Ảnh minh họa |
Sau đó, giao chiến trên bầu trời đã là các thế hệ tiêm kích tiếp theo. Các tiêm kích Liên Xô trong không chiến đã thể hiện hiệu quả chiến đấu cao hơn gấp đôi các máy bay chiến đấu Mỹ.
Khác hạng cân
Mỹ đã chuẩn bị một cách kỹ lưỡng cho việc tấn công đường không vào Bắc Việt Nam. Để tiến hành thành công các chiến dịch đường không, tại Thái Lan và Nam Việt Nam, Mỹ hoặc đã hiện đại hóa hoặc xây dựng mới hàng chục căn cứ không quân. Tại các căn cứ này đã bắt đầu tập trung các lực lượng tiến công mạnh.
Đến đầu năm 1965, tại các căn cứ này đã bố trí gần 350 máy bay tiến công và tiêm kích. Chiếm thế áp đảo là các tiêm kích-bom F-105 Thunderchief và F-100 Super Sabre. Ngoài ra, còn có một số máy bay Con Ma tối tân nhất - F-4C Phantom II. Để ngăn chặn các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân, Mỹ đã sử dụng các tiêm kích đánh chặn F-102 Delta Dagger.
Tại vịnh Bắc Bộ đã hình thành 2 cụm tàu sân bay hùng mạnh: Yankee Station (với hơn 200 cường kích và tiêm kích trên hạm) ở gần bờ biển Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Dixy Station ở gần bờ biển Nam Việt Nam. Không quân Hải quân Mỹ chủ yếu được biên chế tiêm kích F-4B Phantom II, F-8 Crusaider (Thập tự quân), cường kích А-4 Skyhawk (Chim ưng nhà trời), A-1 Skyraider (Giặc nhà trời).
Sau đó, sức mạnh tấn công còn được tăng cường nhờ các máy bay ném bom chiến lược - pháo đài bay В-52 Stratofortress.
Trong chiến tranh, người Mỹ đã trút xuống Việt Nam, cả miền Bắc và miền Nam, tổng cộng 6,8 triệu tấn bom, tức là gấp gần 3 lần khi oanh tạc nước Đức trong Thế chiến II.
MiG-21 Fishbed đang bay (A. Solomonov/RIA Novosti) |
Tương quan lực lượng ban đầu là tuyệt đối thảm họa đối với miền Bắc Việt Nam. Quân đội Việt Nam chỉ có 60 máy bay, chủ yếu là các máy bay cùng loại của Liên Xô nhưng do Trung Quốc sản xuất là tiêm kích dưới âm MiG-17 và máy bay ném bom Il-28. Tình hình trầm trọng thêm bởi công tác huấn luyện phi công Việt Nam gặp khó khăn khi họ phải tích lũy kinh nghiệm trực tiếp trong quá trình chiến đấu thực tế. Ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sẵn sàng chiến đấu còn có đặc điểm thể chất của phi công Việt Nam khiến họ phải nỗ lực để chịu quá tải.
Tuy nhiên, sau đó, tình thế bắt đầu cân bằng lại nhờ Liên Xô cung cấp ồ ạt vũ khí trang bị cho Việt Nam. Và trước hết đó là các tiêm kích siêu âm mới MiG-21 mà dù với kỹ năng lái chưa phải siêu lắm cũng đủ đưa những Con Ma mà người Mỹ rất kỳ vọng về đúng vị trí.
F-4 Phantom II (ZUMAPRESS.com/Global Look Press) |
Thay đổi chiến thuật
Các cuộc tập kích đường không vào miền Bắc Việt Nam bắt đầu vào tháng 2/1965. Ỷ vào ưu thế hơn hẳn, người Mỹ hành động khá đơn giản. Các máy bay ném bom F-105 với số lượng đến 80 chiếc trong một cuộc không kích xuất hiện tại khu vực ném bom ở độ cao 2.500-4.000 m và chẳng cần ngắm nghía kỹ càng liền thả bom ở tốc độ siêu âm.
Pháo phòng không Việt Nam không làm gì được chúng, còn hệ thống tên lửa phòng không S-75 (SA-2 Guideline) thì Việt Nam lúc đó chưa có.
