Khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Mỹ phủ bóng đen lên quan hệ hai nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Quan hệ Mỹ - Trung vốn đã xấu lại đang nóng lên bởi sự kiện khí cầu Trung Quốc xuất hiện trên vùng trời lục địa Mỹ. Ngoại trưởng Antony Blinken lập tức hoãn thăm Bắc Kinh theo kế hoạch đã có.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken quyết định hoãn chuyến thăm Trung Quốc đã lên kế hoạch do vụ khí cầu (Ảnh: Singtao).
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken quyết định hoãn chuyến thăm Trung Quốc đã lên kế hoạch do vụ khí cầu (Ảnh: Singtao).

Sau khi Bộ Quốc phòng Mỹ hôm1/2 thông báo phát hiện một khinh khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc trong không phận Mỹ, Trung Quốc đã thừa nhận rằng vật thể bay đó thuộc về Trung Quốc. Ngày 3/2, tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh, khi trả lời câu hỏi của một nhà báo, bà Mao Ninh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thừa nhận và nói rằng "rất tiếc vì khí cầu dân dụng đã đi lạc vào Mỹ vì lý do bất khả kháng; Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ liên lạc với phía Mỹ để giải quyết các vấn đề xảy ra do tình huống bất khả kháng này".

Các chuyên gia Mỹ nghi ngờ về tuyên bố "khí cầu dân dụng đi lạc đường", đề nghị quân đội Mỹ xác nhận mục đích thực sự của vật thể bay. Đồng thời, vụ việc này đã làm xấu thêm mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken lập tức quyết định hoãn chuyến thăm Trung Quốc đã được lên kế hoạch.

Hình ảnh khí cầu cao không của Trung Quốc bay trên vùng trời bang Montana (Ảnh: Reuters).

Hình ảnh khí cầu cao không của Trung Quốc bay trên vùng trời bang Montana

(Ảnh: Reuters).

Mỹ không tin khí cầu "đi lạc" vào nước Mỹ

Sau tuyên bố của Bộ Ngoại giao, truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin rầm rộ về “khí cầu dân dụng tầm cao đi lạc đường”, nhưng người Mỹ đã không tin.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói trong một cuộc họp báo trưa 3/2: "Chúng tôi biết đó là một khinh khí cầu do thám... chúng tôi cũng biết nó đã xâm phạm không phận Mỹ và vi phạm luật pháp quốc tế. Điều đó không thể chấp nhận được."

Ông Ryder từ chối cung cấp vị trí chính xác của khí cầu, nhưng cho biết nó đã rời không phận bang Montana và đang di chuyển về phía đông, ở khu vực giữa Bắc Mỹ. Ông cũng nói lực lượng phòng không của Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ khinh khí cầu và điều chỉnh các lựa chọn. Lầu Năm Góc hôm 1/2 cho biết họ quyết định không bắn hạ do lo ngại sẽ gây hại đối với những người trên mặt đất.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio ngày 2/2 đã chỉ trích phản ứng của Trung Quốc: "Thật là ngớ ngẩn. Bây giờ là thế kỷ 21 và họ nghĩ rằng họ có thể trốn tránh trách nhiệm bằng mấy câu phủ nhận sao? Họ nói 'chúng tôi không muốn nó bay đến đó, nó chỉ là một quả khí cầu. Ai mà biết được điều gì sẽ xảy ra với quả khí cầu?'. Điều đó thực tế là không chính xác. Những thứ này đều có thể điều khiển được ở một mức độ nhất định. Ý tôi là, nó không chính xác như máy bay không người lái hoặc máy bay, nhưng có thể điều khiển được. Họ có thể biết nó đang đi đâu. Ý tôi là, nó không bay qua một địa điểm du lịch. Nó bay qua vùng Tây Bắc, bay qua Montana, nơi có căn cứ điều hành tên lửa liên lục địa (ICBM)."

Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng trên trang web của cơ quan này.

Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng trên trang web của cơ quan này.

Ông Rubio cho rằng Trung Quốc phải thừa nhận đó là vật thể bay của họ vì biết không thể che giấu điều này. Ông cũng cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc cho phép sự cố khinh khí cầu xảy ra trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Blinken tới Bắc Kinh. “Họ luôn làm những việc như thế này để hạ nhục đối thủ, để thể hiện sức mạnh và để gửi đi một thông điệp.”

