Số tài sản của "vương triều" Muammar Gaddafi được cho là lên đến vài trăm tỉ USD.
Cũng như nhiều bí mật về các kho báu huyền thoại trước đây, số tài sản của đại tá Gaddafi cũng nhuốm màu huyền thoại.
Nguồn tiền khổng lồ từ dầu mỏ
Trước hết, thật ra không ai biết số tài sản đó trị giá bao nhiêu. Các chuyên gia chỉ có thể ước đoán nó vào khoảng 100 đến 400 tỉ USD.
Sự phỏng đoán ở mức độ cách biệt xa như thế bởi lẽ ở thời còn làm lãnh đạo, nhà cựu lãnh đạo và người thân của ông kiểm soát hết toàn bộ ngân sách nhà nước.
Trong 42 năm nắm quyền, đại tá Gaddafi cùng người thân của mình được cho là đã tích lũy số của cải khổng lồ nhờ nguồn tiền từ bán dầu mỏ.
Đại tá Gaddafi chính thức bị lật đổ vào cuối tháng 8-2011, rồi sau đó bị lực lượng nổi dậy giết chết ngày 20-10-2011 tại Sirte (Libya). Chính người dân Libya cũng đồn đoán rằng ông Gaddafi phải có cả một kho báu khổng lồ.
Khi phe nổi dậy nắm quyền kiểm soát thủ đô Tripoli, những ngôi nhà sang trọng từng là biểu tượng một thời của quyền thế nhà Gaddafi lập tức trở thành mục tiêu hàng đầu.
Sau khi bắn rocket hạng nặng đã phá tan lớp tường thành bảo vệ các ngôi biệt thự, quân nổi dậy tiến vào bên trong và bắt đầu vơ vét đống tài sản bẳng hiện vật mà ông Gaddafi không thể mang đi được khi bị lật đổ.
Ngay cả khi đã bị đạn bom bắn phá, người ta vẫn còn thấy những căn phòng lộng lẫy như trong cung điện vua chúa, treo đầy các tác phẩm nghệ thuật và đồ nội thất theo phong cách từ thế kỷ XIV.
Trong dinh thự, ông Gaddafi còn cho xây dựng các khu vườn rộng, nuôi nhiều loại động vật ở châu Phi... mà theo một số người ước tính thì trị giá của chúng cũng lên đến hàng tỉ USD.
Luật sư Majid Bouden, cũng là một chuyên gia về Libya, cho biết số tiền đó chủ yếu là tiền mặt và việc đo đếm chưa bao giờ được minh bạch.
Cựu bộ trưởng Dầu mỏ của Libya, ông Choukri Ghanem có thể là người nắm giữ chìa khóa giúp giải mã bí mật đó nhưng ông ta đã được phát hiện chết đuối trên sông Danube ở châu Âu vào năm 2012.
Nam Phi - cỗ máy rửa tiền của Libya?
Luật sư Majid Bouden nhận định: “Để tìm được tiền của chính quyền Libya trước đây, cần phải lần theo dấu vết của các quĩ đầu tư”.
Dưới thời chính quyền Gaddafi, nguồn tiền có được từ bán dầu mỏ đã được tái đầu tư thông qua các quĩ của chính phủ, trong đó lớn nhất là quĩ Libyan Investment Authority. Đứng đầu quĩ này là ông Bachir Saleh. Sauk hi chính quyền Gaddafi sụp đổi, ông ta trốn sang Tunisia, rồi sang Pháp. Cho đến khi bị Tổ chức cảnh sát quốc tế Interpol truy nã, ông ta chạy sang Nam Phi và có thể vẫn còn ở đó cho đến nay.
Nam Phi hiện đang bị nghi ngờ là “cỗ máy rửa tiền” của chính quyền Libya cũ.
Ông Erik Goaied, một doanh nhân Thụy Điển gốc Tunisia, đã truy tìm nguồn tiền bẩn của Libya từ nhiều năm qua và đang hướng chú ý đến Nam Phi. Đảng ANC nắm quyền ở Nam Phi hơn 20 năm qua chưa bao giờ giấu diếm mối quan hệ thân thiết với chính quyền Gaddafi bởi lẽ nhà lãnh đạo này đã ủng hộ ANC trong cuộc đấu tranh trường kỳ chống chế độ apartheid.
