Không kích IS tại Iraq, Nga có thể soán ngôi Mỹ ở Trung Đông

Thỏa thuận mới giữa Nga và Iraq thể hiện sự thiếu niềm tin của khu vực vào vai trò của Mỹ, và là cơ hội để Nga mở rộng ảnh hưởng trên toàn Trung Đông.
Máy bay chiến đấu Nga tham gia chiến dịch không kích IS ở Syria. Ảnh: RT
Máy bay chiến đấu Nga tham gia chiến dịch không kích IS ở Syria. Ảnh: RT

Ngày 25/10, hãng thông tấn Fars của Iran dẫn lời một quan chức cấp cao của nước này cho biết chính phủ Iraq đã nhất trí cho phép Nga thực hiện các cuộc không kích nhắm vào những đoàn xe của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) bỏ chạy từ Syria sang nước này.

'Bật đèn xanh'

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch không kích IS trên lãnh thổ Syria từ cuối tháng 9, không quân Nga qua hàng trăm cuộc ném bom, bắn tên lửa hành trình, tiêu diệt nhiều mục tiêu trọng yếu của phiến quân. Chỉ trong ba tuần, IS lâm vào cảnh thiếu thốn đạn dược, tiếp tế và thiệt hại rất lớn về sinh lựctheo Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga.

Thực tế này đã khiến nhiều người so sánh hiệu quả không kích giữa Nga với Mỹ, nước đứng đầu liên quân thực hiện chiến dịch ném bom vào IS suốt hơn một năm qua nhưng vẫn không thể ngăn chặn được làn sóng bạo lực và cuộc khủng hoảng di cư do phiến quân gây ra. Nhiều người dân Iraq đã lên tiếng muốn Nga mở rộng chiến dịch không kích sang nước mình để ngăn chặn IS, theo NBCNews.

Bình luận viên Alexander Smith của tờ báo này cho rằng mong muốn trên xuất phát từ nỗi thất vọng và thiếu tin tưởng của người dân cũng như chính phủ Iraq vào quyết tâm chống IS của Mỹ. Họ tin rằng sau khi rút quân khỏi Iraq vào năm 2011, Mỹ không còn động lực để quay lại vùng đất này, khiến hiệu quả những cuộc không kích của liên quân không cao.

"Tôi tin rằng người Nga có thể làm được những gì mà người Mỹ bó tay. Người Nga rất nghiêm túc trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Iraq vì họ biết rõ hiểm họa đến từ những kẻ khủng bố. Nếu Nga để những kẻ khủng bố tự do, chúng có thể gây rắc rối ở Nga trong tương lai", Ali Hussein al-Obaidi, một người dân ở thủ đô Baghdad, nói.

Hồi đầu tháng 10, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã có những động thái "rào đón" bằng cách tuyên bố rằng ông sẽ "xem xét và chào đón" các cuộc không kích của Nga vào mục tiêu IS, bên cạnh chiến dịch của liên quân do Mỹ đứng đầu, trên lãnh thổ nước này. Tuyên bố trên được ông Abadi đưa ra sau khi Iraq đồng ý ký một thỏa thuận hợp tác tình báo với Nga, Iran và Syria nhằm cung cấp thông tin về mục tiêu IS.

Theo ông Ahmed Al-Abyadh, chủ tịch phong trào biểu tình độc lập Kafa của Iraq, phần lớn người dân nước này sẽ hoan nghênh động thái can thiệp quân sự của Nga, bất chấp những tuyên bố của Mỹ và phương Tây rằng chiến đấu cơ Nga đang chủ yếu dội bom vào lực lượng nổi dậy Syria chứ không phải là IS.

"Người dân Iraq tin rằng với sự tham gia của các chiến đấu cơ Nga, IS sẽ bị đánh bại ở Iraq chỉ trong vài tháng", ông Al-Abyadh nói.

Một mục tiêu phiến quân bị trúng bom của Nga ở Syria. Ảnh:Worldbulletin

Một mục tiêu phiến quân bị trúng bom của Nga ở Syria. Ảnh:Worldbulletin

Hồi đầu tháng, người đứng đầu Ủy ban An ninh Quốc phòng Quốc hội Iraq Hakim al-Zamili thậm chí còn tuyên bố rằng Nga cần phải có "vai trò lớn hơn Mỹ" trong cuộc chiến chống lại phiến quân IS. "Sau một năm, IS vẫn lớn mạnh với hàng nghìn chiến binh nước ngoài đổ về Iraq và Syria, nơi phiến quân đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ hơn. Đó là bằng chứng cho thấy Mỹ không hề có một kế hoạch rõ ràng hay một chiến lược thực sự nào", ông al-Zamili tuyên bố.

