Lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn tác động ra sao đến nền kinh tế Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Từ góc độ thị trường, cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tuần này không thực sự nói về ý định của họ trong tương lai, dù là phần còn lại của năm 2023 hay năm 2024.

BR_Fed_Review_November.jpeg
Những tuyên bố của Fed khiến thị trường đồn đoán về khả năng nâng lãi suất thêm một lần nữa (Ảnh: Bankrate)

Thông điệp mà ngân hàng trung ương Mỹ thực sự truyền tải, cũng là điều khiến thị trường chao đảo, là dù cho Fed có tăng lãi suất lần nữa trong năm nay hay cắt giảm vài lần trong năm tới thì quỹ đạo lãi suất dài hạn vẫn cao hơn mức mà các nhà đầu tư phải chịu đựng trong gần 2 thập kỷ.

“Nhìn thấy những con số đen trắng này rõ ràng đã làm rung chuyển các thị trường vốn”, Nicholas Colas, đồng sáng lập của DataTrek Research, đưa ra nhận định sau cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC).

Đối với Chủ tịch Fed Jerome Powell, người đã có cuộc họp báo sau khi phiên họp kéo dài hai ngày, “Thiết lập lại kỳ vọng của thị trường về lãi suất thực là nhiệm vụ quan trọng nhất của ông ấy”, ông Colas nói.

Lãi suất có ý nghĩa quan trọng đối với các thị trường vì chúng liên quan mật thiết với chi phí vốn. Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, tiền đã trở nên cực kỳ rẻ và tại Phố Wall phần lớn đều trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp tận dụng lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng, mua lại cổ phiếu và thường duy trì khả năng thanh khoản trong thời gian tăng trưởng mạnh mẽ.

Nhưng cuộc họp tuần này đã cho thấy rằng giới chức Fed kỳ vọng lãi suất sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Một trong số những nguyên nhân là, các nhà hoạch định chính sách tin rằng họ cần phải làm cho tiền trở nên đắt đỏ hơn để làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế đã gây ra lạm phát. Nguyên nhân khác là họ chỉ đơn giản cảm thấy đủ khả năng để làm như vậy: Các dự báo kinh tế cập nhật cho thấy các giới chức Fed kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức thấp và lạm phát sẽ từ từ giảm trở lại mục tiêu 2% mà không gây ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế.

"Thay đổi căn bản”

Quan điểm thứ hai thể hiện “sự thay đổi căn bản sang cơ sở hạ cánh mềm”, Krishna Guha, người đứng đầu bộ phận chính sách toàn cầu và chiến lược ngân hàng trung ương tại Evercore ISI, cho biết. Một điểm đáng chú ý: Tóm tắt Dự báo Kinh tế (SEP) của Fed cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 3,8% hiện tại lên 4,1% trong 2 năm tới.

Điều này liên quan đến "Quy tắc Sahm," được đặt theo tên nhà kinh tế học Claudia Sahm tại Fed, trong đó chỉ ra rằng nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái nếu tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong 3 tháng tăng 0,5 điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong chu kỳ của nó. Dự báo về tỷ lệ thất nghiệp được đưa ra khi các quan chức FOMC tăng gấp đôi kỳ vọng của họ về tăng trưởng GDP trong năm nay, điều này cho thấy họ có thể duy trì lãi suất cao hơn mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Từ góc độ thị trường, ông Guha cho rằng “lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn” sẽ tốt cho các cổ phiếu chu kỳ (Cyclical Stock) và đồng USD, nhưng lại gây ra vấn đề cho thị trường chứng khoán nói chung và đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ vốn đóng vai trò quan trọng đợt tăng đồng loạt năm 2023.

“Chúng tôi sẽ rất lo lắng nếu như nghĩ rằng Fed sẽ kiên quyết giữ nguyên mức lãi suất cao mới trong thời gian dài hơn nữa”, ông Guha cho biết trong một báo cáo gửi khách hàng. “Nhưng may là chúng tôi nghĩ rằng ông Powell và các quan chức theo thời gian sẽ trở nên thực dụng hơn”.

us_jobs-sixteen_nine.jpeg
Fed kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức thấp và lạm phát sẽ từ từ giảm trở lại mục tiêu 2% mà không gây ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế (Ảnh: Business Today)

Fed có thực sự nâng lãi suất?

