Tết thời “thế giới phẳng” ở Trung Quốc có gì khác

VietTimes -- Ở Trung Quốc, bản chất và tinh hoa của ngày Tết không thay đổi, nhưng nội dung và hình thức luôn thay đổi. Tết ở Trung Quốc hiện nay đang phản ánh sự thay đổi mang tính thời đại của cải cách mở cửa.
Màu đỏ là màu chủ đạo trong ngày Tết ở Trung Quốc. Ảnh: News.163.com.
Màu đỏ là màu chủ đạo trong ngày Tết ở Trung Quốc. Ảnh: News.163.com.

Tờ Phương Nam Trung Quốc ngày 16/2 có bài viết bàn về sự thay đổi to lớn của Trung Quốc thể hiện qua sự thay đổi cụ thể khi Tết đến xuân về.

Theo bài viết, trong những bước chân vội vàng của khách tha hương, trong màu sắc đỏ rực, trong những ca khúc chào mừng năm mới, trong không khí rộn rã đều đang mang theo văn hóa truyền thống, một cái tết âm hội tụ bản sắc dân tộc lại đến cùng với mùa xuân.

Đối với mỗi người Trung Quốc, Tết Nguyên Đán luôn có ý nghĩa rất đặc biệt. Tết Nguyên Đán là ngày tết lớn nhất của người Trung Quốc, là "nghi thức tập thể" mang tính chu kỳ của các gia đình Trung Quốc, mang theo tập tục truyền thống tống cựu nghênh tân, gửi gắm những mong muốn tốt đẹp về một năm mới may mắn, như ý.

Nói chung, đối với người Trung Quốc, Tết là ngày lễ mang ý nghĩa đoàn viên, hạnh phúc, vui mừng, may mắn và tốt đẹp. Tết giống như một tình cảm lâu bền trong lòng người.

Trong hàng ngàn năm phát triển, bản chất và tinh hoa của Tết không hề thay đổi, nhưng hình thức và nội dung luôn thay đổi. Đặc biệt là qua 40 năm cải cách mở cửa, Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc được đưa vào rất nhiều yếu tố mới. Sự thay đổi này đã phản ánh được sự no ấm, hạnh phúc của người Trung Quốc, sự phát triển mới của Trung Quốc.

Giống như người Việt, người Trung Quốc có thói quen trao tiền mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Ảnh: Sina.
Giống như người Việt, người Trung Quốc có thói quen trao tiền mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Ảnh: Sina.

Khi bắt đầu cải cách mở cửa, cung ứng vật chất còn không đầy đủ, phải dùng tem phiếu để mua sắm lương thực, vải vóc, thịt, mọi người đều mong tết đến xuân về, đều trông đợi được mặc một bộ quần áo mới, có thể ăn một bữa thịt.

Nhưng hiện nay, hàng hóa vô cùng phong phú trong các siêu thị, mua hàng tết không cần phải xếp hàng, không phải ngày tết cũng có thể được ăn sủi cảo, mặc quần áo mới. Không chỉ được ăn no mà còn được ăn ngon, không chỉ được mặc ấm mà còn được mặc đẹp và thời trang. Sự thay đổi đó có được từ sự phát triển nhảy vọt về kinh tế, cuộc sống của mỗi người đều ngày càng sung túc.

Trước cải cách mở cửa, ở Trung Quốc không có từ "lễ hội mùa xuân". Từ khi cải cách mở cửa đến nay, cùng với việc nới lỏng hạn chế đi lại, ngày càng nhiều người lựa chọn đi ra ngoài làm việc, học tập. Đến ngày Tết, những người này tập trung quay trở về nhà, về quê, từ đó đã hình thành "lễ hội mùa xuân" với lưu lượng người di chuyển quy mô lớn hiếm thấy trên thế giới.

Trước đây, để trở về nhà đón tết, việc mua vé rất khó khăn, đường trở về nhà rất gian nan, còn hiện nay mặc dù về ăn tết vẫn chịu áp lực nhất định, nhưng do mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc rất phát triển, việc mua vé qua mạng dễ dàng hơn, đường trở về nhà đang ngày càng ngắn lại.

Khác với mục đích trở về nhà ăn tết trước đây, ngày nay rất nhiều người tận dụng thời gian ngày Tết để đi du lịch. Sự thay đổi này ở Trung Quốc là vô cùng to lớn, nói lên được chất lượng sống của người dân được cải thiện rất nhiều.

Ấn tượng sâu sắc nhất của trẻ nhỏ trong ngày Tết chắc chắn là tiền mừng tuổi. Vào thập niên 1980, tiền mừng tuổi trẻ nhỏ nhận được ở nông thôn phần lớn là 1 đồng, 2 đồng, thậm chí nhận được một số tiền hào.

Còn bây giờ, tiền mừng tuổi của trẻ nhỏ ít thì 1 trăm, 2 trăm, nhiều thì 5 trăm, 1 nghìn đồng. Tổng cộng có thể nhận được 10.000 nhân dân tệ trở lên trong ngày Tết.

Phong bao lì xì ở Việt Nam.
Phong bao lì xì ở Việt Nam.

Điều bất ngờ hơn là tiền mừng tuổi hiện nay không chỉ là tiền mới để trong bao lì xì, mà còn có thể gửi qua mạng, chỉ cần vài động tác của tay là có thể nhận được. Tiền lì xì không còn là trao đổi qua lại giữa những người thân và bạn bè, mà đã trở thành một "hội hè" trên mạng.

Sự thay đổi như vậy đã cho thấy mức thu nhập của người dân tăng lên và cho thấy những nét mới trong ngày Tết truyền thống mà khoa học công nghệ đã mang lại.

Nói về sự thay đổi của Tết thì rất vô cùng. Trước đây, mua hàng tết thì cần tới túi lớn, túi nhỏ để xách về nhà, giờ đây có thể đặt hàng trên mạng và có người đưa tới tận cửa.

Trước đây làm tổng vệ sinh để ăn tết thì phải huy động toàn bộ người nhà, ngày nay có thể tìm người giúp việc làm thay. Trước đây ăn cơm tất niên phải bận bịu đến nửa ngày, hiện nay có thể đến nhà hàng.

Trước đây đón giao thừa chỉ có người thân ở bên nhau, nhưng ngày nay có nhiều chương trình truyền hình, chương trình giải trí không thể thưởng thức hết...

Nhưng có một điểm có thể khẳng định, đó chính là những thay đổi này làm cho Tết đẹp hơn, mang dấu ấn sâu sắc của sự phát triển. Những thay đổi từng chi tiết này đã cho thấy sự thay đổi lớn mang tính thời đại của cải cách mở cửa ở Trung Quốc.