Richard Weitz, nghiên cứu viên cấp cao và giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị và Quân sự tại Viện Hudson, một cơ quan tư vấn của Mỹ, nói Trung Quốc có thể sử dụng điều này để nói với Mỹ rằng họ cũng có quyền thu thập thông tin tình báo tại Mỹ.

"Động cơ (của Trung Quốc) không rõ ràng. Ít nhất, Trung Quốc muốn thu thập thông tin về các địa điểm nhạy cảm và có lẽ họ không thể làm được điều đó nếu chỉ có vệ tinh; họ nghĩ rằng khí cầu sẽ cung cấp cho họ thông tin bổ sung hoặc họ muốn chúng ta nhìn thấy nó. Như mọi người đã biết, Trung Quốc từ lâu đã phàn nàn về việc tàu và máy bay Mỹ tiếp cận lãnh thổ Trung Quốc để giám sát, và có thể đây là cách Trung Quốc cho thấy rằng họ cũng có thể làm điều đó với Mỹ.”

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, tướng Patrick Ryder (Ảnh: VOA).

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, tướng Patrick Ryder (Ảnh: VOA).

Montana, là tiểu bang dân cư thưa thớt, không chỉ là nơi có Căn cứ Không quân Malmstrom mà còn là một trong ba nơi đặt giếng phóng tên lửa hạt nhân ở Mỹ. Giới chức quân sự Mỹ cũng cho biết khí cầu đã bay qua quần đảo Aleutian của Alaska và Canada trước khi xuất hiện ở thành phố Billings, Montana.

Canada hôm 2/2 nói họ đang theo dõi khí cầu do thám bay vào không phận Mỹ và Canada đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ để “bảo vệ thông tin nhạy cảm của Canada khỏi bị các mối đe dọa của tình báo nước ngoài”.

Không phải lần đầu Trung Quốc sử dụng khí cầu do thám tầm cao

Các quan chức Mỹ cũng cho biết đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc dùng khí cầu do thám lục địa Mỹ. Các chuyên gia cho rằng việc Mỹ lần này tiết lộ có thể là một chiến lược mới.

Richard Weitz ở Viện Hudson nói: "Có lẽ đây là một chiến lược mới của Mỹ để tiết lộ thông tin tình báo. Chúng ta đã thấy điều đó; trước khi Nga tiến vào Ukraine chính quyền Biden đã tiết lộ rất nhiều thông tin tình báo. Chúng ta biết người Nga sẽ làm điều đó. Có lẽ quyết định lần này cũng giống như quyết định khi đó để mọi người chú ý đến hoạt động gián điệp của Trung Quốc.”

Ông Richard Weitz, nghiên cứu viên cấp cao và Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị và Quân sự thuộc Viện Hudson (Ảnh: VOA).

Ông Richard Weitz, nghiên cứu viên cấp cao và Giám đốc Trung tâm Phân tích Chính trị và Quân sự thuộc Viện Hudson (Ảnh: VOA).

Brent Sadler, một nhà nghiên cứu cấp cao về chiến tranh hải quân và công nghệ tiên tiến tại Heritage Foundation, một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho rằng sự im lặng trước đây của chính phủ Mỹ về vấn đề này có thể là do những cân nhắc về an ninh quốc gia. Bây giờ thông tin đã được đưa, chính phủ có trách nhiệm thông báo cho công chúng về hành động của mình, "nhưng cũng phải chú ý không tiết lộ quá mức năng lực công nghệ."

Tờ Wall Street Journal đưa tin, trong những năm gần đây, khí cầu tầm cao cũng đã xuất hiện trên bầu trời Nhật Bản, trong đó có vụ một khí cầu tầm cao được phát hiện ở khu vực đông bắc Nhật Bản năm 2020, bên dưới có treo một vật thể hình chữ thập. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản khi đó cho biết khí cầu đang được giám sát chặt chẽ.

Khí cầu tầm cao có thể được sử dụng để theo dõi vũ khí siêu thanh

Vệ tinh gián điệp, máy bay trinh sát và khí cầu tầm cao đều là những phương pháp gián điệp phổ biến và việc sử dụng khí cầu tầm cao đã có từ Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh.

