Thật thú vị, Cameron chỉ biết về siêu năng lực của mình khi bà đã 65 tuổi. Trong một lần phải vào bệnh viện để phẫu thuật tay, các bác sĩ đã phát hiện ra rằng bà không cần bất kỳ loại thuốc giảm đau nào. Bà Cameron đã được cảnh báo là sẽ bị đau dữ dội sau cuộc phẫu thuật, nhưng bà không cảm thấy gì cả. Bác sĩ gây mê đã rất ngạc nhiên và giới thiệu bà với các nhà di truyền học tại Đại học College London và Đại học Oxford, nơi các xét nghiệm cho thấy bà bị đột biến gien. Đây là gien mà các nhà khoa học tin rằng đóng vai trò chính trong việc truyền tín hiệu đau đớn, tâm trạng và trí nhớ.
Khi đến bệnh viện phẫu thuật tay, các bác sỹ cũng phát hiện ra rằng đôi lúc cái hông của bà vẹo sang một bên khiến bà đi hơi nghiêng về một bên, nhưng vì bà Cameron không kêu đau, các bác sĩ đã không thèm chụp X-quang hông. Cuối cùng, có một bác sỹ quyết định xem xét tình trạng của bà kỹ lưỡng hơn và đã phát hiện ra rằng khớp của bà đang bị viêm nặng, mà đối với một người bình thường sẽ không thể chịu nổi nếu không dùng thuốc giảm đau.
Bà Cameron đã thay khớp háng và giảm đau chỉ bằng hai viên paracetamol mỗi ngày. Khi bà đang hồi phục trong bệnh viện, các bác sĩ nhận thấy ngón tay cái của bà bị biến dạng do viêm xương khớp và lên lịch cho bà phẫu thuật hai bàn tay, một thủ tục mà nhiều chuyên gia mô tả là rất khó chịu. Nhưng bà Cameron không cảm thấy đau đớn gì cả.
Trong khi phỏng vấn bà Jo Cameron, các nhà khoa học đã biết rằng bà thậm chí không cảm thấy đau đớn khi sinh con, thay vào đó bà mô tả trải nghiệm này là một trò chơi khá thú vị. Bà cũng nói rằng mình thường xuyên để tay bị đốt khi nấu bếp và chỉ nhận ra khi ngửi thấy mùi lạ. Tay chân gãy, vết cắt và vết bầm dường như không bao giờ gây ra nỗi đau cho bà.'
Nhưng bà Jo Cameron không chỉ miễn nhiễm với nỗi đau. Trong các bài kiểm tra căng thẳng và trầm cảm, người phụ nữ Scotland này cũng vượt qua. Bà ấy luôn lạc quan và không bao giờ hoảng loạn, ngay cả trong những tình huống mà hầu hết chúng ta sẽ bị chấn động nghiêm trọng. Ví dụ, hai năm trước bà đã gặp tai nạn giao thông khi chiếc xe bị lật ngửa. Bà Cameron đã trèo ra khỏi xe của mình và đi đến an ủi người lái xe gây ra tai nạn. Bà thậm chí không nhận thấy vết bầm của mình cho đến sau này.
“Tôi biết rằng tôi rất hạnh phúc, nhưng tôi không biết rằng mình khác biệt”, bà Cameron nói với The Guardian . "Tôi không nghĩ rằng mình là một người kỳ lạ cho đến khi tôi 65 tuổi”.
Người phụ nữ 71 tuổi nói rằng bà sẽ không thay đổi bất cứ điều gì về bản thân, nhưng thừa nhận rằng cảm giác về đau đớn là quan trọng. Nó cho bạn biết rằng có điều gì đó không ổn trong cơ thể, như trong trường hợp của bà là khớp hông. Bà đã không biết điều nghiêm trọng đang diễn ra cho đến khi khớp của bà gần như bị hủy hoại hoàn toàn và bà không thể đi lại được với bệnh viêm khớp.
Một nhược điểm khác của đột biến gien hiếm gặp là bà Cameron dễ quên hơn người bình thường. “Tôi thường không nhớ về những gì đã diễn ra”, bà nói.
Các bác sĩ hy vọng rằng việc phát hiện ra tình trạng này sẽ giúp các nhà khoa học phát triển một loại thuốc giảm đau mới có khả năng giúp giảm đau sau phẫu thuật hiệu quả hơn. Tiến sĩ Devjit Srivastava nói rằng, mặc dù đã có những tiến bộ trong sản xuất thuốc giảm đau, một phần hai số bệnh nhân phẫu thuật ngày nay vẫn có cảm giác đau vừa đến đau nhiều.