Không cạnh tranh nổi kinh tế, Mỹ “khởi động đối đầu toàn diện với Trung Quốc“?

VietTimes -- "Tôi nghĩ rằng Washington cảm thấy áp lực và không đủ sức để cạnh tranh với Trung Quốc, do đó dùng sức mạnh quân sự thay thế và xem đây là một cách để đe dọa Trung Quốc rằng nước này sẽ chịu thất bại", tác giả, giáo sư đã nghỉ hưu người Mỹ James Petras nhận định.
Tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz cùng các tàu hộ tống. Ảnh: US Navy
Tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz cùng các tàu hộ tống. Ảnh: US Navy

Mỹ đã "khởi động một cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc", bởi vì Washington không thể cạnh tranh với Bắc Kinh về mặt kinh tế, giáo sư Petras phát biểu.

Giáo sư Petras, tác giả của hàng chục cuốn sách về các vấn đề quốc tế, đã đưa ra bình luận trong một cuộc phỏng vấn với Press TV vào ngày 13/2 vừa qua, sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ kêu gọi Quốc hội phê chuẩn một khoản tăng ngân sách khổng lồ để chống lại "mối đe dọa" từ Nga, Trung Quốc, và Triều Tiên.

Hôm 12/2, Lầu Năm Góc đã đề xuất một khoản ngân sách 686 tỷ USD để phân bổ cho chi tiêu quân sự vào năm 2019. Đây là một trong những mức ngân sách lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, và chủ yếu cũng dùng để tăng cường kho vũ khí hạt nhân của nước này. Khoản ngân sách này tăng 80 tỷ USD so với năm 2017.

Ngoài yêu cầu ngân sách 686 tỷ USD còn có 30 tỷ USD cấp thêm cho các cơ quan, bao gồm cả Bộ Năng lượng vốn chịu trách nhiệm duy trì các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Không cạnh tranh nổi kinh tế, Mỹ “khởi động đối đầu toàn diện với Trung Quốc“? ảnh 1Tên lửa hạt nhân UGM-133 Trident II của Mỹ với tầm bắn lên tới 12.000 km có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên thế giới. Ảnh: Lockheed Martin

Cũng trong ngày 12/2, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ David L. Norquist đã tuyên bố với báo chí rằng ngân sách này hướng đến việc vô hiệu hóa các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga, những nước "muốn định hình một thế giới theo ý định độc đoán của họ".

Giáo sư Petras nhận định "Mỹ đã bắt đầu một cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc. Mỹ đã đánh thuế đối với mặt hàng thép và các sản phẩm khác, cũng như đe dọa tiến hành một cuộc chiến kinh tế toàn diện".

"Lý do rất rõ ràng. Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành quốc gia giao thương lớn trên thế giới. Trung Quốc đặc biệt tăng cường quan hệ thương mại với châu Âu, châu Á, và Mỹ Latinh,…", ông Petras cho biết thêm.

"Tôi nghĩ rằng Washington cảm thấy áp lực và không đủ sức để cạnh tranh với Trung Quốc, do đó dùng sức mạnh quân sự thay thế và xem đây là một cách để đe dọa Trung Quốc rằng nước này sẽ hứng chịu thất bại".

"Phải nói rằng Washington tập trung vào Trung Quốc là do thất bại trong việc phá hoại những nỗ lực hòa giải giữa Triều Tiên và Hàn Quốc", ông Petras nhận định.

"Mỹ đã thất bại trong nỗ lực đe dọa Iran. Mỹ đã đưa ra lời đe dọa Iran, Syria, Lebanon với sự hỗ trợ và can thiệp quân sự của Israel. Sự việc này là một trong những động thái quân sự hóa chính sách của Mỹ khi đối mặt với sự yếu kém về kinh tế và không nhận ra thực tế mới của những quốc gia trước đây phụ thuộc vào Washington như Hàn Quốc", giáo sư Petras lưu ý.