'Không hạn chế lượng ôtô tham gia dịch vụ gọi xe'

Khẳng định sẽ đặt điều kiện để kiểm soát việc thử nghiệm các dịch vụ như GrabTaxi hay Uber, song Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết không đưa ra "quota" về số lượng, do lo ngại dẫn tới cơ chế xin - cho.
Bộ Giao thông cho rằng việc thí điểm gọi xe kiểu mới không gây gia tăng số phương tiện hoạt động vận tải.
Bộ Giao thông cho rằng việc thí điểm gọi xe kiểu mới không gây gia tăng số phương tiện hoạt động vận tải.

- Hiệp hội vận tải Hà Nôi vừa gửi văn bản đề nghị dừng hoạt động của phương tiện không phù hiệu, không tem mào của Uber và GrabTaxi trên toàn quốc. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Thứ trưởng Giao thông vận tải - Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: N.M
Thứ trưởng Giao thông vận tải - Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: N.M

- Tôi hiểu lo lắng của Hiệp hội vận tải Hà Nội chủ yếu là việc các phương tiện không có giấy phép vận tải nhưng vẫn tham gia cung cấp dịch vụ, thông qua các ứng dụng kết nối với hành khách như trường hợp mà Bộ vừa cho phép GrabTaxi thí điểm.

Vận tải hành khách là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Nếu doanh nghiệp nào không có giấy phép hoặc phương tiện không đáp ứng quy định thì đương nhiên phải xử lý theo pháp luật. Gần đây nhất, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu các địa phương chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Ngược lại, nếu họ có giấy phép kinh doanh, đáp ứng đầy đủ các quy định thì việc ứng dụng khoa học công nghệ để tốt lên thì cần phải khuyến khích. Chúng tôi định hướng quản lý hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng trước hết là phải theo quy định của pháp luật, sau đó là chính sách phải công bằng như nhau, dù là áp dụng hình thức hợp đồng bằng giấy hay hợp đồng điện tử.

- Trong một hội thảo mới đây, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lo ngại việc thí điểm dịch vụ gọi xe như GrabTaxi hay Uber sẽ làm gia tăng số phương tiện vận tải, tăng áp lực ùn tắc... Ông nghĩ sao về điều này?

- Với cách làm như của Grab Taxi chẳng hạn, các xe được sử dụng đều đã được cấp phép kinh doanh vận tải. Giả sử không có việc thí điểm, các xe này vẫn hoạt động theo phương thức thông thường. Do đó, không có chuyện thí điểm thì số lượng phương tiện gia tăng hơn không thí điểm.

Còn nếu công ty nào nếu không có giấy phép vận tải theo hợp đồng thì sẽ bị xử lý. Tất nhiên, cái này cũng phải có sự vào cuộc của các Hiệp hội vận tải để tham gia kiểm tra, giám sát với nhau, vừa định hướng cho các doanh nghiệp nhưng cũng loại trừ những công ty vận tải hoạt động mà không có giấy phép.

Trong bối cảnh còn có nhiều lo ngại về nạn ùn tắc giao thông thì việc sử dụng công nghệ sẽ giúp kết nối hành khách với lái xe sẽ giúp tiết kiệm thời gian, giảm số xe chạy rỗng. Việc này giúp hạn chế việc xe chạy nhiều mà chở ít, mở ra hướng vận tải vận dụng internet, công nghệ thông tin phục vụ điều hành...

- Vậy trong thời gian thí điểm, việc kiểm soát số phương tiện tham gia dịch vụ gọi xe sẽ được thực hiện bằng cách nào?

- Tất nhiên cơ quan quản lý sẽ có kiểm soát, nếu không sao gọi là thí điểm được. Tuy nhiên, giới hạn bằng cách nào lại là một vấn đề khác. Nếu chỉ đơn thuần nghĩ ngay đến số lượng xe, đặt ra một con số thì căn cứ vào đâu? Mà giới hạn bằng con số thì lại quay về cơ chế xin cho, người nào đến trước thì được, đến sau thì không à? Như thế là không công bằng, không minh bạch được.

Việc thí điểm lần này sẽ kiểm soát số lượng xe tham gia bằng cách đặt ra các điều kiện tham gia thí điểm một cách chặt chẽ. Cách làm này vừa giúp lựa chọn được những đơn vị có khả năng cung cấp dịch vụ vận tải tốt nhất để tham gia thí điểm, bảo đảm tính minh bạch, công bằng, vừa giúp cho các cơ quan quản lý điều tiết được số lượng xe tham gia thí điểm phù hợp với thực tế.

Theo Vnexpress