Không quân Việt Nam hạ “pháo đài bay”, diệt “con ma”, kẻ gây hấn coi chừng!

VietTimes -- Trận tập kích đường không Linebacker II là chiến dịch đường không lớn nhất của Không quân và KQHQ Mỹ tính từ sau Đại chiến thế giới II. Đối đầu với cỗ máy hủy diệt khổng lồ này là lực lượng không quân Việt Nam non trẻ, số lượng máy bay nhỏ và hạ tầng kỹ thuật còn rất thiếu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lực lượng không quân Việt Nam thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ trên không có 4 trung đoàn tiêm kích, 1 trung đoàn huấn luyện và một trung đoàn vận tải quân sự, đóng quân trên 5 sân bay chủ yếu. Các trung đoàn tiêm kích được biên chế máy bay MiG 21, MiG 19, MiG 17. Tập trung lực lượng chủ yếu trên trung tâm và các tỉnh miền Bắc Việt Nam, đóng quân ở sân bay Gia Lâm, Nội Bài, Yên Bái và Kép.

Lực lượng chiến đấu của không quân Việt Nam có 187 máy bay. Trong số đó sẵn sàng chiến đấu chỉ có 71 chiếc, tương đương với 38%. Số máy bay đã nêu có thể đưa vào chiến đấu là 47 máy bay (31 MiG 21 và 16 MiG 17) chiếm 26% tổng số máy bay chiến đấu. Máy bay MiG 19 sản xuất tại Trung Quốc không được đưa vào tham chiến. Lực lượng phi công tiêm kích Việt Nam cơ bản ở cấp độ sẵn sàng chiến đấu cao nhất 100% trong mọi điều kiện tác chiến phức tạp ban ngày, chỉ có 13 phi công trên MiG – 21 và 5 phi công trên MiG - 17 được huấn luyện tác chiến ban đêm. Trong 194 phi công có 75 người (khoảng 40%) là quân nhân trẻ. 

 Nhiệm vụ trọng tâm của không quân tiêm kích là bảo vệ thủ đô Hà Nội, cảng Hải Phòng , các cơ sở quân sự và công nghiệp quan trọng ở trung tâm và phía Bắc của Miền Bắc Việt Nam. Giai đoạn này, mục tiêu chủ yếu được đặt ra là ngăn chặn và đánh tiêu diệt B-52.

Tính huống tác chiến trên bầu trời trong gian đoạn chiến dịch Linebacker II của Mỹ cực kỳ phức tạp và căng thẳng, nhưng hoạt động của không quân tiêm kích Việt Nam vẫn mang tính giới hạn chiến thuật, do đó kết quả không chiến với máy bay chiến lược B-52 rất ít nếu so với tên lửa phòng không hoặc pháo phòng không. Nhưng mặc dù vậy, những hoạt động của không quân tiêm kích đã buộc cơ quan chỉ huy chiến dịch tác chiến đường không Mỹ phải chia lực lượng chiến thuật của mình để ngăn chặn, điều đó đã làm suy yếu đáng kể sức mạnh không tập của không quân Mỹ khi ném bom các mục tiêu và đối phó với lực lượng pháo binh, tên lửa phòng không miền Bắc, trong thời gian tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, không quân Việt Nam đã tiến hành 31 lần xuất kích, trong đó có 27 lượt MiG – 21 và 4 lượt MiG 17. Tiến hành 8 trận không chiến, bắn rơi 7 máy bay (2 B-52, 4 F-4, 1 RA-5C), chiếm 9% tổng số máy bay Mỹ bị hạ trong chiến dịch. Tổn thất 3 máy bay MiG 21.

