Tình trạng Gilê vàng bạo loạn tại Pháp mang ý nghĩa gì?

VietTimes -- Nhà kinh tế Scott B. MacDonald cho rằng những hành động đang diễn ra của nhóm mang áo Gilê vàng rất đáng báo động và có thể gây ảnh hưởng lâu dài tới nước Pháp và phần còn lại của châu Âu. Đây là cuộc chiến không chỉ của những người bất mãn trong nước Pháp mà còn của những người dân túy, dân tộc chủ nghĩa với phần còn lại của Liên minh châu Âu.
Lực lượng an ninh Pháp bắt giữ một người Gilê vàng.
Lực lượng an ninh Pháp bắt giữ một người Gilê vàng.

Pháp đang chịu đựng một làn sóng bất mãn của công chúng dưới hình thức tổ chức "áo Gilê vàng", một làn sóng tự phát và hoàn toàn không có ai lãnh đạo biểu tình và gây rối loạn bắt nguồn từ những khu vực nông thôn và thị trấn nhỏ của đất nước này. Bắt đầu từ tháng 11, một số lượng đông đảo người dân đã biểu tình chống lại thuế môi trường với xăng và dầu diesel để hạn chế việc sử dụng ô tô và xe tải.

Theo ước tính của Bộ Nội vụ Pháp vào ngày 2.12, gần 136.000 người đã ra đường biểu tình, con số cao hơn tuần trước đó là 105.000. Mặc dù chính phủ của ông Macron đã tuyên bố vào ngày 3.12 rằng sẽ hoãn việc tăng thuế nhiên liệu trong 6 tháng. Những người "Gilê vàng" vẫn chưa dừng lại. Thực tế, có những quan ngại đang tăng lên rằng hoạt động của họ có thể khiến nền kinh tế chững lại, thúc đẩy phải thay đổi chính trị và các nhân tố trong cuộc bầu cử nghị viện Liên minh châu Âu vào tháng 5.2019.

Nguyên nhân chính cho hành động của nhóm Gilê vàng là việc tăng thuế đối với dầu diesel loại nhiên liệu được sử dụng rộng rãi tại Pháp. Trong vòng 12 tháng qua, giá dầu diesel đã tăng 23% so với mức giá trung bình là 1,71 USD/lít, mức giá cao nhất kể từ đầu những năm 2000. Mặc dù đôi khi việc tăng giá là do giá dầu thế giới tăng (nhưng cũng vừa mới hạ), chính phủ của ông Macron đã tăng thuế hydrocarbon năm 2018 với mức 7,6 cent/lít với dầu diesel và 3,9 cent/lít với xăng. Gần đây nhất, chính phủ Pháp lại tuyên bố kế hoạch sẽ tăng những loại thuế này bắt đầu vào tháng 1.1.2019. Tổng thống Emmanuel Macron nói quá trình này là một phần để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sinh thái quốc gia.

Khởi phát là những cuộc biểu tình ôn hòa, giờ những cuộc "ra đường" của người Gilê vàng đã biến thành bạo động.
 Khởi phát là những cuộc biểu tình ôn hòa, giờ những cuộc "ra đường" của người Gilê vàng đã biến thành bạo động.

Vấn đề của tổng thống Macron là dư luận Pháp đã rất tức giận về những gì họ coi là sự yếu kém trong quản lý của chính phủ; khoảng cách giữa tầng lớp tinh hoa chính trị và dân thường; sự thiếu minh bạch trong chi tiêu chính phủ; và mức thuế cao không khiến dịch vụ công tốt hơn. Ngoài ra cũng có sự bất mãn với việc giảm thuế cho người giàu và khấu trừ thuế cho kinh doanh. Tóm lại, một phần của nước Pháp, thường nói về những người lao động tầng lớp dưới trung bình, cảm thấy họ bị bỏ rơi và nay đang đứng lên vì quyền lợi của mình.

Trạng thái dồn nén của rất nhiều người là thu nhập của họ quá thấp để trả các chi phí, trong khi phải trả quá cao cho phúc lợi xã hội. Ngày 26.11, một người biểu tình đã trả lời phỏng vấn Financial Times: "Có quá nhiều chi phí tăng lên: Thuế bảo hiểm xã hội cho người nghỉ hưu, thuế nhiên liệu. Tổng thống không quan tâm đến dân. Ông ta lấy tiền của những người lao động nhỏ bé và người về hưu để cung cấp cho những người giàu có".

Chính phủ của ông Macron đang tìm cách tái cấu trúc tài chính nhà nước vốn trong tình trạng yếu kém từ thời chính phủ của ông Hollande (2012-2017). Nhiều người Pháp đang phụ thuộc vào các chương trình xã hội của nhà nước, khiến cho Pháp là một trong những chính phủ có mức chi tiêu theo GDP cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Theo Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) chi tiêu của Chính phủ Pháp là 56,6% GDP.

