Trung Quốc nằm cách xa cuộc xung đột Syria, ít nhất về mặt địa lý, và khác với EU, Trung Quốc không phải đối mặt với làn sóng người tị nạn đến từ đất nước bị chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bắt đầu tham gia tích cực với cả Chính phủ Syria và lãnh đạo các nhóm đối lập, trong một nỗ lực làm trung gian hòa giải.
Nguyên nhân của cách tiếp cận mới này là sự kết hợp giữa những lợi ích địa chiến lược và mong muốn được xem như một quốc gia có ảnh hưởng trên sân khấu ngoại giao toàn cầu.
Bắt đầu từ tuần này, đại diện Chính phủ Syria và các nhóm đối lập gặp nhau tại Geneva nhằm một lần nữa tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài hơn 4 năm qua. Không giống như trước, Trung Quốc tích cực tham gia vào ngoại giao trước hội nghị.
Ngày 24.12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp người đồng cấp Syria Walid al-Moallem ở Bắc Kinh. Ngay sau đó, Chủ tịch Liên minh dân tộc cách mạng Syria và lực lượng đối lập, ông Khaled Khoja đã đến Trung Quốc hôm 5.1 trong chuyến thăm kéo dài nhiều ngày.
Lợi ích của Trung Quốc ở Syria
Điều mới lạ là Bắc Kinh lại tích cực về mặt ngoại giao như vậy ở Trung Đông. Trung Quốc tham gia 2 vòng đàm phán hòa bình về Syria ở Vienna. Tuy nhiên, thông báo của Ngoại trưởng Vương Nghị mời cả hai phe Syria đến Bắc Kinh là một điều bất ngờ. Bắc Kinh chưa bao giờ đi xa hơn những lời kêu gọi hùng hồn tìm giải pháp hòa bình, lấy lý do tôn trọng chủ quyền của Syria.
Một điều chắc chắn là Bắc Kinh sẽ không ủng hộ một liên minh chống lại nhà lãnh đạo Bashar al-Assad. Trung Quốc có quan hệ tốt với Chính phủ Syria, từng cung cấp vũ khí cho nước này. Nhiều khả năng Bắc Kinh còn cử quan sát viên quân sự, với sự chấp thuận của Chính phủ Assad, như đã từng làm ở Iraq.
Mặc dù Syria không là đối tác thương mại chủ chốt của Trung Quốc, song sự ổn định trong khu vực là một trong những mối quan tâm cốt lõi của Bắc Kinh, không chỉ vì Iraq là một trong những nước cung cấp dầu chính cho Trung Quốc. Sáng kiến con đường tơ lụa trị giá 900 tỉ USD của Bắc Kinh nhằm mục đích kết nối Châu Á, Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu thông qua một mạng lưới hạ tầng trên phạm vi rộng. Song chiến sự và các vụ tấn công khủng bố đang đặt ra nguy cơ đe dọa đối với siêu dự án này.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng lo ngại rằng, mối đe dọa khủng bố từ Syria và Iraq có thể ảnh hưởng đến trong nước. Theo các nguồn tin chính thức từ Bắc Kinh, đã có một số vụ tấn công khủng bố ở Trung Quốc liên quan đến người Hồi giáo trong năm 2014 - 2015. Luật chống khủng bố mới của Trung Quốc vừa có hiệu lực trong năm nay, đã nhấn mạnh những lo ngại khủng bố của lãnh đạo nước này.
Nhưng còn còn một lý do khác giải thích sự tham gia chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc ở Syria. Tiến trình hòa bình Syria là cơ hội duy nhất để các nhà ngoại giao Trung Quốc mở rộng kinh nghiệm trong việc quản lý khủng hoảng toàn cầu và hòa giải xung đột.
Khả năng định hình giải pháp trong các cuộc xung đột quốc tế là trọng tâm trong tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm khẳng định một Trung Quốc quyết đoán trong những trách nhiệm quốc tế với tư cách là một cường quốc.
Tham gia mà không cần tác động
Tuy nhiên, người ta vẫn còn hoài nghi sự tham gia của Trung Quốc có thể đóng góp một giải pháp cho cuộc xung đột Syria, hay giảm thiểu tranh chấp giữa các nước lớn trong khu vực như Iran và Saudi Arabia. Các nhà đàm phán Trung Quốc thiếu kinh nghiệm trong việc giải quyết xung đột ở Trung Đông. Cho đến nay, cách tiếp cận của Bắc Kinh mới chỉ là copy những chiến lược có sẵn, chẳng hạn đàm phán với lãnh đạo phe đối lập như Khoja, người có tiếng nói quan trọng trong phe đối lập ở nước ngoài, nhưng ít có ảnh hưởng bên trong Syria.
Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Saudi Arabia, Ai Cập và Iran từ ngày 19 - 23.1 - khu vực lớn cuối cùng trên thế giới ông Tập đến thăm kể từ khi lên nắm quyền - cũng chứng tỏ rằng, Trung Quốc chưa sẵn sàng hoặc không có khả năng trở thành một nhà ngoại giao nặng ký ở Trung Đông.
Trong chuyến thăm, ông Tập đặt trọng tâm lớn nhất vào việc thúc đẩy sáng kiến "Nhất đới, nhất lộ", đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và công nghệ cao. Chỉ có ở Ai Cập, ông Tập mới công khai đề cập đến vấn đề Syria và kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Điều này là đáng chú ý, vì cuộc khủng hoảng đang diễn ra được xem là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Saudi Arabia và Iran.
Làm việc với Trung Quốc
Ngoài việc Trung Quốc tham gia vào cuộc khủng hoảng Syria, sự can dự của nước này vào các nỗ lực an ninh đa phương khác cho đến nay mới chỉ dừng lại ở sân sau hoặc thông qua Liên Hợp Quốc. Nhóm G20, do Trung Quốc chủ trì trong năm nay, có thể tạo ra những kênh hợp tác mới, và Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố là một trong những vấn đề cốt lõi trong nhiệm kỳ của ông.
Cụ thể, với việc chống IS, G20 có thể chứng minh là một nền tảng hiệu quả. Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) cũng có thể là một nơi có thể làm việc với Trung Quốc để chống khủng bố, đặc biệt ở Trung Á.
Một điều chắc chắn là cộng đồng quốc tế cần xác định số lượng ngày càng tăng các kênh phù hợp để bao gồm cả Trung Quốc vào việc quản lý an ninh toàn cầu. Nếu không, Bắc Kinh sẽ đơn phương khởi xướng và thúc đẩy cơ cấu an ninh song song, khiến việc đạt được các giải pháp ngoại giao trong các cuộc xung đột quốc tế thậm chí còn phức tạp hơn.
Theo Diplomat, Lao Động