Từ quan điểm ưu thế vượt trội về số lượng và chất lượng của Không quân Mỹ, khả năng chỉ huy, điều hành tác chiến cũng như khả năng trinh sát, quản lý bầu trời 24/24 liên tục của Bộ tư lệnh Không quân chiến trường Mỹ, Bộ tư lệnh quân chủng phòng không-không quân Việt Nam trong tác chiến đường không đặt trọng tâm chiến thuật là yếu tố bí mật, bất ngờ. Bí mật xuất kích trần bay thấp, ngụy trang dựa trên địa hình phức tạp của địa bàn tác chiến, tấn công chớp nhoáng với tốc độ cao và nhanh chóng thoát ly chiến trường sau khi phóng tên lửa là mô hình chiến thuật chủ yếu của phi công Việt Nam.

Nhiệm vụ chiến thuật chủ yếu được thực hiện bởi các phi đội bay thường trực sẵn sàng chiến đấu MiG – 21 ở cấp độ № 2 ( thường xuyên tăng cường) ngày đêm, thời gian cần thiết cho xuất kích ban ngày là 5 – 6 phút, ban đêm là 6 -7 phút trong điều kiện khó khăn về hạ tầng kỹ thuật đảm bảo chiến đấu. Từ kết quả của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, có thể thấy đươc từ một số trận không chiến những điểm mạnh, yếu của tác chiến đường không trong điều kiện thua sút đối phương về số lượng và cấp độ khoa học kỹ thuật đảm bảo trên chiến trường.

Tấn công pháo đài bay B-52 

Trận không chiến đánh chặn В-52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội được thực hiện trên máy bay MiG 21 vào chiều ngày 18.12. 19.28 sau khi xuất kích từ sân bay Nội Bài, bẻ góc 220 độ, tăng tốc động cơ lên tối đa và chiếm độ cao  5000 m, trên khoảng cách 10 – 15 km phát hiện các điểm sáng đèn tín hiệu hoa tiêu của máy bay ném bom chiến lược B-52. Báo cáo sở chỉ huy và nhận mệnh lệnh tiến công, phi công bật đông cơ tăng tốc, thả thùng dầu phụ và tiếp tục lấy độ cao cùng bẻ lái về phía bên phải. Đạt độ cao 10000m, theo mệnh lệnh sở chỉ huy (khoảng cách đến mục tiêu là 10 km), bật radar RP – 21 ở chế độ tìm kiếm.

Sau 3-5 giây, phi công nhận thấy các đèn hoa tiêu của máy bay địch vụt tắt, nhiễu chủ động bao trùm toàn bộ màn hình radar kính ngắm, phi công báo cáo tình huống cho sở chỉ huy và tiếp tục bay về hướng mục tiêu. Khoảng 30 – 40 giây sau khi bật radar RP – 21, phát hiện sáu quả tên lửa nổ gần máy bay, phi công nhanh chóng bẻ lái phải đồng thời giảm độ cao thoát ly vùng công kích. Khi hạ cánh xuống sân bay, MiG bị rơi vào hố bom và hỏng nhẹ, phi công an toàn. Nguyên nhân chủ yếu của đòn tập kích không thành công là: hướng tiếp cận mục tiêu không đúng, bật radar máy ngắm quá sớm.

Ngày 27.12. 22h02 từ sân bay Yên Bái, phi công tiêm kích Phạm Tuân trên MiG 21 đã tiến hành trận tập kích thứ 2 vào pháo đài bay B-52. Thời tiết: mây mù cấp 10, chân mây độ cao 400 m, trần mây – 2000 m, tầm nhìn xa – 10 km. Thực hiện mệnh lệnh của sở chỉ huy, Phạm Tuân bay theo bán kính cung đường 200 độ sau khi cất cánh, công suất tối đa của động cơ lấy độ cao 5000 m, sau đó thả thùng dầu phụ, bật động cơ tăng tốc và kéo máy bay lên đến độ cao 10000 m. Ở độ cao 6000 m anh phát hiện trên cao phía bên trái có các chớp đèn hoa tiêu, quan sát các đốm sang bằng mắt thường, phi công tiếp tục lấy độ cao và bẻ góc trái (góc nghiêng 35 – 45 độ, tốc độ 1200 km/h).

