Kinh doanh mỹ phẩm kêu khó, cơ quan chức năng nói 'công ty chưa nắm rõ quy định'

VietTimes -- Chiều 15/10, diễn đàn: "Vị thế thương hiệu ngành làm đẹp và mỹ phẩm tại Việt Nam: Cơ hội - thách thức" đã được tổ chức tại Hà Nội. Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm và dịch vụ làm đẹp trong nước mong muốn được hỗ trợ về pháp lý và tạo điều kiện trong cạnh tranh, tuy nhiên, phía cơ quan quản lý lại có ý kiến khác…
Ông Nguyễn Việt Cường – Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cùng các chuyên gia tại diễn đàn chủ đề làm đẹp tổ chức tại Hà Nội ngày 15/10.
Ông Nguyễn Việt Cường – Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cùng các chuyên gia tại diễn đàn chủ đề làm đẹp tổ chức tại Hà Nội ngày 15/10.

Có thị trường lớn nhưng không cạnh tranh được

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Việt Hương cho biết, thị trường mỹ phẩm trong nước có sức mua khoảng 4 tỷ USD. Song, mỹ phẩm nhập ngoại chiếm tới 90% lượng tiêu thụ còn các sản phẩm mỹ phẩm Việt Nam không chiếm ưu thế, không cạnh tranh được trong thị trường này. Có quá ít doanh nghiệp thực sự đầu tư vào sản xuất mỹ phẩm “made in Vietnam”, lượng sản phẩm sản xuất được kém.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên nhân khiến cho mỹ phẩm Việt không được đánh giá cao là do sự tràn lan của các loại mỹ phẩm rởm. Đã có nhiều vụ việc người dân phải tới bệnh viện cấp cứu, bị hỏng vĩnh viễn làn da do sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có chứa corticoid và các chất độc hại. Từ đó, niềm tin của người dân vào mỹ phẩm Việt giảm sút dần.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Hằng – đại diện Công ty Cổ phần Sam Natural cho biết một số sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên nội địa không được khách hàng tin tưởng, nên lượng tiêu thụ kém dần.

Diễn đàn: "Vị thế thương hiệu ngành làm đẹp và mỹ phẩm tại Việt Nam: Cơ hội - thách thức" tổ chức tại Hà Nội chiều 15/10.
Diễn đàn: "Vị thế thương hiệu ngành làm đẹp và mỹ phẩm tại Việt Nam: Cơ hội - thách thức" tổ chức tại Hà Nội chiều 15/10.

Từ thực tế sản xuất, nhiều đại diện doanh nghiệp tại diễn đàn bày tỏ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ về mặt pháp lý, để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện sản xuất tốt, đánh bật các sản phẩm lậu, nhái và cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập.

Doanh nghiệp cần cập nhật các thủ tục pháp lý

Phản hồi thông tin của đại diện các doanh nghiệp mỹ phẩm, ông Nguyễn Việt Cường – Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội - thừa nhận một số lượng lớn mỹ phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ đang tồn tại trên thị trường. Ví dụ, năm 2018 kiểm tra được hơn 10.000 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.

Đại diện các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Việt Cường cũng cho rằng một số sản phẩm nội địa chưa thực sự đảm bảo chất lượng, khiến cho người tiêu dùng không tin tưởng sử dụng. Các cơ quan chức năng đang và sẽ thường xuyên kiểm, thanh tra, để kiểm soát sản phẩm trôi nổi, kém chất lượng, đảm bảo uy tín của các sản phẩm mỹ phẩm đang kinh doanh hợp pháp trên địa bàn Hà Nội.

“Về mặt pháp lý, các doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và tiêu chuẩn của ASEAN trong sản xuất mỹ phẩm. Các cơ quan chức năng sẽ thực hiện các thủ tục, xác nhận công bố sản phẩm đúng quy đinh pháp luật hiện hành, thực hiện cải cách của Chính phủ trong tiếp nhận hồ sơ và bản đăng ký của doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận khi doanh nghiệp có sản phẩm phù hợp” – Ông Nguyễn Việt Cường cho hay.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa hiểu quy định pháp luật, nên gửi hồ sơ công bố, hồ sơ đăng ký không đúng quy định. Do đó, doanh nghiệp cần cập nhật, hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định để cơ quan chức năng cấp phép, cấp giấy chứng nhận nhanh, hiệu quả hơn.