận mới được thấy một số tổ chức chính trị xuất hiện và đề ra yêu sách đòi lật đổ chính thể hiện hành. Nếu ở Tunisia, Egypt, Libya hay Syria xuất hiện “các lực lượng đối lập” mà điển hình là tổ chức “Anh em Hồi giáo”, thì ở Pháp cũng xuất hiện các đảng chính trị đối lập với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron như Đảng Xã hộ và Mặt trận quốc gia từng thất bại trong cuộc bầu cử năm 2017.
Ba là, có vai trò rất quan trọng của mạng xã hội trong “Mùa Xuân Arab” và “Mùa xuân Paris”.
Mạng xã hội đóng vai trò rất quan trọng như là nhà cổ vũ và tổ chức làn sóng bạo loạn trong phong trào “Mùa Xuân Arab” cũng như “Mùa xuân Paris”. Chính vì thế, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ vào thời điểm 2010 là bà Hillary Clinton đã gọi “Mùa Xuân Arab” là “cuộc cách mạng từ Internet”. Mang Internet là nơi phát lệnh, tổ chức, kết nối, khuyến kích những người biểu tình và đưa ra yêu sách đối với chính phủ mà không cần tới người phát ngôn hay người đại diện chính thức cho các “lực lượng cách mạng” [1].
Bốn là, sự lan tỏa của “Mùa Xuân Arab” và “Mùa xuân Paris”
Khởi phát từ Tunisia, “Mùa Xuân Arab” ngay sau đó đã lan tỏa tới nhiều quốc gia Bắc Phi-Trung Đông như Egyt, Libya, Yemen, Mali hay Syria, tạo ra trạng thái “bất ổn có kiểm soát” và làm rung chuyển toàn bộ khu vực này. Hiện nay, “Mùa xuân Paris” đã lan tỏa sang các nước Bỉ và Hà Lan. Cảnh sát Bỉ đã bắt giữ khoảng 100 người vì tổ chức một cuộc biểu tình không xin phép ở thủ đô Brussels. Hiện tại, cảnh sát địa phương đang được tăng cường để duy trì trật tự và đề phòng khả năng xảy ra bạo động.
Tại Hà Lan, những người áo vàng cũng đã xuống đường biểu tình phản đối tình trạng giá cả leo thang, tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề người nhập cư và yêu cầu Thủ tướng Mark Rutte từ chức. Không loại trừ khả năng, trong thời gian tới, “Mùa xuân Paris” sẽ lan tỏa sang các nước khác trong Liên minh châu Âu (EU) bởi ở những quốc gia đó cũng tiềm ẩn các yếu tố có thể châm ngòi cho làn sóng bạo loạn như mâu thuẫn giữa các đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng rộng, chính sách lương bổng, hưu trí, nạn thất nghiệp, giáo dục, nhà ở, y tế, nhập cư không thỏa đáng.
Phải chăng “Mùa xuân Paris” là cuộc cách mạng mới của nước Pháp?
Nếu nhìn vào những yêu sách của những người biểu tình Gilê vàng ghi trong áp-phích in trên áo gilê của họ thì có thể thấy bản chất của “Mùa xuân Paris” hoàn toàn khác với “Mùa Xuân Arab”. Nội dung 25 yêu sách cơ bản của phong trào này ghi trong áp-phích như là bản thông điệp gửi tới chính phủ Pháp chứng tỏ những người Gilê vàng đang hướng tới một cuộc cách mạng mới.
