Bên cạnh những thắng lợi địa chính trị, tổng thống Nga Putin đang tìm hướng đi mới cho nền kinh tế Nga |
Ông Putin tuyên bố một cách thẳng thắn và rõ ràng trong một bài viết trước thềm Hội nghị hôm 4/9. Dường như ông Putin đã vận dụng binh sách Tôn Tử khi đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh ở Trung Quốc. Tôn Tử từng nói rằng: “Điều tối quan trọng trong chiến trận là phải tấn công vào chiến lược của kẻ thù".
Và đó chính xác là những gì ông Putin định làm. Putin đang lên kế hoạch tấn công vào chiến lược thống trị nền kinh tế toàn cầu của Mỹ và sẽ hạ bệ cấu trúc kinh tế và tài chính không công bằng hiện nay. Với sự trỗi dậy của các nền kinh tế trong thế giới tự do (các nước BRICS và các nền kinh tế mới nổi khác), Nga không thiếu gì đồng minh để thực hiện điều này. Tất nhiên những nước trên đều được Nga và Trung Quốc hậu thuẫn sức mạnh nếu cần thiết.
Mô hình cấu trúc tài chính và thương mại mới của ông Putin
Chiến lược của tổng thống Putin là nhằm củng cố sự thống nhất về chính trị của các nước mới nổi và tấn công vào các thể chế hiện nay của phương Tây, đặc biệt là đế chế tiền tệ và các cấu trúc tài chính, IMF và World Bank.
Ông Putin viết rằng: “Nga muốn thúc đẩy cải cách các quy chế tài chính và bác bỏ sự thống trị của một số đồng tiền dự trữ (sự độc quyền tiền tệ của phương Tây), đồng thời hướng đến sự phân bổ đều hơn về hạn ngạch và phiếu biểu quyết trong các tổ chức IMF và World Bank".
Nhà lãnh đạo Nga muốn phá vỡ sự thống trị về thương mại của phương Tây bằng cách xây dựng một hệ thống thương mại toàn cầu tự do thuần túy để chống lại hệ thống được cho là tự do hiện nay mà theo ông chỉ toàn các chính sách bảo hộ của Mỹ để bảo vệ lợi ích quốc gia hẹp hòi của nước này.
Ông Putin cho biết Nga “ủng hộ việc thiết lập một hệ thống thương mại đa phương mở, công bằng và các bên đều có lợi và muốn củng cố vai trò của WTO".
Ông Putin coi việc thống trị độc quyền nền thương mại thế giới của các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây là vấn đề chính. Ông muốn sử dụng sức mạnh tập thể của các nước BRICS để chống lại các tập đoàn của phương Tây. “Mục tiêu là tạo ra các biện pháp hợp tác để cùng chống lại các tập quán kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia và sự xâm phạm các quy tắc cạnh tranh", ông quan niệm.
Tổng thống Nga cũng đã xác định rõ ràng các rào cản bá quyền hiện nay trong nền tài chính và thương mại thế giới và cũng đưa ra chiến lược đối phó với hệ thống thiếu công bằng này.
Từ năm 2014 đến nay, nước Nga đang phải chịu những ảnh hưởng xấu từ giá dầu giảm và từ các trừng phạt của phương Tây sau vụ sáp nhập Crimea. Russia Insider cho biết các lệnh trừng phạt diễn ra dưới hai hình thức, chính thức và phi chính thức. Các lệnh trừng phạt không chính thức dù không được tuyên bố nhưng lại diễn ra dưới hình thức kiềm chế kinh tế, một phần trong chiến lược địa chính trị kiềm chế nước Nga của phương Tây. Những biện pháp trừng phạt này đã cản trở các nhà đầu tư và nhà xuất khẩu của Nga tiến vào thị trường phương Tây và các thị trường khác trên toàn cầu cũng ngần ngại khi đầu tư vào Nga.
Sự kiềm chế về kinh tế diễn ra dưới nhiều hình thức, ví dụ như ảnh hưởng đến sự tham gia của Nga vào các hoạt động tài chính trên toàn cầu và vai trò của đồng rúp trong các đồng tiền tệ. Russia Insider cho rằng các biện pháp trừng phạt phi chính thức thậm chí còn gây ra nhiều thiệt hại hơn là những biện pháp chính thức.
"Trên thực tế, có một số biện pháp kiềm chế đã và sẽ tiếp tục ngăn chặn Nga gia tăng lượng hàng hóa xuất khẩu miễn là những hạn chế này không bị phát hiện ra.
