Lạm phát trong tháng 5 đã giảm xuống một nửa so với mức đỉnh năm ngoái nhưng vẫn cao. Điều này cho thấy giới chức Fed đã đạt được bước tiến trong việc giảm sức ép về giá, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ đã tăng 4% trong tháng trước, so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo của Bộ Lao động nước này, thấp hơn mức đỉnh 9,1% trong tháng 6 năm ngoái và giảm so với 4,9% ghi nhận trong tháng 4 năm nay.
Cuộc họp quan trọng của giới chức Fed sẽ diễn ra trong hai ngày 13 và 14/6, với mục tiêu tranh luận về việc có nên dừng việc tăng lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp nhằm kiềm chế lạm phát hay không. Trước đó, trong tháng 5, Fed đã tăng lãi suất tham chiếu lên khoảng 5%-5,25%, đây là mức cao nhất trong vòng 16 năm.
Nếu Fed quyết định giữ nguyên lãi suất trong tuần này, khả năng họ sẽ tiếp tục thực hiện các đợt tăng lãi suất khác trong cuộc họp được tổ chức vào tháng 7 hoặc cuối năm nay.
“Không nên nhầm lẫn bước tiến với việc hoàn thành nhiệm vụ”, Sarah House, nhà kinh tế học cấp cao tại Wells Fargo, cảnh báo.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, đã trừ giá thực phẩm và năng lượng, tăng 5,3% trong tháng 5, so với cùng kỳ năm ngoái, và giảm so với 5,5% trong tháng 4. Các nhà kinh tế học coi CPI lõi như chỉ số đáng tin cậy hơn để dự báo về lạm phát trong tương lai.
Chỉ số này vẫn đang ở mức cao một phần là do những đợt tăng mạnh giá thuê nhà trước đây vẫn ảnh hưởng lên dữ liệu về lạm phát. Kể từ đó, tăng trưởng thuê căn hộ đã giảm đáng kể - xuống còn dưới 2% trong vòng 12 tháng kết thúc vào tháng 5, từ mức tăng 2 con số trước đó một năm. Những sự thay đổi về giá này sẽ làm giảm sức ép lạm phát, nhưng cần có thời gian để thể hiện rõ hơn trong dữ liệu về lạm phát, do có độ trễ trong cách tính toán giá thuê.
Giá nhà, phương tiện đã qua sử dụng và thực phẩm là những yếu tố thúc đẩy lạm phát trong tháng trước, theo Bộ Lao động Mỹ. Giá xăng đã giảm 5,6% trong tháng 5, so với tháng trước đó, trong khi giá các loại năng lượng khác cũng giảm.
Gần đây, giới chức Fed đã tập trung vào giá của một nhóm nhỏ các dịch vụ đòi hỏi nhiều lao động, bằng cách loại bỏ giá thực phẩm, năng lượng, hàng hoá và nhà ở, nhằm đánh giá xem áp lực lương có phải là do thị trường lao động mạnh mẽ đang ảnh hưởng đến giá tiêu dùng hay không. Theo nhà kinh tế học Michael Feroli từ JPMorgan, danh mục này đã tăng 0,24 điểm phần trăm trong tháng 5, gần bằng mức trung bình trong 2 thập kỷ trước đại dịch.
Nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà phát triển trong năm nay, vượt xa các dự đoán về suy thoái. Thị trường lao động Mỹ vẫn khá mạnh mẽ và người tiêu dùng tiếp tục tăng chi tiêu, mặc dù có một số chỉ số cho thấy sự giảm đi của sản lượng kinh tế. Trong tháng 3, một số ngân hàng khu vực đã sụp đổ, tạo ra nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng tín dụng và có thể làm suy yếu nền kinh tế.
Fed sẽ cần thời gian để đánh giá về tác động của các chính sách lãi suất của họ và khủng hoảng ngành ngân hàng, theo Aichi Amemiya, nhà kinh tế học Mỹ đến từ hãng Nomura Securities.
Mặc dù lạm phát đã giảm đáng kể, nhưng giá của nhiều loại hàng hoá và dịch vụ vẫn đang gây ảnh hưởng tới quyết định chi tiêu hộ gia đình.
Geovanni Williams, 45 tuổi, cho hay tác động nhiều nhất đến ví tiền của ông chính là chi phí cao hơn khi cho hai con của mình tham gia vào các đội thể thao du lịch.
“Vé máy bay, tiền phòng khách sạn – tất cả đều tăng lên. Chi phí tham gia các giải đấu cũng tăng”, William cho hay. “Trước đại dịch, chi phí không vượt quá 40 USD cho một tấm vé cuối tuần. Nhưng giờ chúng tăng lên 65 USD, 75 USD rồi 85 USD”.
Williams cũng tiết lộ ông đã phải cắt giảm chi tiêu để ứng phó, chuyển từ ăn tối ở nhà hàng sang tự chuẩn bị đồ ăn tại nhà. Ông cũng huỷ kế hoạch lắp truyền hình cáp. “Tôi phải chi 230 USD mỗi tháng – và với tất cả các kênh thể thao, nhưng dù sao thì con cái tôi cũng không ở đây để xem”, ông nói.
Bất chấp khoảng lặng trong tháng 6, Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong năm nay
Phố Wall không còn kỳ vọng Fed hạ lãi suất
Thị trường lao động quá "nóng" có thể buộc Fed nâng lãi suất vào cuối mùa Hè
Theo Wall Street Journal