Yêu sách về kinh tế và lao động: (1) cải cách hệ thống thuế, theo đó nhà nước phải ban hành đạo luật cấm đánh thuế tới mức vượt quá 25% thu nhập của công dân; (2) ngay lập tức tăng 40% mức lương tối thiểu của người lao động, mức lương hưu và mức sinh hoạt tối thiểu của người dân; (3) tạo ra hàng loạt các công việc mới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giao thông công cộng, bảo vệ luật pháp và trật tự, v.v., để đảm bảo hoạt động cần thiết của tất cả các cơ quan dịch vụ công cộng;
(4) chính phủ cần có kế hoạch xây dựng 5 triệu đơn vị nhà ở giá rẻ, giảm giá tiền thuê nhà, tạo điều kiện thế chấp mua nhà và tạo việc làm trong ngành xây dựng, xử phạt nghiêm khắc các thị trưởng, các hội đồng thành phố và chính quyền khu vực để xẩy ra tình trạng người dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất; (5) giảm quy mô các ngân hàng và xỏa bỏ các ngân hàng độc quyền để không để ngành tài chính rơi vào tình cảnh khủng hoảng, cấm các ngân hàng hoạt động đầu cơ chứng khoán, cấm mọi hoạt động dùng tiền của người đóng thuế để tái cấp vốn cho các ngân hàng mất khả năng thanh khoản; (6) hủy tất cả các khoản nợ không tồn tại trong thực tế đã từng được thanh toán nhiều lần.
Yêu sách trong lĩnh vực chính trị: (7) với sự ủng hộ của toàn dân, tiến hành viết lại Hiến pháp để trao quyền lực cho nhân dân, thông qua đạo luật cho phép tổ chức các cuộc trưng cầu ý dân theo sáng kiến của nhân dân; (8) cấm mọi hoạt động vận động hành lang và các cơ chế gây ảnh hưởng, cấm vĩnh viễn những người có tiền án hình sự giữ các chức vụ được bầu, cấm quan chức kiêm nhiệm một số chức vụ được bầu; (9) Về Frexit: đưa nước Pháp rời khỏi EU, trả lại chủ quyền chính trị, tài chính và kinh tế cho nước Pháp (đây là ý nguyện của nhân dân Pháp trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2005), khôi phục lại giá trị của đồng tiền quốc gia bằng cách đưa nước Pháp rời khỏi Hiệp ước Lisbon;
(10) chấm dứt ngay tình trạng trốn thuế; yêu cầu 40 công ty lớn nhất hoàn trả lại cho nhà nước khoản nợ 80 tỷ euro; (11) dừng ngay lập tức quá trình tư nhân hóa và chuyển thành tài sản do nhà nước quản lý như đường cao tốc, sân bay, bãi đậu xe và đường sắt; (12) ngay lập tức hủy bỏ hoàn toàn các trạm rađa và trạm cảnh báo bằng lời nói trên các tuyến đường giao thông bởi các phương tiện đó không có tác dụng trong việc ngăn ngừa tai nạn giao thông mà chỉ tạo ra một loại thu thuế trá hình;
(13) loại bỏ ý thức hệ ra khỏi Bộ giáo dục và nghiêm túc xem xét các phương pháp giảng dạy phổ biến toàn cầu mang tính chất phá hoại; (14) trong lĩnh vực tư pháp: tăng ngân sách lên bốn lần và giới hạn thời gian cho phép tối đa để tiến hành các thủ tục pháp lý; ban hành quy định các hoạt động bảo vệ công lý là miễn phí và phổ cập cho toàn dân;
(15) phá bỏ sự độc quyền của truyền thông, xóa bỏ mọi quan hệ dinh líu giữa giới truyền thông với các chính trị gia, coi các phương tiện truyền thông thuộc về toàn dân và đảm bảo đa nguyên ý kiến, cấm các nhà xuất bản hoạt động tuyên truyền, dừng trợ cấp 2 tỷ mỗi năm cho các phương tiện truyền thông và loại bỏ các khoản ưu tiên giảm thuế cho các nhà báo; (16) đảm bảo quyền tự do của công dân; đưa vào trong Hiến pháp điều khoản cấm nhà nước can thiệp vào các vấn đề giáo dục, chăm sóc sức khỏe và thế chế gia đình.
Yêu sách về môi trường và sức khỏe: (17) ban hành đạo luật cấm các nhà sản xuất kéo dài thời hạn sử dụng thiết bị quá 10 năm và phải có sẵn phụ tùng thay thế; (18) cấm sản xuất và sử dụng các loại hộp bao gói bằng nhựa và các loại bao bì khác gây ô nhiễm môi trường; (19) hạn chế ảnh hưởng và tác động của các công ty dược phẩm đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và bệnh viện; (20) nông nghiệp: cấm sản xuất các nông phẩm biến đổi gen, cấm sử dụng các loại thuốc trừ sâu có tác dụng gây ung thư và các bệnh thuộc hệ thống nội tiết; (21) thực hiện chính sách tái công nghiệp hóa nước Pháp nhằm giảm nhập khẩu và bảo vệ môi trường.
