Kiểm tra, tháo gỡ khó khăn kinh doanh dịch vụ logistics
Thuần Phong
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến kinh doanh dịch vụ logistics.
Trước đó, tại bản tin kinh tế-xã hội ngày 24/7/2017, báo điện tử VnEconomy có nội dung: Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho rằng, nhiều điều kiện kinh doanh vẫn đang trói buộc doanh nghiệp phát triển, không đúng với tinh thần Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.
Cụ thể như việc ngành dịch vụ logistics tìm cách giảm chi phí thì gặp phải các rào cản. Điển hình là Hải Phòng thu phí kết cấu hạ tầng cửa khẩu cảng biển quá cao từ tháng 1/2017 làm tăng chi phí và thời gian thực hiện dịch vụ logistics.
Ngoài ra, Thông tư số 103/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính đã dẫn tới số lượng hàng hóa gửi tại kho ngoại quan phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu giảm tới khoảng 50%, ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực cạnh tranh của ngành logistics và các ngành xuất khẩu mũi nhọn khác như dệt may, da giầy và nhựa.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia nước ngoài ở Việt Nam hơn các công ty của chúng ta ở trình độ quản lý, năng lực tài chính, trình độ áp dụng ICT và năng lực nhân viên, đặc biệt là họ có thị trường có sự liên kết giữa các chủ hàng và hãng tàu.
Đó là khó khăn của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam. Điều này đòi hỏi các công ty Việt Nam phải phấn đấu vươn lên qua hợp tác với nhau và hợp tác với nước ngoài nhằm mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ logistics để thực hiện các chỉ tiêu mà Quyết định 200 đã đề ra.