Hôm 7/4 vừa qua, vào đúng kỷ niệm 100 năm ngày Mỹ tham gia Thế chiến I, tàu chiến của Mỹ đã phóng 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu của chính phủ ở Syria. Căn cứ không quân Al Shayrat ở tỉnh Homs là mục tiêu của cuộc tấn công này. Căn cứ này bao gồm cả quân đội Nga và Syria, hai nước đồng minh trong cuộc nội chiến ở Syria.
National Interest nhận định cuộc không kích này là một chiến dịch quân sự hoàn hảo, và gây tiếng vang lớn. Và giờ đây nó đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Giống như môi trường địa chính trị ở châu Âu trước Thế chiến I, cuộc chiến ở Syria là một mạng lưới phức tạp của các liên minh và các nước hậu thuẫn. Cách đây hơn một thế kỷ, vụ ám sát hoàng tử Áo ở Bosnia đã gây ra một phản ứng dây chuyền, khiến hai khối liên minh lao vào một cuộc chiến tranh thế giới. Thực tế hiện nay ở Syria thậm chí còn phức tạp hơn và các mối nguy hiểm chưa bao giờ cao đến thế.
Trong số vô số các phe phái đối lập ở Syria, có hai người khổng lồ. trong đó một bên là Nga, liên minh với chế độ Assad và là nhà cung cấp quân lính, máy bay chiến đấu và trang thiết bị hiện đại cho phe ủng hộ của Syria, bên còn lại Mỹ hậu thuẫn cho phe nổi dậy và lực lượng người Kurd. National Interest cho biết hai phe này nắm giữ 94% số lượng vũ khí hạt nhân của cả thế giới.
Do đó, những cuộc tấn công tên lửa của tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra trong môi trường phức tạp này đã đưa thế giới tiến gần hơn tới kịch bản trong đó hai cường quốc hạt nhân có thể trực tiếp chiến đấu chống lại nhau.
Các đơn vị quân đội Mỹ đã thực hiện các nhiệm vụ tại Syria từ năm 2014, và trong năm qua Mỹ đã liên tục tăng cường tham gia vào cuộc nội chiến ở Syria. Vào tháng 3/2017, vai trò của Mỹ ở Syria đã thay đổi đáng kể khi nước này đưa 400 thủy quân lục chiến và lính biệt kích vào cuộc chiến chống IS trên lãnh thổ Syria. Đây không phải là các lực lượng hoạt động đặc biệt mà là "các nhóm quân thông thường" thường xuyên hoạt động ở nước ngoài mà không có lời mời chiến đấu.
National Interest trích lại lời hai chuyên gia Dan Lamothe và Thomas Gibbons-Neff viết trên towff The Washington Post:
“Việc triển khai 400 binh lính này đánh dấu một bước leo thang mới trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Syria, và đưa thêm quân lính thông thường Mỹ tham gia vào cuộc chiến. Hàng trăm lính của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã tư vấn cho các lực lượng địa phương ở Syria trong nhiều tháng, nhưng Lầu Năm Góc hầu như không sử dụng quân đội thông thường ở Syria. Nhiệm vụ mới này được triển khai khi chính quyền Trump cân nhắc một kế hoạch giúp các nhóm phiến quân Syria chiếm lại Raqqa, “thủ đô” tự xưng của Nhà nước Hồi giáo IS. Kế hoạch này cũng yêu cầu triển khai thêm nhiều đơn vị đặc nhiệm và các máy bay trực thăng tấn công”.
Tuy nhiên, lần triển khai này không được Lầu Năm Góc chính thức tuyên bố. Theo The New York Times, “Sự hiện diện của đội biệt kích đã trở nên hiển nhiên, sau khi họ được cho là đã lái xe quanh trị trấn Manbij phía bắc Syria, trên xe Stryker và xe thiết giáp Humvees”, trong khi The Washington Post lại là tờ báo đầu tiên đưa tin về hoạt động triển khai thủy quân lục chiến Mỹ tại Syria.