Đạt độ cao 10.000m và góc nghiêng 70 độ, Phạm Tuân tiếp cận mục tiêu với tốc độ 1300 km/h, ở khoảng cách 2.000 – 2.500 m đưa mục tiêu vào vòng ngắm và phóng liên tiếp hai tên lửa. Cả hai đều đánh trúng vào mục tiêu, MiG 21 nhanh chóng bẻ lái thoát ly trận đánh và xuống thấp, cải bẳng ở cao độ 2.500 – 3.000 m hạ cánh án toàn. Hiệu quả không chiến cao do phi công đã được sử dụng đường bay chính xác khi tiếp cận mục tiêu và khi tấn công, duy trì được  bí mật bât ngờ và lợi dụng tốt những yếu tố làm lộ mục tiêu (đèn hoa tiêu trên B-52), duy trì được các thông số bay ổn định khi phóng tên lửa.

28.12 - 21h28 từ sân bay dã chiến, cách sân bay Thọ Sơn – Thanh Hóa gần 12 km, MiG 21 của phi công Vũ Xuân Thiều độc lập cất cánh đánh chặn B-52. Thời tiết: mây mù cấp 5, chân mây cao độ 800m, trần mây cao độ - 1200-1500 m, tầm nhìn xa - 10 km. Dẫn đường được tiến hành từ đài radar trinh sát dẫn đường. Máy bay tăng hết tốc độ đạt độ cao 4000 m, theo lệnh từ sở chỉ huy phi công thả thùng dầu phụ, bật động cơ tăng tốc, lấy góc quỹ đạo bay 350 độ, cao độ 10000 m.

Ở độ cao 7.000 m thượng úy Vũ Xuân Thiều phát hiện mục tiêu B-52 bay phía trước với đèn tín hiệu hoa tiêu. Khi khoảng cách đến mục tiêu từ 8-10 km, độ cao 9000-9500 m, radar trinh sát đuôi máy bay B-52 phát hiện  MiG, kíp lái B-52 tắt đèn tín hiệu và bật các đài gây nhiễu chủ động, Vũ Xuân Thiều báo cáo về đài dẫn đường tình hình địch và cũng là báo cáo cuối cùng. Vụ nổ lớn đã xảy ra, từ các mảnh máy bay B-52 và MiG 21 cho thấy, MiG đã va chạm với B-52. Khả năng tình huống: do bị địch phát hiện và gây nhiễu, đòn tấn công bằng tên lửa chỉ làm máy bay B-52 bị thương, không để B-52 bay thoát, với tốc độ cao, Vũ Xuân Thiều đã biến MiG thành quả tên lửa thứ 3 tiêu diệt đich.

Phân tích 3 trận đánh B- 52 của phi công tiêm kích Việt Nam với máy bay ném bom chiến lược B-52 cho thấy, chiến thuật chủ yếu của không quân Việt Nam là “đơn độc săn mồi”, yếu tố bất ngờ chiến thuật là dẫn đường từ mặt đất, sử dụng cả kính ngắm quang học và radar máy ngắm để phóng tên lửa tiêu diệt mục tiêu trên cự ly hợp lý. Để hoàn thành nhiệm vụ cần phải tiếp cận bán cầu phía sau của B-52, nghiêm chỉnh duy trì các chế độ bay trước khi phóng tên lửa (tốc độ lớn hơn 300-400 km/h,tầm xa phóng đạn 1800-2000 m) phóng liên tiếp 2 tên lửa R – 3 và nhanh chóng thoát ly mục tiêu.

Nguyên nhân chủ yếu của hiệu quả tác chiến thấp khi sử dụng MiG 21 tấn công mục tiêu B-52 trên thực tế chiến trường là khả năng dẫn đường máy bay thấp do đối phương gây nhiễu dày đặc (trong 10 lần không chiến, có 6 lần các đài radar dẫn đường mặt đất không thể đưa MiG đến mục tiêu, trong 4 lần dẫn bay thành công, có 1 lần phi công không thể phóng tên lửa do nhiễu chủ động của B- 52 và sự tham chiến của các máy bay F-4 hộ tống.

