Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% được nhận định là một thách thức lớn trong năm 2017. Để đạt mục tiêu trên có ý kiến cho rằng phải đánh đổi lạm phát tăng cao hơn kế hoạch đặt ra là 4%. Tuy nhiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia TS. Cấn Văn Lực cho rằng, không nên đánh đổi lựa chọn tăng trưởng bằng mọi giá.
Vì sao lại không nên đánh đổi mục tiêu, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc tăng trưởng GDP ở mức 6,5% hay 6,7% không quá quan trọng. Đối với tăng trưởng kinh tế hiện nay chất lượng tăng trưởng mới là ưu tiên số một. Đặc biệt, mô hình tăng trưởng kinh tế đang theo hướng tập trung nhiều vào chất lượng ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động chứ không nhất thiết chăm chăm con số tăng trưởng GDP 6,7% bằng mọi giá.
Nếu GDP chỉ tăng nhờ khai thác tài nguyên khoáng sản, đầu tư công, tín dụng cao sẽ lại quay trở về bài toán lâu nay tăng trưởng quá nóng bất chấp chất lượng. Nói chung, năm nay sẽ là một năm rất khó khăn đối với kinh tế Việt Nam nói chung, NH nói riêng.
Đó có phải lý do ngay từ đầu năm, NHNN đã ban hành nhiều chỉ thị với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động NH an toàn, hiệu quả năm 2017?
Tôi nghĩ rằng việc sớm ban hành các chỉ thị định hướng chính sách đảm bảo hoạt động NH hiệu quả, thông suốt là rất cần thiết. Theo đó, giúp hệ thống NH có giải pháp chủ động ứng phó với những thách thức.
Để thực hiện kế hoạch trên, theo ông, NHNN cần lưu ý đến mục tiêu nào?
Tôi cho rằng ưu tiên số một là tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Tuy NHNN đưa Chỉ thị 02 khá cụ thể về giải pháp cũng như đã trình Chính phủ, Bộ Chính trị Đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu nhưng việc có một luật riêng để tái cơ cấu, xử lý nợ xấu thông qua ngay tháng 5 này cực kỳ khó khăn. Vì thời gian không còn nhiều, trong đó còn rất nhiều việc phải làm mới có thể ban hành một luật tương đối đặc thù, độc đáo từ trước đến nay. Nếu không quyết liệt thực hiện và triển khai đồng bộ tiến trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu có thể bị chậm trễ càng gây ra hệ lụy như tạo điểm nghẽn tín dụng, tăng chi phí tái cơ cấu.
Trong năm 2017, phối hợp chính sách giữa tiền tệ và tài khóa phát huy hơn nữa. Đặc biệt, liên quan đến phát hành TPCP với liều lượng, thời điểm phát hành phù hợp. Phân vai gói tín dụng chính sách cũng cần phải quan tâm để nắn dòng tín dụng vào địa chỉ hiệu quả, kiểm soát chất lượng tín dụng. Thậm chí phối hợp hai chính sách này quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu.
Khi đẩy mạnh tái cơ cấu chắc chắn phải liên quan đến chính sách thuế. Bởi trong quá trình này cần có chính sách hỗ trợ tăng năng lực tài chính cho các NHTM, đặc biệt NHTM có yếu tố Nhà nước. Nếu Bộ Tài chính và NHNN không phối hợp tốt lại xảy ra câu chuyện lình xình về cổ tức như với VietinBank, BIDV trong năm 2016.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động rất mạnh, nhất là liên quan công nghệ tài chính-NH. Trước bối cảnh này, NHNN cũng cần có định hướng để các NHTM khai thác phát triển khoa học công nghệ ứng dụng vào hoạt động thế nào bảo đảm an toàn, bảo mật… Liên quan đến Đề án chống vàng hóa, đô la hóa được Thủ tướng yêu cầu trình trong quý I/2017, theo quan điểm của tôi, cần phải rà soát, đánh giá lại chính sách về vàng, đô la để có lộ trình thực hiện cho phù hợp.
Giả sử đối với vấn đề đô la hóa, đánh giá mức độ đô la hóa như thế nào là phù hợp với Việt Nam. Bởi vì không phải cứ đô la hóa là không tốt. Vì Việt Nam vẫn cần nguồn ngoại tệ từ kênh huy động đầu tư nước ngoài, kiều hối… Rõ ràng chúng ta cũng đã chấp nhận mức đô la hóa nhất định. Muốn triển khai đề án hiệu quả, NHNN phải đánh giá tổng thể câu chuyện liên quan đến đô la hóa.
Thời gian qua, NHNN đã có những tiến bộ trong cải cách hành chính, môi trường đầu tư thực hiện theo Nghị quyết 19, 35 của Chính phủ. Nhưng theo tôi vẫn còn nhiều biện pháp hành chính và những thủ tục quy trình phê duyệt tương đối phức tạp cần được cải thiện hơn nữa trong thời gian tới…
Xin cảm ơn ông!
Theo TBNH
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu