Khoản nợ 670 tỷ đồng của chủ dự án 25.000 tỷ đồng ở Đồ Sơn

VietTimes – Bãi biển nhân tạo tại Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (quy mô 480 ha) được kỳ vọng sẽ trở thành địa điểm du lịch mới lạ, độc đáo, góp phần phát triển du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng).
Phối cảnh dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Nguồn: haiphong.gov.vn)
Phối cảnh dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Nguồn: haiphong.gov.vn)

Theo Cổng thông tin điện tử TP. Hải Phòng, ngày 6/6 vừa qua, UBND TP. Hải Phòng và CTCP Đầu tư và du lịch Vạn Hương (Vạn Hương Investoco) tổ chức lễ khánh thành bãi tắm nhân tạo và động thổ Resort khách sạn 5 sao tại Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng. Tham dự buổi lễ có ông Vũ Văn Tiền (Chủ tịch Tập đoàn Geleximco), đại diện các nhà đầu tư chiến lược và các đối tác.

Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng có quy mô 480 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 5 năm (giai đoạn 1 từ năm 2019 – 2020, giai đoạn 2 từ năm 2021 – 2023).

Siêu dự án du lịch bao gồm nhiều hạng mục như: sân golf, trung tâm hội nghị, hội thảo, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ du lịch, khách sạn 5 sao, khu phố thương mại, bãi biển nhân tạo, bể bơi nước ngọt, bãi biển nước mặn, công viên nước, khu vui chơi giải trí...

Trong đó, công trình bãi tắm nhân tạo (trải dài hơn 1 km) là điểm nhấn nổi bật, được trang bị công nghệ lọc nước biển hiện đại giúp giữ nước biển khu vực này luôn trong xanh, khắc phục đáng kể tình trạng nước biển đục ở Đồ Sơn.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Tập đoàn Geleximco đã dành nhiều công sức để theo đuổi siêu dự án du lịch kể trên. Năm 2019, tập đoàn này từng gây xôn xao khi kiến nghị thành phố tiếp tục giao 149,6 ha đất không tổ chức đấu giá để thực hiện dự án, đồng thời đề xuất chia tách thành 2 dự án độc lập bao gồm dự án sân gôn khoảng 130 ha và khu du lịch quốc tế Đồi Rồng khoảng 350 ha.

Bên cạnh đó, trong nhiều buổi gặp gỡ lãnh đạo địa phương, đại diện tập đoàn còn cam kết sẽ huy động tối đa nguồn lực, nhân lực nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công.

Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít hoài nghi về năng lực triển khai và tiềm lực tài chính của chủ đầu tư, đặc biệt tại doanh nghiệp dự án - Vạn Hương Investoco.

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Vạn Hương Investoco được thành lập từ năm 2010, với 3 cổ đông sáng lập, bao gồm: ông Phạm Văn Hùng (góp 84 tỷ đồng, tương đương 70% VĐL), ông Bùi Quang Khả (góp 30 tỷ đồng, tương đương 25% VĐL) và ông Nguyễn Thế Dũng (góp 6 tỷ đồng, tương đương 5% VĐL).

Cập nhật tới cuối năm 2016, Vạn Hương Investoco tăng vốn lên mức 200 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông có nhiều biến động với sự thoái lui của ông Nguyễn Thế Dũng, trong khi 2 cổ đông còn lại chỉ còn nắm giữ 52,39% vốn điều lệ.

Hiện, Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Vạn Hương Investoco là ông Phạm Ngọc Tuân (SN 1969).

Dù quy mô vốn còn “mỏng” so với tổng mức đầu tư dự án, song với sự hỗ trợ của tập đoàn địa ốc đứng sau, Vạn Hương Investoco vẫn tìm được những nguồn lực tài chính đáng nể.

Theo dữ liệu của VietTimes, từ ngày 20/4 – 18/7/2020, Vạn Hương Investoco đã hoàn tất đợt phát hành 670 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm. Trước đó, vào tháng 10/2019, doanh nghiệp này đã thế chấp toàn bộ lợi tức thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị của quyền sử dụng đất và/hoặc tài sản gắn liền với đất thuộc Dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Balboa nằm trong Dự án Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng tại ABBank – Chi nhánh Hà Nội. ABBank, lưu ý, là nhà băng có mối quan hệ mật thế với hệ sinh thái Geleximco của đại gia Vũ Văn Tiền.

Ngoài việc thu xếp nguồn vốn, Vạn Hương Investoco cũng thể hiện năng lực thi công đáng nể.

Được biết, doanh nghiệp này đã hoàn thành công trình bãi tắm nhân tạo thuộc Dự án Khu Du lịch Quốc tế Đồi Rồng chỉ sau 5 tháng khẩn trương thi công và đưa vào khai thác ngay trong hè năm 2020, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương./.