Theo ông Goaied, hàng tỉ USD tiền mặt của Libya hiện nằm trong các ngân hàng ở Nam Phi, nhưng chính quyền Pretoria luôn phủ nhận các cáo buộc đó.
Nhưng không chỉ có tiền mặt. Vào năm 2012, Abdullah Sanussi, cựu lãnh đạo tình báo của Libya, có một trữ lượng lớn nguồn vàng của chính quyền Gaddafi đã được chon giấu trong sa mạc tại Libya.
Theo một báo cáo của tình báo Mỹ bị Wikileaks công bố, những tài sản của chính quyền Libya vào năm 2006 còn mở rộng ở nhiều lĩnh vực như lọc dầu, sản xuất khí đốt, viẽn thông, cơ sở hạ tầng, khách sạn, các cơ quan truyền thông và kinh doanh siêu thị. Đó là chưa kể những bất động sản được mua bí mật ở khắp thế giới.
Một phần tài sản của nhà Gaddafi còn nằm trong các ngân hàng ở Mỹ, châu Âu, đặc biệt là tại Thụy Sĩ - nơi nổi tiếng với luật bảo vệ bí mật khách hàng. Thụy Sĩ đã cho đóng băng được gần 15 triệu euro số tiền đã được xác nhận có dính líu đến "Vua của các vì vua châu Phi" Gaddafi.
"Đó chỉ là giọt nước trong đại dương (tài sản của Gaddafi)", luật sư Majid Bouden quả quyết.
Các chuyên gia cũng lo lắng rằng nếu không sớm tìm thấy các tài sản của "lãnh tụ của chủ nghĩa Hồi giáo" (một danh xưng ưa thích khác của đại tá Gaddafi) thì chúng có thể rơi vào những thế lực xấu xét theo tình hình quá bất ổn tại Libya trong năm năm qua.
Thậm chí vẫn còn những số tiền khổng lồ của Gaddafi trong các tài khoản giấu tên ở các thiên đường tài chính trên thế giới.
Những tài liệu trong vụ rò rỉ thông tin "Tài liệu Panama" cho thấy có hơn 100 công ty có liên quan đến ông Ali Dabaiba (một người thân của Gaddafi) và các công ty bình phong này đều do công ty luật Mossack Fonseca ở Panama xử lý giúp.
Gaddafi bị giết chết ra sao?
Theo lời kể của các binh sĩ thuộc Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp Libya (NTC), ngay trước giờ cầu nguyện buổi sáng 20-10-2011, ông Gaddafi, với khoảng một chục vệ sĩ trung thành và được hộ tống bởi người đứng đầu lực lượng quân đội đã tan rã Abu Bakr Younis Jabr, mở vòng vây ra khỏi Sirte sau hai tháng bị vây hãm và tháo chạy về phía tây.
Họ không đi được xa. Phía Pháp cho biết một máy bay của họ đã không kích một đoàn xe thuộc lực lượng của ông Gaddafi ở gần Sirte vào lúc 8g30 ngày 20-10 (13g30, giờ Việt Nam) nhưng không rõ liệu cuộc không kích có tiêu diệt Gaddafi hay không. Một quan chức của NATO khẳng định đoàn xe của ông Gaddafi đã bị một máy bay của Pháp hoặc một máy bay không người lái Predator của Mỹ tấn công.
Khi tiếp cận hiện trường, người ta thấy bên trong những chiếc xe vẫn còn có những cái xác cháy đen của tài xế và binh lính chết ngay tức khắc vì trúng bom.
Các binh sĩ của NTC nói Gaddafi và một nhóm tùy tùng còn sống sót có vẻ như đã chạy qua một đám cây và núp trong hai cống nước.
Sau đó họ lại bị bao vây và Gaddafi bị lôi ra từ một ống cống và bị giết chết sau đó.
Nhưng như trên đã nói, trong cảnh thời loạn ở Libya, đến cả sự thật về cái chết của Gaddafi vẫn còn nhiều phiên bản khác nhau.
Nhưng người ta cũng không cần lưu tâm quá nhiều về các chi tiết. Ông ấy đã chết. Đó là điều xác thực. Người ta còn quá nhiều việc phải làm ở phía trước.
Nguồn: Tuổi Trẻ