Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông tin chủ trương ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước đối với các nghệ sĩ có sai phạm. Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa bao giờ đề cập đến việc "phong sát", "cấm sóng" nghệ sĩ.
Ông cũng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) và Bộ TT&TT đã thống nhất quan điểm trong việc xử lý các nghệ sĩ có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Mặc dù đã nghiên cứu kinh nghiệm về việc cấm sóng từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, nhưng ở Việt Nam chỉ dùng từ ‘hạn chế hình ảnh’ – ông Tự Do nói.
Theo ông Tự Do, ở Việt Nam, để cấm một hoạt động của công dân thì cần có văn bản pháp luật quy định. Do đó, chưa thể nói đến việc “cấm sóng” hay “cấm xuất hiện” trên mạng hay trên truyền thông.
Tuy nhiên, “có thể sử dụng từ ‘hạn chế hình ảnh’ như một quy định mềm. Trong đó, vận động cơ quan báo chí, các nhà sản xuất chung tay với nhà nước trong việc làm sạch môi trường nghệ thuật biểu diễn bằng cách không mời các nghệ sĩ vi phạm bộ quy tắc mà Bộ Văn hóa đã ban hành” - ông Lê Quang Tự Do nói thêm rằng đây là việc làm trên tinh thần đồng thuận, tự nguyện, không bắt buộc.
Cụ thể, nội dung quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thuộc phạm vi quản lý của Bộ VH-TT&DL, quản lý nghệ sĩ và hoạt động biểu diễn hiện. Bộ TT&TT có vai trò phối hợp trong các vấn đề liên quan đến môi trường mạng.
Thực tế lâu nay, việc quản lý các nghệ sĩ có nhiều vấn đề cần giải quyết, đặc biệt là ở môi trường mạng xã hội, khi có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng vướng vòng lao lý, bê bối đời tư nhưng vẫn xuất hiện trong vai trò thần tượng của lớp trẻ. Cùng với đó là vấn nạn người làm văn hóa phát ngôn, hành xử thiếu văn hóa với khán giả lẫn đồng nghiệp. Hơn thế nữa, nổi cộm hiện nay là việc nhiều người nổi tiếng tham gia quảng cáo, livestream vô tội vạ trên các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, YouTube, Facebook…
Theo kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành giữa tháng 4/2023, Cục PTTH&TTĐT sẽ chủ trì xây dựng Quy trình xử lý nhằm hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo đối với nghệ sỹ, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
Quy trình quản lý người nổi tiếng trên mạng này dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2023. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Quyết định 512 về việc cập nhật Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.