Cuộc chiến với "Con ma"

Xét trên góc độ tư duy chiến dịch, có thể thấy, lực lượng không quân tiêm kích MiG 21 Việt Nam được sử dụng chủ yếu để tấn công các máy bay tiêm kích đa nhiệm F-4 Phantom và các máy bay trinh sát đường không của Mỹ, mục tiêu B-52 bị đánh chỉ là mục tiêu thứ yếu, nhằm thu thập kinh nghiệm tác chiến và gây áp lực tinh thần mạnh lên lực lượng không quân chiến lược đối phương, buộc Mỹ phải tăng cường tối đa không quân chiến thuật bảo vệ mục tiêu và giảm tổn thất cho các lực lượng tên lửa – chủ lực trong nhiệm vụ tiêu diệt B-52.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, không quân tiêm kích đã cất cánh 11 lần ( 9 lần MiG 21 và 2 lần MiG 17). Kết quả của các trận không chiến là 5 F-4 "Phantom" và một RA-5C "Vigilante". Hoạt động của MiG-17 không có kết quả cụ thể. Trong các cuộc không chiến, phương thức tác chiến chủ yếu của không quân tiêm kích là bay với biên đội 2 máy bay.

Trong 11 lần xuất kích thì có 8 lần (73%) bay biên đội. Tham chiến, các máy bay MiG bí mật tiếp cận địch theo góc hướng có ưu thế, tiến hành những đòn tấn không chớp nhoáng bằng tên lửa và nhanh chóng thoát ly không chiến theo góc thấp nhằm tự bảo vệ và kéo máy bay địch vào vùng hỏa lực của pháo phòng không mặt đất. Do không quân Mỹ có ưu thế về số lượng, các phi công Việt Nam thường không tham gia vào các cuộc không chiến kéo dài, ngoại trừ một trường hợp ngày 28.12, phi công đã thực hiện thành công một đòn tấn công, không có được thông tin về số lượng máy bay đối phương truy đuổi, tiếp tục kéo dài cuộc chiến và bị F-4 bắn trúng, phải nhảy dù.

Các thuật ngữ chiến thuật của phi công Việt Nam đã thể hiện những chiến thuật rất đặc trưng: “luồn sâu đánh hiểm”, “đồng loạt tấn công””tiến công liên tục” “xé đội hình vòng tròn” “chia cắt đội hình địch” “tấn công khi địch cắt kéo”…..Các trận không chiến thường diễn ra trong điều kiện có tầm nhìn tốt và cận chiến (khoảng cách ngắn). Vũ khí sử dụng chủ yếu là tên lửa R-3S.

Một số trận đánh tương đối điển hình của không quân tiêm kích Việt Nam chống lại không quân hải quân Mỹ cho thấy. Do số lượng máy bay địch rất đông, bản chất của chiến thuật là sau khi tấn công, MiG nhanh chóng thoát ly trận đánh và không để cho đối phương chiếm vị trí thuận lợi để tiến công. Các F-4 khi bị tấn công thường chia thành 2 tốp, tốp thứ nhất sẽ ngoặt sang bên phải và chiếm lĩnh độ cao, tốp thứ hai bẻ lái bay xoáy trôn ốc xuống phía dưới. Để đảm bảo hiệu quả tác chiến, biên đội MiG hoặc chia tách ra thành hai máy bay tác chiến độc lập hoặc bám theo tốp máy bay thuận lợi cho tiến công – tất cả phụ thuộc vào khoảng cách đến điểm gặp tốp F-4 trong thời điểm các Phantom chia tách đội hình.