Chỉ có Phần Lan có chi tiêu nhà nước cao hơn ở mức 57,1%. Tại Đức, chi tiêu của chính phủ so với GDP là 43,8%, tại Italia là 50,2%, tại Nhật là 39,2% và tại Mỹ là 37,4%. Trong khi chính phủ Pháp khó lòng chống đỡ việc chi tiêu như vậy và gánh nặng nợ công đang ngày một gia tăng (hiện bằng khoảng 125% GDP theo OECD), việc cắt giảm chi tiêu không dễ và gây bất bình đối với người dân.

Khi người dân bắt đầu nắm lấy chiếc áo Gilê vàng -- thứ mà họ phải mang theo trong xe do luật quy định phòng khi họ cần trợ giúp lúc xe hỏng, thì hành động này nhanh chóng trở thành một hành động phản kháng rộng rãi. Gilê vàng đã phong tỏa đường tới kho nhiên liệu lớn tại cảng Fos-sur-Mer gần Marseille (một trong những cảng biển lớn nhất nước Pháp) và các trạm xăng trên đất nước này nhanh chóng bị thiếu nhiên liệu. Sự hạn chế cũng được áp dụng tại Bretagne về lượng nhiên liệu mà mỗi người lái xe được phép mua.

Tại các vùng của Pháp tại nước ngoài như Reunion (nằm trên Ấn Độ Dương) các cuộc biểu tình phản đối tăng thuế nhiên liệu trở thành những cuộc cướp bóc và bạo động vào tháng 11, khiến chính phủ phải triển khai quân đội để khôi phục trật tự. Bất cứ ai lái xe trên đường cao tốc chính của Pháp đều bị chững lại bởi những chiếc xe và xe tải đi với một tốc độ chậm chạp hay phải đi qua những nhóm người biểu tình tại các trạm thu phí. Như một nhà quan sát ghi nhận: "Họ là những người dân bình thường, giống như cha hoặc mẹ bạn, đang đứng trong hàng".

Gilê vàng tập trung tại Khải Hoàn Môn, Paris.
 Gilê vàng tập trung tại Khải Hoàn Môn, Paris.

Phản ứng của chính phủ ban đầu là cứng rắn trước những cuộc biểu tình trên khắp cả nước, trong khi ông Macron giải thích sự cần thiết với nước Pháp chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu thân thiện hơn với môi trường. Ông Macro cũng tìm cách đổ lỗi những cuộc biểu tình xảy ra là do những người cực hữu và Tập hợp Quốc gia của bà Marine Le Pen, trước đây là Mặt trận Quốc gia. Tuy nhiên, bà Le Pen đã rất rõ ràng khi nói động thái này, đặc biệt là những cuộc biểu tình ngày càng bạo lực không được kêu gọi bởi tổ chức của bà.

Điều gì sẽ đến tiếp theo? Ông Macron đã tạm lui trong vấn đề thuế và có thể đang cố để điều chỉnh chi tiêu tài chính nhưng đây không phải là một tiến trình dễ thực hiện vì tổng thống Pháp đã tìm cách để giữ thâm hụt ngân sách ở mức dưới 3% GDP (một mục tiêu được toàn bộ các thành viên của Liên minh châu Âu tán thành). Cùng lúc, ông Macron đang mạnh mẽ chống lại cách làm của Italy nhằm kích thích nền kinh tế thông qua chi tiêu nhà nước lớn hơn (khiến thâm hụt của nước này tăng từ 1,8% lên thành 2,4% vào năm 2018).

Nếu tổng thống Macron từ bỏ việc giữ thâm hụt ngân sách của Pháp ở mức thấp thì việc ông chống lại kế hoạch kích thích kinh tế của chính phủ dân túy Italia sẽ khiến ông có vẻ đạo đức giả, điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến cuộc bầu cử tháng 5.2019, định hình cuộc chiến giữa những phe ủng hộ Liên minh châu Âu, lãnh đạo bởi Macron và những người chống lại chủ dân tộc, dân túy -- lãnh đạo bởi Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Bộ trưởng Nội vụ Italia và là lãnh đạo đảng Lega, Matteo Salvini.

Vấn đề đối với chính phủ Pháp là việc hoãn áp thuế nhiên liệu không đủ để ngăn chặn phong trào đã lan rộng do vấn đề thuế nhiên liệu ban đầu trong quá khứ, bao hàm sự phức tạp hơn về những rối ren trong các vấn đề kinh tế - xã hội.  Như một thành viên Gilê sau khi từ chối đối thoại với chính phủ của Macron tuyên bố: "Người Pháp không phải là những con sẻ. Chúng tôi không thích vụn bánh mỳ. Chúng tôi muốn một chiếc ba-ghét [baguette - loại bánh mỳ dài của Pháp]".