Điều này hoàn toàn phù hợp với lời hứa của ông Trump trước đây, đó là không thể đoán trước và không cảnh báo trước kế hoạch cho kẻ thù. Nhưng đó cũng là một cú đánh mạnh vào sự minh bạch dân sự trong các hoạt động quân sự của nước Mỹ.
Theo National Interest, việc giữ bí mật thông tin trước Nga về việc triển khai quân sự của Mỹ ở Syria có vẻ phù hợp với phong cách lên kế hoạch quân sự của ông Trump, nhưng quan trọng là Nga ít nhất cũng phải có một bức tranh toàn cảnh về địa điểm quân Mỹ đang hoạt động. Nếu không, nguy cơ xung đột trực tiếp giữa hai cường quốc sẽ trở thành sự thật.
Nếu không có các kênh thông tin phù hợp, quân đội của Mỹ và Nga rất có thể sẽ phải đối đầu trong cuộc chiến. Vì cả hai bên đang nhanh chóng gia tăng sự hiện diện và cam kết của mình đối với nội chiến Syria, tình hình có thể sẽ nhanh chóng leo thang vượt ra ngoài sự kiểm soát của mỗi bên.
Điều này thực tế đang diễn ra. Nhiều giờ sau cuộc không kích, Nga tuyên bố rút khỏi bản thỏa thuận tránh va chạm với Mỹ năm 2015. Theo Nationa Interest, bản thỏa thuận này làm giảm đáng kể nguy cơ xảy ra các sự cố máy bay của Mỹ và Nga hoạt động trong không phận Syria.
Việc đình chỉ thỏa thuận của Nga là kết quả trực tiếp của cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào Syria, hành vi mà Nga coi là "vi phạm nghiêm trọng bản thỏa thuận". Lý do duy nhất khiến binh sĩ Nga không bị giết trong cuộc tấn công vào Al Shayrat là Mỹ đã thông báo trước cho Nga thông qua đường dây nóng, đây là một điều kiện trong bản thỏa thuận giờ đã không còn hiệu lực nữa.
Mối nguy hiểm hiện rất rõ ràng. Quân đội Mỹ và Nga đang hoạt động trên hai chiến tuyến đối lập của một cuộc nội chiến phức tạp và gây nhiều tranh cãi, do đó nguy cơ diễn ra những sự cố rủi ro cực kỳ cao.
Và một điều đáng báo động hơn cả là hai cường quốc đang dần hướng đến một cuộc chiến tranh hạt nhân trong vô thức.
Vào năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ vốn là thành viên NATO đã bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga bị cáo buộc xâm phạm không phận nước này. Đây là một sự cố quốc tế làm quan hệ Nga-Thổ trở nên căng thẳng đến mức gần như bị phá vỡ. Tháng 11/2016, ba lính Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giết trong một cuộc không kích do lực lượng chính phủ Syria thực hiện trong khi đang chiến đấu với các phần tử nổi dậy IS và phiến quân người Kurd ở Syria.
National Interest lo ngại mọi sự có thể sẽ còn tồi tệ hơn.Sau cuộc tấn công tên lửa của Mỹ, ông Assad sẽ tự do hoạt động trong khuôn khổ các quy tắc quốc tế nếu ông quyết định trả đũa quân Mỹ trong phạm vi lãnh thổ của mình. Nếu Syria không kích căn cứ của thủy quân lục chiến Mỹ ở bên ngoài Raqqa, điều này có nghĩa gì đối với Nga và Iran, các đồng minh của ông Assad?
Theo phát ngôn viên của Nga, "ông Putin coi các cuộc tấn công của Mỹ ở Syria một cuộc xâm lược vào một quốc gia có chủ quyền, vi phạm các quy tắc của luật pháp quốc tế, với một cái cớ không hợp lý ... Tất nhiên, Syria là đồng minh của chúng tôi, nên nhớ là chúng tôi đang giúp đỡ lực lượng vũ trang Syria theo yêu cầu của lãnh đạo Syria”.