Nếu khoảng cách nhỏ hơn 3000 m, biên đội MiG sẽ chia làm hai, mỗi máy bay độc lập tấn công một nhóm mục tiêu. Nếu khoảng cách lớn hơn 3000 m, biên đội MiG sẽ bám vệt của tốp F-4 theo hướng tiếp cận nhanh nhất. Khi bay trong chế độ dẫn đường và tìm kiếm “thụ động” (truy tìm), đội hình biên đội máy bay trước sau có khoảng cách 400 – 600 m, máy bay thứ 2 (số 2) lệch trái hay phải so với máy bay dẫn đầu (số 1) từ 200 – 400 m và số hai bay cao hơn số 1 từ 50 – 100 m. Trong không chiến ở chế độ chủ động, biên đội thực hiện giãn cách đội hình, khoảng cách tăng từ 800 – 1000 m.

Trong một số trường hợp, để quan sát tốt vùng bán cầu phía sau và bảo vệ phía đuôi của số 1, số 2 thường bay theo kiểu “rắn lượn”. Số 2 lấy trục dọc của số 1 làm trục tâm, bay ngoằn ngoèo với giãn cách đến 1000 m và góc mở 45 – 50 độ, góc nghiêng máy bay số 2 từ 60 – 65 độ.

Ngày 22.12. 13h28, biên đội MiG 21 đã cất cánh từ sân bay Nội Bài đánh chặn tốp máy bay F-4 bay từ phía Lào xâm phạm vùng trời miền Bắc. Mây mù cấp 10, chân mây 400 m, trần mây 1500 m, tầm nhìn xa từ 8 – 10 km. Dẫn đường từ trung tâm chỉ huy của trung đoàn. Theo mệnh lệnh của sở chỉ huy, biên đội theo quỹ đạo vòng cung 220 độ, lấy cao độ 8.000 m. Sau khi ra khỏi mây theo mệnh lệnh của sở chỉ huy, biên đội đã bẻ cung về bên trái, ở vòng cung 90 độ, khoảng cách 6 – 8 km, phát hiện một tốp F-4 đang bay ở độ cao 6000 – 8000 m. Số 1 quyết định tấn công phi đội thứ 2 của đối phương, ra lệnh cho số 2 thả thùng dầu phụ và bật động cơ tăng tốc. Do nhóm mục tiêu nằm ở cạnh ngoài bên trái của tốp máy bay đinh, số 1 buộc phải ngoặt gấp với góc mở nhỏ và chịu quá tải lên đến 7- 8g. Thời điểm đó số 2 lạc mất số 1 trong tầm quan sát. Khi quay trở lại, máy bay bị một tốp F-4 khác tấn công và trúng tên lửa. Phi công nhảy dù an toàn.

Tình huống diễn biến như sau: Sau tốp F- 4 thứ nhất là tốp F - 4 thứ 2 bay tiếp ứng, khi tốp thứ nhất bị số 1 tấn công, tốp thứ 2 đã công kích cả hai chiếc MiG, riêng số 1 bị phóng liên tiếp 6 quả tên lửa, nhờ kỹ năng cơ động cao, phi công đã tránh khỏi. Dó F-4 quá đông và lượng dầu đã cạn, MiG lao thẳng xuống đất và tránh thoát được sự bám đuổi của F-4 trên cao độ 30 – 50 m, với 250 – 300 lít dầu còn lại, phi công số 1 hạ cánh an toàn trên sân bay cất cánh. Nguyên nhân tổn thất của số 2 có thể nhận định như sau: Kỹ năng bay đội hình chiến đấu còn yếu, số 2 đã không hành động linh hoạt khi mất dấu số 1, lựa chon mục tiêu tấn công không chính xác, sở chỉ huy dẫn đường bay không có được các mệnh lệnh chỉ thị kịp thời, không đánh giá đúng tình huống.