Yêu sách về địa chính trị: (22) ngay lập tức đưa Pháp rút khỏi NATO và cấm sử dụng quân đội Pháp trong các cuộc chiến tranh xâm lược; (23) quan hệ giữa Pháp và Châu Phi: ngăn chặn chính sách cướp bóc cũng như sự can thiệp chính trị và quân sự; đưa tiền và tài sản của những nhà cầm quyền độc tài do bóc lột mà có trả lại cho người dân Châu Phi;
Ngay lập tức đưa quân Pháp (đang chinh chiến ở nước ngoài) trở về nhà; xóa bỏ hệ thống tài chính thuộc địa của Pháp, theo đó đã từng buộc các nước Châu Phi phải duy trì dự trữ ngoại hối bằng đồng Frank tại các ngân hàng của Pháp, khiến Châu Phi luôn lâm vào tình cảnh nghèo đói; duy trì quan hệ bình đẳng và công bằng với các quốc gia Châu Phi; (24) ngăn chặn dòng người nhập cư không thể tiếp nhận được và không thể hòa nhập được vào xã hội Pháp đã từng đưa đất nước chúng ta rơi vào tình cảnh một cuộc khủng hoảng văn minh; (25) trong chính sách đối ngoại: tôn trọng luật pháp quốc tế và các thỏa thuận đã ký kết [2].
Bản yêu sách của những người biểu tình áo vàng kết luận: “Pháp là một đất nước của những người dũng cảm và yêu lao động. Chúng ta xứng đáng không phải chịu sống trong nghèo khổ”. Rõ ràng, đây là chương trình khá triệt, tương tự như một Bản tuyên ngôn và chỉ có thể thực hiện được một khí nước Pháp tiến hành thành công cuộc cách mạng mới.
Cả thế giới đang chờ xem diễn biến của “Mùa xuân Paris” trong những ngày tới sẽ đi tới đâu Tuy nhiên, dù kết cục thế nào thì nước Pháp sắp tới đây và cả Châu Âu nữa, cũng sẽ khác trước trong một thế giới đang thay đổi.
Đúng vào thời điểm “Mùa xuân Paris” đang lên tới cao trào, thì Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đưa ra tuyên bố gây sốc rằng, Tổng thống Donald Trump chủ trương thành lập một trật tự thế giới mới và ông muốn chứng tỏ cho các đồng minh Châu Âu thấy rằng họ cần trở nên độc lập, thông minh, can đảm hơn và không nên hành động theo hệ thống trật tự thế giới cũ đã từng được hình thành sau Chiến tranh thế giới lần thứ II.
Tuy nhiên, Mike Pompeo cũng cho biết, Hoa Kỳ vẫn là siêu cường duy nhất trên thế giới và sẽ tiếp tục dẫn dắt trật tự thế giới mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chủ trương xây dựng. Theo ông Pompeo, nước Anh có thể là một “tấm gương” noi theo cho tất cả các quốc gia khác ở Châu Âu bởi người Anh rời EU chính là do Liên minh Châu Âu trong suốt quá trình tồn tại đã không thể xây dựng được một chiến lược hợp tác hiệu quả [3].
Tài liệu tham khảo
[1] Роль социальных сетей в организации протестных выступлений населения в ходе "арабской весны" (2014). http://factmil.com/publ/strana/egipet/rol_socialnykh_setej_v_organizacii_protestnykh_vystuplenij_naselenija_v_khode_arabskoj_vesny_2014/97-1-0-584
[2] Что же реально требуют протестующие во Франции. http://maxpark.com/community/13/content/6577893
[3] Новый миропорядок США хотят возглавить мир на своих условиях. http://maxpark.com/community/13/content/6575759