Các tiêm kích MiG-17 của Việt Nam thì áp dụng chiến thuật được quy định bởi tốc độ thấp hơn và số lượng ít hơn. Các máy bay này bay tuần tiễu ở độ cao nhỏ khiến chúng khó bị phát hiện và chờ tốp máy bay ném bom Mỹ bay đến gần. Sau đó, lợi dụng sự khó xoay trở của các máy bay ném bom Mỹ, MiG-17 lao vào tấn công kẻ thù.
Ngày 4/4/1965, biên đội 4 MiG-17 đã dùng chính chiến thuật đó để đánh bại 8 chiếc F-105D ở cách không xa Thanh Hóa. Trong đó, Đại úy Trần Hanh và số 2 của anh đã bắn hạ 2 F-105D. Đây là những máy bay đầu tiên trong số 250 máy bay Mỹ bị Không quân Việt Nam tiêu diệt trên bầu trời.
Chiến thuật đó được cả hai bên sử dụng cho đến tháng 8/1965, khi miền Bắc Việt Nam có được các hệ thống tên lửa phòng không khủng khiếp S-75. Cho đến thời điểm đó, Việt Nam đã tổn thất 4 MiG-17. Và tất cả chúng đều bị bắn hạ bởi các máy bay Con Ma tiên tiến hơn. Nhưng thua thiệt hơn vẫn là người Mỹ khi mất 5 F-105D, 2 cường kích trên hạm А-4 và 1 chiếc F-4.
Chiến thuật mới của Mỹ là bay ở độ cao nhỏ khiến cho các máy bay không bị đe dọa bởi hỏa lực tên lửa phòng không. Nhưng cả ở đây, chúng lại vấp phải các hệ thống pháo phòng không S-60 cực kỳ khó chịu được trang bị hệ thống radar điều khiển hỏa lực. Do đó, không quân Mỹ bắt đầu ở mức độ đáng kể chuyển từ nhiệm vụ ném bom sang săn lùng tên lửa phòng không, pháo cao xạ và radar.
Và trong các cuộc đụng độ này, không quân Mỹ đã hứng chịu những tổn thất nặng nề. Nhưng đã không phải là do MiG-17 vốn khó lòng đối phó với máy bay siêu âm bay thấp và không chậm chạp bởi lượng bom-tên lửa lớn.
Nỗi đau của Con Ma Mỹ
Bước ngoặt trong cuộc chiến trên không của Việt Nam bắt đầu khi Liên Xô bắt đầu cung cấp cho Việt Nam các tiêm kích siêu âm tối tân MiG-21 vào năm 1966. Đây là một cú sốc đối với bộ chỉ huy không lực Mỹ. Ngay sau khi đụng độ với các tiêm kích Xô-viết khó chơi này, các phi công Mỹ có số giờ bay dưới 2.000 giờ bắt đầu được cử về Mỹ để huấn luyện nâng cao.
Trong khi đó, lực lượng tiêm kích Mỹ đã được tăng cường bằng cách điều động bổ sung ồ ạt các tiêm kích F-104 Starfighter. Nhưng cả chúng cũng không thể chống chọi với tiêm kích mới của Liên Xô. Bởi vậy, F-104 đã được sử dụng không phải cho nhiệm vụ không chiến mà là tấn công mục tiêu mặt đất. Hơn nữa là chỉ trên vùng lãnh thổ miền Nam Việt Nam, nơi mà lúc đó phong trào du kích đang hoạt động rầm rộ lan rộng.
MiG-21 của Trung đoàn không quân tiêm kích 921 |
Niềm hy vọng được đặt vào các máy bay Con Ma - F-4 Phantom. Nhưng chúng cũng thua trước MiG-21 về sức cơ động, nhất là khi cận chiến. Trong khi đó, các tiêm kích Liên Xô liên tục được hoàn thiện. Nếu như ban đầu chúng không được trang bị pháo thì không lâu sau, pháo được lắp trên các mấu treo, nhờ vậy, sau khi bắn hết tên lửa MiG-21 vẫn tiếp tục đánh địch bằng súng máy và pháo.
Năm 1967, trong cuộc chiến trên không bắt đầu bước ngoặt cuối cùng. Không quân Mỹ đã bắt đầu hứng chịu tổn thất lớn về tất cả các loại máy bay: máy bay ném bom, cường kích, tiêm kích. Tương quan thắng-bại trở nên tuyệt đối khó chịu: trong các trận không chiến của năm 1967, Không quân Việt Nam đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ hơn gấp 2 lần số tổn thất.
Các phi công tiêm kích Việt Nam khẩn trương cơ động tới máy bay để vào trận với kẻ thù đang đến gần |
Tình trạng thê thảm đó đối với người Mỹ xảy ra trước hết do các máy bay Con Ma vốn có nhiệm vụ bảo vệ an toàn ném bom cho các tiêm kích-bom và máy bay ném bom chiến lược đã không thể chống chọi được các tiêm kích MiG-21 của Việt Nam. Ngay cả những khả năng hạn chế của phi công Việt Nam cũng không thể bù đắp sự khác biệt về lớp máy bay.
Các máy bay MiG với bán kính vòng ngoặt nhỏ hơn nhiều luôn chiếm lĩnh được vị trí để tấn công thuận lợi hơn các tiêm kích F-4 nặng nề. Tình hình còn phức tạp hơn đối với các phi công Mỹ vì các máy bay Con Ma khi làm nhiệm vụ hộ tống các máy bay ném bom đã không thể tách khỏi tốp máy bay cần bảo vệ để giao chiến kéo dài với các tiêm kích Việt Nam.
Năm 1968, hoạt động chiến sự cường độ cao chấm dứt, bắt đầu đàm phán hòa bình và kết thúc bằng Hiệp định Paris năm 1973 buộc Mỹ phải rút quân về nước. Điều đó đã cứu không quân Mỹ khỏi thất bại thảm họa.
Tính đến thời điểm đình chiến, thất bại của không quân Mỹ tuy lớn, nhưng chưa phải là thảm họa. Trong 3 năm rưỡi, trên bầu trời Việt Nam, đã diễn ra 268 trận không chiến, trong đó đã có 244 máy bay Mỹ và 85 máy bay Việt Nam bị bắn rơi.
Các phi công thiện xạ của Việt Nam Nguyễn Văn Cốc (hạ 9 máy bay Mỹ, bên phải) và Nguyễn Đức Soát (hạ 6 máy bay Mỹ, bên trái) đang nghe Phạm Thanh Ngân (hạ 8 máy bay Mỹ, ở giữa) kể về một chiến công của mình |
Năm 1972, không quân Mỹ lại hoạt động mạnh trở lại. Nhưng đó đã không phải là các chiến dịch tiến công mà là việc yểm trợ từ trên không cho việc rút quân Mỹ khỏi Việt Nam.
Cuộc đối đầu giữa MiG và Con Ma đã kết thúc bằng thất bại của máy bay Mỹ. Trong suốt thời gian chiến tranh, F-4 đã bắn rơi 54 MiG-21, còn MiG-21 đã tiêu diệt 103 Con Ma. Tính đến yếu tố, tổ lái của F-4 gồm 2 phi công nên tổn thất về người của Mỹ còn lớn hơn nữa.
Phân tích kết quả của chiến tranh trên không ở Việt Nam, cần thừa nhận rằng, vấn đề không chỉ ở “sự yếu kém” của Con Ma. Đó là một máy bay tuyệt vời, nhưng được thiết kế để giải quyết các nhiệm vụ khác. Nó được chế tạo như một máy bay đánh chặn hạng nặng, dùng để bảo vệ các tàu sân bay xung kích chống tập kích của tiêm kích-bom siêu âm. Tác chiến giành ưu thế trên không không phải là chuyên môn của nó.
Sự yếu kém của không quân Mỹ khi đó là ở chỗ họ đã không có các tiêm kích hiệu quả tương đương với MiG-21 cơ động cao. Nghĩa là các tiêm kích F-102, F-104, F-105 và F-5 trong không chiến còn thua kém MiG-21 nhiều hơn cả F-4 Phantom.
Người Mỹ đã rút ra bài học từ chiến tranh Việt Nam. Ở các tiêm kích thế hệ tiếp theo F-15 và F-16, họ đã chú ý nhiều hơn đến việc tăng khả năng cơ động của máy bay.
Theo VND