23.12. 13h41 từ sân bay Nội Bài., biên đội MiG 21 đã cất cánh đánh chặn cụm máy bay F- 4 từ hướng Lào vào Việt Nam trên độ cao 7.000 – 8.000 m. Thời tiết: mây mù cấp 10, chân mây 400m, trần mây 1200m, tầm nhìn xa từ 6 – 8 km. Dẫn đường từ sở chỉ huy trung đoàn. Sau khi cất cánh lấy độ cao 300 m, biên đội lấy đường bay góc dây cung 160 độ, sau 1,5 phút bay theo mệnh lệnh từ sở chỉ huy lấy đường bay góc dây cung 260 độ và tăng tốc độ cực đại chiếm độ cao. Trên cao độ 4000 m, số 1 phát hiện phía bên phải góc nhìn 56 – 60 độ một tốp máy bay địch, bay theo đội hình chữ V ngược trên độ cao 7.000 – 8.000 m. Số 1 quyết định tấn công phi đội thứ 2 trong tốp máy bay. Thả thùng dầu phụ và bật động cơ tăng tốc, biên đội bẻ lái phải, vừa lấy độ cao vừa tiếp cận máy bay đối phương.

Khi MiG 21 bay vào bán cầu phía sau của F-4 (khoảng cách 10 km), tốp máy bay địch phát hiện đối phương, cùng thả thùng dầu phụ và bật tăng tốc, định thoát ly khỏi tầm đeo bám. Biên đội MiG 21 lợi dụng ưu thế tốc độ, nhanh chóng thu ngắn khoảng cách. Không thoát khỏi đeo bám, F- 4 chia ra thành hai biên đội: biên đội thứ nhất cơ động rẽ phải lấy độ cao, biên đội thứ hai bẻ lái trái xuống dưới theo đường xoắn ốc. MiG 21 số 1 quyết định tấn công 2 mục tiêu của biên đội thứ hai F-4, trên khoảng cách 1500 – 1800 m phi công phóng 1 tên lửa R – 3S vào máy bay F – 4 số 2, tên lửa trúng mục tiêu, F- 4 bốc cháy. MiG số 2 lao theo biên đội rẽ trái, trên khoảng cách 2500 – 3000 m phóng 1 tên lửa vào F-4. Do phi công phóng đạn khi máy bay đang cơ động mạnh với tải trọng đến 3g – 4g, tên lửa chịu tải bay trượt mục tiêu. MiG 21 nhannh chóng thoát ly không chiến, hạ thấp độ cao vào mây và hạ cánh an toàn.

Như vậy, lựa chọn đúng đội hình cơ động chiến đấu, bí mật tiếp cận địch và bất ngờ tấn công là điều kiện tiên quyết để hạ gục mục tiêu. Kết quả phóng đạn không thành công của số 2 do nguyên nhân tên lửa được phóng ở tầm bắn quá xa và tải trọng khi phóng đạn vượt quá mức quy định đã gây ảnh hưởng lớn đến độ chính xác của đường đạn.

 27.12.  13h34 Biên đội MiG 21 cất cánh từ sân bay Nội Bài nhận nhiệm vụ đánh chặn tốp máy bay F-4 từ hướng Lào. Thời tiết: mây mù cấp 6-7, chân mây 500 m, trần mây 1500 m, tầm nhìn xa trên 10 km. Dẫn đường từ sở chỉ huy trung đoàn. Sau khi cất cánh biên đội lấy quỹ đạo góc dây cung 80 độ, cao độ 300 m. Trên vùng trời sân bay dã chiến Kep theo mệnh lệnh của chỉ huy kéo lên cao 5000 m. Sau khi nhắc lại phát hiện mệnh lệnh nhận sai, yêu cầu của sở chỉ huy là tăng độ cao lên đến 500 m, khi biên đội bắt đầu giảm độ cao xuống tầng mây thấp và ngoặt phải thì số 2 phát hiện phía bên phải mình một tốp F-4 trên khoảng cách 3 km.

