Khi xứ Nghệ trở thành “vùng trũng” thể thao

VietTimes -- Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 30 tại Philippines với 856 thành viên. Là tỉnh lớn nhất Việt Nam, dân số 3,3 triệu người đứng thứ 4 (sau Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa) nhưng thể thao Nghệ An chỉ có 2 VĐV, ít hơn SEA Games 29 (5 VĐV).
Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, đoàn Thể thao Nghệ An giành được 8 HCV, 9 HCB và 21 HCĐ, xếp thứ hạng 19/65. Ảnh TTXVN
Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, đoàn Thể thao Nghệ An giành được 8 HCV, 9 HCB và 21 HCĐ, xếp thứ hạng 19/65. Ảnh TTXVN

Là tỉnh đông dân, đất rộng nhưng tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, đoàn Thể thao Nghệ An giành được 8 HCV, 9 HCB và 21 HCĐ, xếp thứ hạng 19/65 (tụt 4 bậc) đoàn thể thao tỉnh, thành, ngành trong cả nước. Các thành tích này phản ánh phong trào thể thao xứ Nghệ còn quá khiêm tốn so khả năng vốn có của người dân Nghệ An. Thua xa Hải Dương, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp… những tỉnh nhỏ, khó khăn nhiều bề.

Thua bạn, kém bè

Trong khi đó, tham dự SEA Games 30, tỉnh láng giềng Thanh Hóa có 13 VĐV và 3 HLV. Thanh Hóa đang kỳ vọng sẽ vượt lên chính mình, vượt qua thành tích 4 HCV đã tồn tại trong 2 kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 28 và 29 trước kia. Những tên tuổi được kỳ vọng là Phạm Tuấn Anh (cử tạ), Nguyễn Ngọc Toàn (pencak silat), VĐV kỳ cựu Hà Thế Long ở bộ môn xe đạp địa hình, Hoàng Thị Trang (bơi lội), Lương Văn Thao và Hà Văn Nhật (điền kinh), Nguyễn Ngọc Toàn (pencak silat).

Thiếu cơ sở vật chất tập luyện là một trong những nguyên nhân thể thao Nghệ An chậm phát triển. Ảnh AT

Thiếu cơ sở vật chất tập luyện là một trong những nguyên nhân thể thao Nghệ An chậm phát triển. Ảnh AT

Thể thao Thanh Hóa vẫn có được nhiều tín hiệu đáng mừng tại SEA Games 30. Điền kinh vẫn là bộ môn có nhiều hy vọng đem về những tấm HCV.

Với sự góp mặt của 4 gương mặt xuất sắc nhất hiện tại như: Quách Thị Lan, Quách Công Lịch, Lương Văn Thao, Hà Văn Nhật, được xem là chủ lực của thể thao Thanh Hóa tại kỳ SEA Games năm nay.

Đội ngũ HLV của thể thao Thanh Hóa gồm: Nguyễn Văn Hùng, HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat; Trần Văn Sỹ, HLV đội tuyển điền kinh; Mai Xuân Lượng, HLV đội tuyển karate cũng được đánh giá cao.

Láng giềng Hà tĩnh cũng có 7 VĐV tham gia Đoàn thể thao Việt Nam Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 30 tại Philippines. Đó là các VĐV Trần Thị Thêm (Pencak silat), Hồ Thị Thu Hiền (Karate), Nguyễn Trung Cường, Trần Đình Sơn (điền kinh), Nguyễn Văn Hà (đua thuyền) và Trần Đức Hạnh, Cao Đức Hoàng (bóng chuyền).

Năm nay tại SEA Games 30, chỉ có 2 VĐV của Nghệ An có mặt tại Đại hội thể thao Đông Nam Á. Đó là VĐV Phạm Thị Hồng Thanh ở bộ môn cử tạ và Nguyễn Thị My ở môn cầu mây. So với 2 năm trước, năm nay số lượng ít hơn 3 VĐV.  SEA Games 2017 Nghệ An vinh dự có 5 VĐV tham gia thi đấu tại Malaysia, đó là Nguyễn Thị Quyên và Nguyễn Thị My thi đấu môn cầu mây, Nguyễn Văn Quang thi đấu petanque, ngoài ra còn có Văn Khánh, Tuấn Tài tham gia bóng đá nam. 

