Khó mạnh tay chia cổ tức

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, việc chia lợi nhuận năm 2014 của các NH sẽ nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN đảm bảo rằng chỉ các TCTD nào trích lập đầy đủ DPRR mới được phép chia cổ tức.
Khó mạnh tay chia cổ tức

Đến thời điểm này có khoảng hơn 1/3 tổng số NH Việt Nam công bố kết quả kinh doanh năm 2014 với kết quả phần lớn đều tăng so với năm trước. Trong khối NH quy mô lớn, VietinBank vẫn duy trì vị trí số 1 qua nhiều năm khi lợi nhuận trước thuế đạt 7.302 tỷ đồng. Khối NH quy mô nhỏ hơn lợi nhuận cũng có sự cải thiện đáng kể như Techcombank, lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 61%. Hay như VIB lãi trước thuế cao gấp 8 lần năm trước đạt 648 tỷ đồng…

Con số lợi nhuận NH khả quan đang được giới đầu tư kỳ vọng chia cổ tức của các NH sẽ mạnh dạn hơn so với năm trước. Tuy nhiên, mới đây, tại buổi gặp mặt đầu năm mới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, việc chia lợi nhuận năm 2014 của các NH sẽ nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN đảm bảo rằng chỉ các TCTD nào trích lập đầy đủ DPRR mới được phép chia cổ tức.

“Tôi đề nghị các đồng chí giám đốc các NHNN, chi nhánh phối hợp chặt chẽ với thanh tra NHNN và các đơn vị của NHNN kiểm soát chặt chẽ việc này”, Thống đốc nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên TBNH, lãnh đạo một số NH cũng không quá bất ngờ với yêu cầu có tính “thiết quân luật” trên của Thống đốc. Theo quan điểm của Phó tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại, trên cương vị là cơ quan quản lý Nhà nước, chuyện giám sát của NHNN là đương nhiên. Có thể năm trước việc giám sát chưa chặt còn tồn tại vấn đề nên năm nay NHNN siết kỷ luật hơn.

Còn TS. Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank thì cho rằng lý do NHNN đưa ra yêu cầu trên do năm trước một số NH báo lãi ảo.

Với yêu cầu trên của Thống đốc NHNN, Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cho biết là hoàn toàn phù hợp với thông lệ và không gây khó cho NH, nhất là trong bối cảnh các NH đang cần tăng cường trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) để chuẩn bị áp dụng Thông tư 02 một cách đầy đủ vào tháng 4/2015. Lấy dẫn chứng thêm về điều này, ông Văn cho biết, ở các nước trên thế giới, khi chia cổ tức họ đều có quy định rõ phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý NH mới được phép chia, đảm bảo NH chia cổ tức bằng tiền thật chứ không phải là dự thu.

“Nếu NH mạnh tay chia cổ tức trên lãi dự thu, đến kỳ không thu được lãi có thể lại lấy tiền từ huy động bù đắp, ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín NH”, một CEO NH chia sẻ quan điểm.

Mặt khác, theo ông Văn, hệ thống các TCTD đang trong giai đoạn tái cơ cấu thì nếu năng lực tài chính NH nào đó chưa thực sự khoẻ thì nên cân nhắc việc chia tỷ lệ cổ tức ở mức hợp lý bởi thời điểm này, NH nên tích luỹ lợi nhuận để tái đầu tư. Mặt khác với các cổ đông, nếu thực sự là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì họ cũng không chờ đợi lợi nhuận từ cổ tức mà là giá trị gia tăng từ khoản đầu tư hay cổ phiếu mà họ mua.

Thực tế, đã có những NH trong mấy năm gần đây không chia cổ tức, lợi nhuận họ tích tụ để phòng ngừa khó khăn trong tương lai, xử lý nợ xấu, mở rộng hoạt động kinh doanh… Ví như Techcombank mấy năm trở lại đây NH này không chia cổ tức. Và thực tế, trong thời gian qua, sau một thời gian “im ắng”, hoạt động kinh doanh của Techcombank ngày càng khả quan. Theo báo cáo kinh doanh của NH này, lợi nhuận trước thuế Techcombank tăng tới 61% so với năm 2013.

Trong bức tranh lợi nhuận NH, ở chiều ngược lại, lợi nhuận nhiều NH cũng giảm khá mạnh có thể kể đến là Eximbank lãi trước thuế 69 tỷ đồng, trong đó quý IV/2014 lỗ đến 678 tỷ đồng. Một trong những nhân tố tác động không nhỏ đến lợi nhuận của các NH này là do họ phải tăng trích lập DPRR.

Thống đốc NHNN cho biết, trong năm 2014 các NHTM dưới sự giám sát của NHNN phải tích cực trích lập DPRR để tự bản thân NH có thể xử lý được nợ xấu hoặc là một phần nợ xấu của ngân hàng mình. Thực tế, có NH còn trích lập DPRR hơn cả mức trước đây để dự phòng cho những biến động thời gian tới, đảm bảo cuối năm 2015 có đủ nguồn lực để xử lý nợ xấu, đưa nợ xấu về dưới 3%.

Nhiều NH cho rằng, trong năm 2015 tăng lợi nhuận không phải là mục tiêu hàng đầu mà quan trọng là xử lý nợ xấu đưa về mức 3%, thậm chí thấp hơn mức này. Bên cạnh các NH phải tăng chất lượng hoạt động qua việc đảm bảo hiệu quả các khoản vay, tăng thu từ dịch vụ…Ví như tại ACB, năm 2015, NH tiếp tục tập trung cho vay khách hàng cá nhân – đây là khối khách hàng mang lại nguồn lợi nhuận chủ yếu trong năm 2014 của NH này.

Theo TBNH