Ông Macron tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.
 Ông Macron tại Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Vậy ông Macron có những lựa chọn nào? Nếu bị thúc ép ông có thể thay đổi chính phủ theo hiến pháp, sa thải thủ tướng Édouard Philippe và thay thế ông bằng một gương mặt biết phục tùng công chúng. Nếu các tình huống trở nên tồi tệ hơn, tổng thống có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tuy nhiên, ông Macron nhận thức rõ việc thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ trên khắp cả nước đã làm rung chuyển nước Pháp năm 1968 mà khởi đầu là những cuộc biểu tình của sinh viên, sau đó đã lan rộng ra do chính phủ đáp trả bằng những hành động cứng rắn, thay vì những biện pháp mềm mỏng để giành sự cảm thông rộng rãi của dân chúng. Việc tuyên bố đất nước trong tình trạng khẩn cấp sẽ là bước đi có tác động ghê gớm và có phần chắc sẽ kích thích những cuộc biểu tình lớn hơn của dân chúng.

Theo một cuộc thăm dò dư luận thực hiện bởi Harris Interactive, 72% dân số Pháp ủng hộ Gilê vàng, tuy 85% chỉ rõ họ không ủng hộ việc sử dụng bạo lực. Với họ, cảnh sát đã rất thận trọng trong việc giải quyết vấn đề và trong số những người bị thương tại những cuộc loạn đả có rất nhiều người thuộc lực lượng an ninh. Mặc dù chỉ có 3 người chết và hàng trăm người bị thương, nếu chính phủ quyết định áp dụng thật sự một biện pháp trừng trị thẳng tay hơn con số trên chắc chắn sẽ tăng cao.

Ông Macron đã từng đại diện cho một làn sóng mới trong nền chính trị nước Pháp, một sự khởi đầu từ các đảng phái truyền thống của cả cánh tả và cánh hữu. Năm 2017, các cử tri đã bầu ông làm tổng thống và bầu cho đảng ông một số lượng ghế lớn trong quốc hội, trong khi chỉ trích nặng nề những người xã hội và cánh hữu ôn hòa.

Nhưng không may, ông Macron đã không tận dụng được vị thế ưu việt trong chính trị, trái lại, ông đã làm cho hình ảnh của mình trở nên xa cách, một gương mặt mang tính chất thống trị, có xu hướng nghĩ lại tương lai của châu Âu và trật tự tự do thế giới trong khi tìm một cách thức để tái định hình lại những khó khăn của nước Pháp. Rất nhiều người Pháp không quên trong khi nhiều nơi tại Paris đang bị thiêu rụi thì lãnh đạo của họ đang ở Buenos Aires dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, sát cánh cùng tổng thống Mỹ Donald Trump, người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Đức Angela Merkel.

Phản đối gia tăng nhắm vào ông Macron lý giải kết quả những cuộc thăm dò dư luận gần đây: tỷ lệ người ủng hộ tổng thống Pháp đã rơi xuống mức 21%. Hơn nữa, cuộc thăm dò dư luận vào tháng 11 của Viện Nghiên cứu Dư luận Công chúng Pháp IFOP, chỉ ra rằng Đảng Cộng hòa Tiến bước (LREM) của ông Macron đang đứng sau Đảng Tập hợp Quốc gia của bà Le Pen -- chỉ có 19% số cử tri tiềm năng so với 21% của đảng Cực hữu. Cũng cùng cuộc thăm dò này cho thấy một đảng cực hữu khác theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu là Nước Pháp Đứng lên với 7% số cử tri tiềm năng và 2% cho 2 đảng Frexit (muốn nước Pháp ra khỏi Liên minh châu Âu). Cùng nhau, các đảng cực hữu chiếm tới 30% số cử tri tiềm năng, tăng 5 điểm so với hồi tháng 8.

Một con mắt phải dõi theo Gilê vàng trong khi con mắt còn lại phải trông chừng sự trỗi dậy của phái cực hữu, tổng thống Macron đang phải giải quyết cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào tháng 5.2019 như là một "cuộc cạnh tranh giữa những người tiến bộ và những người dân tộc chủ nghĩa". Mục tiêu của ông trong cuộc chiến là bà Le Pen tại nước Pháp nhưng cũng là những ai trong các nước châu Âu đang cổ xúy, dẫn dắt "căn bệnh dân tộc chủ nghĩa".

Nhưng đây là vấn đề lớn với tổng thống Pháp vì khi ông muốn cứu châu Âu khỏi mối đe dọa của chủ nghĩa dân tộc, ông phải đối mặt với sự bất mãn nặng nề trong nội địa bắt nguồn từ những khó khăn của nền kinh tế. Cách ông xử lý những người Gilê vàng sẽ xác định kết quả của cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tháng 5.2019 tại Pháp. Không ai có thể nói quản trị nước Pháp là việc dễ, và phong trào Gilê vàng đang chứng minh điều đó.