Mũi nhọn cũng… khó

Ngay cả bóng đá, môn thể thao mũi nhọn của xứ Nghệ cũng đang gặp khó khăn về kinh phí. Những ngày cuối năm, người xứ Nghệ liên tiếp đón những tin không vui khi SLNA là 1 trong 4 đội bóng dự V.League 2020 phải có sự “bảo lãnh” của VFF vì thiếu điều kiện tài chính và sân bãi thi đấu. Việc đàm phán với nhà tài trợ không thể kết thúc vào 7/11 như những thông tin được hé lộ từ ban lãnh đạo CLB khiến không ít người hâm mộ lo lắng.

Cũng như mùa giải năm ngoái, phải mất hàng tháng đàm phán dai dẳng rốt cuộc SLNA mới có nhà tài trợ phụ với bản hợp đồng 20 tỷ. Bắc Á ban đầu dù không muốn, rốt cuộc vẫn phải kéo dài bằng bản hợp đồng 1 năm để SLNA đủ điều kiện tham dự V.League 2019. Những người am hiểu đội bóng đều cho rằng, vấn đề lùng bùng về tài chính suốt 1 thập kỷ qua đã làm bức tường ngăn các đại gia muốn đến Đào Tấn (trụ sở SLNA).

Khi xứ Nghệ trở thành “vùng trũng” thể thao ảnh 2

"Vẫn có tên cầu thủ ấy trong kế hoạch thì Hoàng không thấy có gì là bất cập" trợ lý Huy Hoàng đã trả lời như thế khi nghe tin các cầu thủ SLNA chuẩn bị rời đội. Ảnh SLFC.

Rất có thể, điều này lại lặp lại ở mùa bóng năm nay và SLNA đành chấp nhận để các trụ cột ra đi hệt Thanh Hóa mùa trước. Thực ra, dù sớm hay muộn rồi SLNA vẫn sẽ có tiền để tham dự V.League 2020 bởi nói cho cùng đây vẫn là môn thể thao mũi nhọn duy nhất của xứ Nghệ cần được duy trì.

Bóng đá xứ Nghệ đã buồn, mới đây khi mọi người nghe trợ lý Huy Hoàng chia sẻ lại càng buồn hơn. Dù trợ lý trẻ này quả quyết: “Bóng đá xứ Nghệ như cái nôi, đã thành thương hiệu. Cầu thủ này đi sẽ có cầu thủ khác thay thế, có thể từ một cầu thủ như viên gạch ngày mai có thể sáng như kim cương”. Hình như trợ lý này lạc quan tếu bởi Huy Hoàng quên mất bao nhiều năm mới có Văn Đức, Xuân Mạnh và dù có cả dàn cầu thủ toàn tuyển thủ và cựu tuyển thủ thì lọt vào tốp 3 V.League vẫn là điều xa vời.

Sẽ có khá nhiều người đồng tình với nhận định của trợ lý trẻ này khi đánh giá về tầm quan trọng của ngoại binh nhưng lại thấy mâu thuẫn khi họ vừa để Olaha và Damir Memovic ra đi. Để rồi vài tháng sau lại vung tiền mua 3 ngoại binh mà chất lượng thế nào là điều khó đoán định.

Việc phải đến khi các cầu thủ cầm giấy thanh lý hợp đồng mới được hiểu là không còn người của SLNA như Huy Hoàng nói là không sai. Nhưng việc Huy Hoàng cho rằng việc hàng loạt cầu thủ rậm rịch chờ đến 31/12 để rời sân Vinh “chẳng là vấn đề gì to tát” thì người hâm mộ cho rằng còn lâu Huy Hoàng mới có thể có đạt tầm HLV Mai Xuân Hợp (Thanh Hóa) hay cao hơn là Thành Công (SLNA). Được kỳ vọng sẽ ngồi ghế HLV trưởng SLNA trong tương lai nhưng tư duy quản lý của trợ lý này còn quá xa mới đạt yêu cầu tối thiểu, thiếu kiến thức thực tiễn lẫn hiểu biết các quy định chuyển nhượng của FIFA.

Ngoài lãnh đạo Sở Thể thao - Văn hóa và Huy Hoàng, liệu có mấy người lạc quan tếu trước bối cảnh thể thao xứ Nghệ như hiện nay. Nếu không sớm đàm phán và có được nhà tài trợ đúng nghĩa thì bóng đá SLNA sẽ đi về đâu?