Chính tâm lý cho rằng Fed sẽ không tuân theo một chiến lược đã định sẵn mà phụ thuộc vào dữ liệu là nguyên nhân thúc đẩy một số cuộc thảo luận ôn hòa hơn ở Phố Wall. Một số bình luận giới phân tích Phố Wall đưa ra gần đây tập trung vào những điều mà Powell đã đề cập trong cuộc họp báo, liên quan tới lãi suất thực, sự khác biệt giữa lãi suất tham chiếu và lạm phát. Nhóm này cho rằng nếu lạm phát giảm, Fed sẽ không cần giữ lãi suất danh nghĩa ở mức cao vì lãi suất thực sẽ tăng.

Ví dụ, Ngân hàng Morgan Stanley vẫn duy trì dự báo rằng Fed sẽ dừng việc tăng lãi suất trong chu kỳ hiện tại và có thể bắt đầu giảm lãi suất sớm, ngay từ tháng 3/2024, sau đó sẽ tiếp tục thực hiện thêm 3 đợt giảm lãi suất nữa.

“Sự phụ thuộc quá mức của cả Fed lẫn thị trường vào đà tăng trưởng đã làm nảy sinh 2 vấn đề. Thứ nhất là, liệu bức tranh tăng trưởng có bền vững, và đà tăng trưởng có tiếp tục tăng bất ngờ? Chúng tôi nghĩ câu trả lời là không, và không. Thứ hai, điều gì xảy ra nếu như đà tăng trưởng có thể tồn tại mà không có sức ép lạm phát, như hiện nay?”, Ellen Zentner, kinh tế trưởng Mỹ đến từ Morgan Stanley, nói. “Các thị trường dễ bị tổn thương nếu như đà tăng trưởng gây bất ngờ không thể duy trì”.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách, trong biểu đồ dot plot, chỉ ra rằng họ chỉ thấy mức giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, tức 2 lần giảm 1/4 điểm phần trăm, vào thời điểm cuối năm 2024. Con số này thấp hơn so với 4 lần giảm lãi suất được dự báo trong bản cập nhật gần đây nhất trong tháng 6.

Trong khi đó, các nhà kinh tế học của Goldman Sachs nhận định phải đến quý 4 năm 2024 Fed mới bắt đầu giảm lãi suất. Họ tin rằng Fed sẽ ưu tiên duy trì lãi suất cao hơn, đặc biệt nếu đà tăng trưởng được giữ vững trong khi lạm phát giảm, một kịch bản mà ngân hàng này cho rằng có thể xảy ra.

“Nếu FOMC đi theo đúng quan điểm của chúng tôi, đánh giá việc cắt giảm là không cần thiết, trong năm tới họ có thể kết luận rằng, tăng trưởng ổn định và thị trường lao động mạnh mẽ được duy trì thì việc cắt giảm lãi suất là không đáng để mạo hiểm”, nhà kinh tế học David Mericle đến từ Goldman Sachs cho biết.

Goldman Sachs nhận định sẽ không có thêm một đợt nâng lãi suất nào khác. Biểu đồ dot plot đã chỉ ra một đợt tăng lãi suất cuối cùng trong năm nay, nhưng ông Mericle lưu ý rằng đó có thể chỉ là một cách để Fed duy trì các lựa chọn của mình, đề phòng trường hợp dữ liệu không phù hợp với mục tiêu của họ. Sự không chắc chắn về hướng đi của Fed sẽ khiến thị trường phải suy đoán.

Ông Colas cũng dự báo các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ không giảm lãi suất cho đến khi họ nhận thấy dấu hiệu cho thấy những đợt tăng lãi suất trước đây bắt đầu có tác động “lâu dài” đối với nền kinh tế, hoặc nếu một số loại “cú sốc ngoại sinh” khác xuất hiện đối với nền kinh tế.

“Tuy nhiên, cho đến khi một hoặc cả hai điều đó xảy ra, lãi suất thực cao hơn là chiến lược của Fed nhằm kiềm chế lạm phát”, ông Colas nói./.

Theo CNBC