Báo cáo số 1 tình hình địch, nhận được nhiệm vụ tấn công, số 2 bám theo mục tiêu, phóng tên lửa R-3S trên khoảng cách 1800 – 2000m với tốc độ 900 – 950 km/h ở độ cao 200 m so với địa hình. Tên lửa lao cắm xuống đất, số 2 tăng tốc độ lên 1000 – 1200 km và rút ngắn khoảng cách còn 1300 m, MiG phóng tên lửa thứ hai. Số một của cặp đôi F- 4 bốc cháy, phi công nhảy dù và bị bắt làm tù binh. Kết quả lần phóng tên lửa thứ 1 cho thấy, số 2 đã hơi vội vàng, không tuân thủ các thông số kỹ thuật trước khi phóng tên lửa.

Mệnh lệnh lấy độ cao không đúng cho thấy đã nơi lỏng kiểm soát tiến trình bay của MiG, điều đó trong trường hợp đối phương có số lượng lớn về máy bay và tình huống phức tạp có thể dẫn đến tổn thất lực lượng.

27.12 - 14h07 một máy bay tiêm kích đã xuất kích từ sân bay Nội Bài đánh chặn tốp F-4. Thời tiết: mây mù cấp 6 – 7, chân mây thấp là 500 m, trần mây là 1200 m, tầm nhìn xa 8 – 10 km. Máy bay được dẫn đường bởi sở chỉ huy trung tâm.MiG 21 bay trên vùng trời phía Tây ngoại thành Hà Nội ở độ cao 150 – 200m theo địa hình, theo mệnh lệnh sở chỉ huy phi công bật động cơ tăng tốc, thả thùng dầu phụ, kéo lên độ cao 3500 m và lấy đường bay góc dây cung 195 độ.

Theo đường bay, phía trước trên khoảng cách từ 8 – 10 km, cao hơn một chút  phi công phát hiện một tốp F-4 đang hành tiến theo đội hình chữ V. Sử dụng ưu thế tốc độ, MiG thu ngắn cự ly đến biên đội thứ 2 của đội hình Phantom, ở cự ly 1500 – 2000 m, MiG phóng 1 tên lửa vào số 1 của biên đội thứ 2 F4, mục tiêu được lựa chọn đúng do số 2 của biên đội F- 4 thực hiện động tác “cắt kéo”, tên lửa đánh trúng mục tiêu, F-4 bốc cháy, phi công nhảy dù và bị bắt tù binh.

Tắt tăng tốc, MiG 21 bẻ lái thoát ly không chiến, trở về sân bay và hạ cánh an toàn. Chiến thuật hành quân tiếp cận, cơ động chiến đấu tốt và chuẩn xác, bí mật bất ngờ tiếp cận mục tiêu, tuân thủ triệt để các thông số kỹ thuật khi phóng tên lửa đã đảm bảo hoàn thành xuất sắc trận không chiến.

Ngày 28.12, lúc 11h17  từ sân bay Nội Bài, biên đội MiG 21 xuất kích đánh chặn tốp F-4 từ biên giới Lào xâm nhập vùng trời Hà Nội. Mây mù cấp 7 – 8, chân mây – 800 m, trần mây 1800, tầm nhìn xa từ 8 – 10 km. Dẫn đường: sở chỉ huy Trung đoàn.

Sau khi xuất kích lấy độ cao 300 m, biên đội bẻ lái và hướng đường bay về phía Hà Nội. sau 2 phút 30 giây biên đội nhận mệnh lệnh thả thùng dầu phụ, bật động cơ tăng tốc và lấy độ cao 5000 m. Số 2 thực hiện kỹ năng cơ động “rắn lượn” theo trục dọc đường bay của số 1, liên tục thay đổi góc trục tâm. Khi ở phía bên trái, số 2 phát hiện một tốp F-4 khoảng cách 8 km, theo lệnh của số 1, số 2 lập tức tăng tốc tiến công.