Theo chuyên gia phân tích Tyler Durden của Times of India, chính phủ Iraq đã khá khôn khéo khi sử dụng thuật ngữ "các đoàn xe của IS chạy trốn từ Syria" để cho phép Nga không kích trên lãnh thổ nước này. Cách sử dụng thuật ngữ này vừa mở một cánh cửa cho Nga tiến vào Iraq, vừa tránh tạo cảm giác với Washington rằng Baghdad đang "công khai bật đèn xanh" cho Moscow cạnh tranh ảnh hưởng trong khu vực.

Thời cơ của Nga

Ông Hussam Abdullah Mohammed, một học giả người Sunni ở Baghdad, cho rằng thỏa thuận mới giữa Iraq và Nga là cơ hội để Nga có thể mở rộng ảnh hưởng của mình sang Iraq và cả khu vực Trung Đông. "Người Nga đang biết nắm bắt thời cơ, đó là khi người Mỹ không đánh bại được phiến quân IS", Mohammed nhận định.

Sau khi Iraq âm thầm ký thỏa thuận hợp tác tình báo với Nga mà không hề cho Mỹ hay biết, hồi tuần trước, Mỹ đã cử tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tới Iraq để tuyên bố với Thủ tướng Abadi rằng: "Chúng tôi không thể thực hiện chiến dịch không kích nếu người Nga cũng tham chiến ở Iraq vào lúc này", theo Reuters.

Các chuyên gia phân tích cho rằng thông điệp trên của tướng Dunford là một tối hậu thư kiểu "hoặc là chúng tôi, hoặc là người Nga" Mỹ đưa ra cho Iraq. Dù ông Abadi đã cam kết với tướng Dunford rằng Iraq sẽ không yêu cầu Nga hỗ trợ không kích, có vẻ như chuyến đi tới Iraq của chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ là quá muộn.

Chuyên gia Durden cho rằng với thỏa thuận mới với Baghdad sẽ cho phép Nga mở ra một không gian chiến lược mới ở Iraq, nơi những cuộc "truy đuổi phiến quân IS bỏ chạy qua biên giới" sẽ là những bước chân vững chắc của Nga tiến vào vùng đất này. Iraq sẽ là mục tiêu mới của Nga sau khi ổn định tình hình ở Syria, và có thể mong muốn của Nga sẽ không chỉ dừng ở đó.

Hôm qua, cựu thủ tướng Anh Tony Blair đã công khai thừa nhận rằng chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây vào Iraq năm 2003 là một trong những nguyên nhân khiến IS trỗi dậy. Với việc truyền thông phương Tây tiếp tục đưa tin đậm nét về những tội ác của IS, Nga có lý do hoàn toàn hợp lý để thể hiện quyền lực của mình ở Trung Đông, nơi ảnh hưởng của Nga đã suy giảm đáng kể sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, theo ông Durden. 

Binh sĩ Iraq chiến đấu chống phiến quân IS. Ảnh:AFP

Binh sĩ Iraq chiến đấu chống phiến quân IS. Ảnh:AFP

Cùng hai đồng minh rất quan trọng ở Trung Đông là Iran và Syria, Nga đang dần dần tạo ảnh hưởng đến những nước khác trong khu vực bằng cuộc chiến chống IS, tiến tới thay thế vai trò của Mỹ tại vùng đất này. Nga và Jordan, một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS, đã ký thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo và lập một đơn vị hợp tác ở Trung Đông nhằm mục tiêu đánh bại IS.

"Nga và Jordan nhất trí thành lập một trung tâm điều phối ở Amman để chia sẻ thông tin về các chiến dịch chống khủng bố", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với RT.

"Với thỏa thuận hợp tác với Jordan, Nga đang dần dần hình thành một vành đai liên minh bao quanh các quốc gia có thế lực và cả đồng minh của Mỹ trong khu vực như Arab Saudi, Qatar và UAE", chuyên gia Durdan nhấn mạnh.

Trí Dũng theo VnExpress