Hãy tưởng tượng cách kịch bản này diễn ra. Quân đội Syria, sau khi bị các tàu chiến Mỹ tập kích, đã đáp trả lại bằng cách nã súng vào các căn cứ của thủy quân lục chiến Mỹ trong lãnh thổ Syria. Thủy quân lục chiến Mỹ kêu gọi không lực hỗ trợ để vô hiệu hóa quân đội Syria. Các cố vấn Nga bị giết trong các cuộc tấn công và người Nga yêu cầu áp đặt một vùng cấm bay. Ông Trump từ chối rút lui và tiếp tục tấn công ở Syria. Các máy bay chiến đấu Nga cố gắng buộc máy bay tấn công của hải quân Mỹ ra ngoài không phận Syria theo yêu cầu cấm bay, và chạm trán với một trong số các máy bay Mỹ. Nghĩ rằng máy bay Nga đang tấn công mình, các phi công Mỹ bắt đầu khai hỏa.
Và đó là cách cuộc chiến tranh trực tiếp giữa Nga-Mỹ bùng nổ. Với một kho dự trữ với khoảng 8.300 vũ khí hạt nhân nhiệt hạch, cuộc chiến này sẽ thực sự là một thảm họa hạt nhân.
Học thuyết quân sự chính thức của Nga kêu gọi sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để kiểm soát sự leo thang của một cuộc xung đột thông thường. Nói cách khác, nếu Nga tham gia vào một cuộc chiến mà nước này không thể giành chiến thắng, nước này sẽ sẵn sàng sử dụng hạt nhân. Một số học giả Mỹ đã cũng đã gợi ý chiến lược “sử dụng vũ khí hạt nhân trước” này.
Ông Frank Kendall, một quan chức của Lầu Năm Góc từng phát biểu trước quốc hội Mỹ năm 2014 rằng các loại vũ khí hạt nhân cấp độ thấp là những "lựa chọn linh hoạt duy nhất trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, đặc biệt là nó có khả năng báo hiệu ý định và kiểm soát leo thang căng thẳng”.
Điều này đang trở thành một xu hướng. Chỉ trong năm nay, hội đồng khoa học quốc phòng của Lầu Năm Góc đã đưa ra một báo cáo kêu gọi "tổng thống xem xét thay thế số vũ khí hiện có và số vũ khí trên kế hoạch của Mỹ để sở hữu nhiều hơn các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật hơn, điều này có thể mang lại một 'tùy chọn hạt nhân phù hợp để sử dụng một cách hạn chế. Nhưng những vũ khí đó đã tồn tại, và một số đã được triển khai trên chiến trường.
Theo National Interest, khoảng 50 quả bom trọng lực B61 được đặt tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ cách biên giới Syria 68 dặm. Mỗi quả bom được trang bị một đầu đạn hạt nhân có thể được phát nổ ở bất kỳ đâu với khoảng từ 300 đến 50.000 tấn TNT. Nó có thể đặt chế độ phát nổ mạnh gấp 3 lần so với quả bom được ném xuống Hiroshima năm 1945.
Những vũ khí này có sức mạnh lớn hơn mục tiêu ngăn chặn. Đây là những vũ khí được thiết kế riêng để sử dụng trên chiến trường.
Nhìn lại quá khứ, vào năm 1914, các ông hoàng ở châu Âu nghĩ rằng họ hiểu mọi chiến lược chiến đấu. Nhưng họ đã nhanh chóng mất quyền kiểm soát tình hình, dẫn đến một cuộc chiến kéo dài 4 năm và khiến gần 20 triệu người thiệt mạng.
Nếu Nga và Mỹ tính toán sai lầm ở Syria, hậu quả có thể còn lớn hơn nhiều, National Interest cảnh báo.