Đúng lúc đó số 1 phát hiện một tốp F-4 thứ hai đang bay trên cùng độ cao và cùng đường bay như tốp thứ nhất. Để bảo vệ số 2, số 1 đã linh hoạt cơ động trên mặt phẳng thẳng đứng và mặt phẳng ngang, lôi tốp thứ 2 vào quần chiến. Khi lượng dầu còn lại 1000 lít, MiG đã thoát ly cận chiến và hạ cánh an toàn. Theo báo cáo quan sát của lực lượng tự vệ, không quân, pháo cao xạ và tên lửa, chiếc MiG số 2 đã tiêu diệt 1 F-4 và 1 RA-5C, sau đó bị tên lửa đối phương bắn trúng, phi công đã nhảy dù nhưng do bị thương nên đã hy sinh.

Trong trận chiến, nhờ tình huống bất ngờ, đội hình cơ động tốt và lòng dũng cảm tuyệt vời của phi công tiêm kích, 2 chiếc MiG đã cận chiến với 8 F-4 và giành được thắng lợi.

Các trận không chiến của MiG 21 chống máy bay ném bom B-52 và máy bay chiến thuật trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không cho thấy, những nhược điểm hay xảy ra là các phi công khi gặp địch dễ phá vỡ đội hình tác chiến, không chú trọng che chắn bảo vệ đồng đội và hăng hái lao vào tấn công mà quên cảnh giới từ vùng bán cầu phía sau.

Các hoạt động đánh chặn tầm xa so với mục tiêu được bảo vệ không được thực hiện. Một điểm yếu nữa là các phi công dễ quên thực hiện đúng các yêu cầu kỹ chiến thuật khi phóng tên lửa R-3S (không chú trọng khoảng cách phóng tối ưu, tốc độ tiếp cận mục tiêu quá cao, quá tải lớn khi phóng tên lửa). Một điểm đặc biệt là súng tự động GS – 23 hoàn toàn không được sử dụng, các phi công không được huấn luyện kỹ về sử dụng hỏa lực súng tự động nên không tin tưởng vào hiệu quả của pháo, hơn thế nữa, chiến thuật đánh nhanh thoát ly nhanh cũng có ảnh hưởng đến khả năng sử dụng GS – 23 trong cận chiến.

Đánh giá tổng quan kết quả cho thấy: Mặc dù điều kiện huấn luyện chiến đấu rất khó khăn, nhưng các phi công Việt Nam thể hiện khả năng tác chiến rất cao, nhiều trận không chiến diễn ra trong điều kiện độ cao rất thấp, số lượng máy bay địch đông gấp nhiều lần nhưng phi công Việt Nam vẫn giành được thắng lợi giòn giã. Tinh thần quả cảm và ý chí chiến đấu, quyết tâm giành chiến thắng của các phi công Việt Nam được đánh giá là tuyệt vời, dù số lượng máy bay của đối phương tham chiến đông hơn rất nhiều lần, nhưng chưa có trường hợp nào MiG né tránh trận chiến có số lượng địch lớn hơn. Hơn thế nữa, dù chỉ một máy bay, nhưng MiG 21 vẫn kiên quyết lao vào trận đánh và giành thắng lợi.

Ngày nay, lực lượng không quân Việt Nam là một trong những quân, binh chủng được Đảng và Nhà nước tập trung đầu tư lớn lớn để tiến thẳng lên hiện đại. Không quân Việt Nam hiện tại đã được trang bị các loại máy bay tiêm kích hiện đại như Su-27, Su-30MK2 và sắp tới có thể là các chiến đấu cơ Su-35 và Su-34 của Nga. Ngoài ra, Việt Nam cũng quan tâm đến các loại chiến đấu cơ của phương Tây và một ngày nào đó có thể các loại máy bay chiến đấu Rafale (Pháp), F-16 (Mỹ) hay Gripen (Thụy Điển) sẽ góp mặt trong lực lượng không quân Việt Nam oai hùng.

Từng đánh bại đội quân hùng mạnh nhất thế giới, nối tiếp truyền thống vẻ vang và được chắp cánh sức mạnh thời đại, chắc chắn không quân Việt Nam xứng đáng là một trong các lực lượng chủ công góp phần bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển thiêng liêng của tổ quốc, duy trì môi trường hòa bình để phát triển đất nước giàu mạnh.

TTB