Điều này vừa là do bản chất lịch sử, vừa liên quan đến thực tế của nền thương mại toàn cầu hiện nay, tình trạng bão hòa cao và các vị trí của các tập đoàn xuyên quốc gia lớn trên toàn cầu phần lớn là của phương Tây, và trật tự thương mại thế giới dựa trên sự bá quyền của phương Tây.
Nga có thể bắt đầu giải quyết những vấn đề này thông qua các hoạt động địa chính trị tương tự và suy nghĩ thận trọng về kế hoạch marketing ở cả cấp độ nền kinh tế quốc gia và các tập đoàn.
Phương Tây chặn Nga, Trung Quốc
Trên thực tế, những gì ông Putin nói đang diễn ra, nhưng điều ông muốn là đẩy nhanh quá trình này. Quá trình tái phân phối của cải trên toàn cầu dường như là không thể ngăn chặn được và đang diễn ra theo hướng có lợi cho các nền kinh tế mới nổi và có hại cho phương Tây.
Phương Tây đang nhanh chóng mất đi vị thế của mình trên nền kinh tế toàn cầu và điều này đang ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt. Các nhà lãnh đạo phương Tây, những người đặt ra luật chơi chắc chắn giờ đây đang đau đầu tìm cách đối phó.
Theo Russia Insider, phương Tây cần viện đến hỗn loạn và chiến tranh vì cho rằng trong điều kiện hòa bình hiện nay thì mọi thứ sẽ tiếp tục diễn ra theo chiều hướng xấu cho phương Tây.
Đó là lý do vì sao họ tìm cách ngăn chặn Nga, Trung Quốc, sử dụng các lệnh trừng phạt và bao vây, gây căng thẳng với Iran, kích động lật đổ tổng thống Erdogan ở Thổ Nhĩ Kỳ, và nhất là can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria.
Nhìn lại các con số biết nói trong các năm qua mới thấy phương Tây đã mất đi sức mạnh kinh tế nhanh chóng ra sao.
Một báo cáo năm 2014 đã so sánh các nước G7 với 7 nước lớn nhất không nằm trong G7 gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Indonesia, Mexico, Hàn Quốc (hay còn gọi là E7- 7 nền kinh tế đang trỗi dậy). Theo đó, G7 là một xã hội cũ và họ vẫn muốn được coi là 7 nền kinh tế công nghiệp hiện đại nhất thế giới.
Điều này đúng cho đến những năm 1990, khi tổng 7 nền kinh tế trị giá 14,4 nghìn tỷ USD, gấp 6 lần khối E7 và chiếm đến 39% GDP toàn cầu.
Đến năm 2013, E7 đã vượt mặt G7. Theo tính toán của IMF, đến cuối năm 2017, tổng giá trị các nền kinh tế E7 sẽ đạt 47,5 nghìn tỷ USD, còn các nước G7 chỉ đạt 37,8 nghìn tỷ USD.
Đối tác của Nga đều là những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới
Mặc dù phương Tây đang cố hết sức để ngăn cản Nga và biến những nước láng giềng của Nga trở thành đồng minh của mình, Nga vẫn có thể dựa vào các nước bạn bè và láng giềng có tốc độ kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
Trung Quốc là nước phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua, cho dù hiện nay tốc độ này đang có xu hướng chậm lại. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,5 %/năm, tương đương với 1,5 nghìn tỷ USD/năm, thì cứ hai năm Trung Quốc lại tăng trưởng đúng bằng GDP 3 nghìn tỷ USD của Anh.
Vào năm 2017, Iran đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế, với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc 15,7% trong quý IV năm 2017. Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng trưởng ở tốc độ 5% vào quý I/2017.
Cho dù tương đối nhỏ nhưng các nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây cũng có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc và là những thị trường tiềm năng của Nga.
Trong khi đó, phương Tây lại không cho thấy dấu hiệu tăng trưởng kinh tế được khôi phục trong những thập kỷ qua.
Vì vậy, Russia Insider kết luận rằng nếu phương Tây không muốn hợp tác với Nga, có rất nhiều nước sẵn sàng hợp tác với điện Kremlin. Cuối cùng kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu của ông Putin có vẻ phù hợp với quy luật và sẽ nhận được sự ủng hộ không nhỏ từ các nền kinh tế đang trỗi dậy, đặc biệt là Trung Quốc.