Các chuyên gia cho biết, tuy khí cầu tầm cao là lựa chọn "thứ hai" sau vệ tinh gián điệp để thu thập thông tin tình báo, nhưng chúng có những lợi ích khác. Chúng có thể "nán lại" ở một địa điểm trong thời gian lâu hơn, di chuyển chậm hơn, cho phép chúng giám sát một khu vực cụ thể trong thời gian dài hơn và không dễ gây ra phản ứng của Mỹ như các vệ tinh do thám khó che giấu. Ngoài ra, giá thành của khí cầu tầm cao tương đối rẻ.

Ông Brent Sadler, nghiên cứu viên cấp cao về chiến tranh hải quân và công nghệ tiên tiến tại Trung tâm tư vấn Heritage Foundation (Ảnh: VOA).

Ông Brent Sadler, nghiên cứu viên cấp cao về chiến tranh hải quân và công nghệ tiên tiến tại Trung tâm tư vấn Heritage Foundation (Ảnh: VOA).

Trang tin Politico năm ngoái đưa tin, Lầu Năm Góc đang âm thầm bổ sung các thiết bị khí cầu có khả năng bay cao từ 60.000 đến 90.000 feet vào một mạng lưới giám sát rộng lớn mà cuối cùng có thể được sử dụng để theo dõi vũ khí siêu thanh.

Mấy chục năm qua, các công ty của Mỹ trong đó có Aerostar đã phát triển khí cầu tầm cao cho các khách hàng quân sự và thương mại đang tìm kiếm các nền tảng liên lạc và giám sát, đặc biệt là ở những khu vực thiếu vùng phủ sóng vệ tinh. Bộ phận Đổi mới Quốc phòng của Lầu Năm Góc được cho là đã ký hợp đồng với Aerostar để khám phá các ứng dụng quân sự. Công ty có trụ sở tại Sioux Falls, Nam Dakota này cho biết khí cầu của họ có thể giữ nguyên vị trí trong nhiều tuần hoặc thậm chí hàng tháng, sử dụng các tấm pin mặt trời để sạc điện.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng khí cầu

Ngay sau sự cố khí cầu, Mỹ đã lập tức gửi công hàm tới đại sứ quán Trung Quốc tại Washington và Bắc Kinh, phản đối biện pháp thu thập thông tin tình báo này. Ngày 3/2, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã xác nhận hoãn chuyến tới thăm Trung Quốc.

Người phát ngôn Nhà Trắng Karin Jean-Pierre nói, việc Ngoại trưởng Blinken trì hoãn chuyến thăm Trung Quốc có liên quan đến sự cố khí cầu. Cả Tổng thống và Ngoại trưởng Mỹ đều cho rằng đi thăm Trung Quốc vào thời điểm này là không thích hợp.

“Chúng ta biết Bắc Kinh đã bày tỏ lấy làm tiếc về điều này, nhưng sự hiện diện của khí cầu trong không phận của chúng ta rõ ràng là xâm phạm chủ quyền của chúng ta và vi phạm luật pháp quốc tế. Chuyện đã xảy ra là không thể chấp nhận được."

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 3/2 cho biết, Ngoại trưởng Blinken đã nói chuyện với Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và cho ông ấy biết do khí cầu do thám tầm cao của Trung Quốc hiện đang ở trong không phận Mỹ, Ngoại trưởng Blinken sẽ không đến Bắc Kinh vào thời điểm này.

Ned Price nói: “Ngoại trưởng truyền đạt rằng ông đã lên kế hoạch đến thăm Bắc Kinh để triển khai chương trình nghị sự mà Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập đã thống nhất ở Bali hồi tháng 11 năm ngoái. Ngoại trưởng chú ý đến tuyên bố lấy làm tiếc của Bắc Kinh, nhưng ông nói rằng đó là một hành động vô trách nhiệm, vi phạm rõ ràng chủ quyền của Mỹ và luật pháp quốc tế, đồng thời phá hoại mục đích của chuyến thăm.”

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio cho rằng vụ việc này sẽ khiến người Mỹ thức tỉnh, hiểu rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh địa chính trị và là đối thủ của Mỹ (Ảnh: VOA).

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio cho rằng vụ việc này sẽ khiến người Mỹ thức tỉnh, hiểu rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh địa chính trị và là đối thủ của Mỹ (Ảnh: VOA).

Patrick Cronin, Giám đốc nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Hudson, nói rằng việc Trung Quốc triển khai khí cầu do thám để thu thập thông tin về các căn cứ ICBM và các căn cứ chiến lược khác là "một hành động ngu ngốc kỳ quặc". Ông kêu gọi chính phủ Mỹ phân tích nguyên nhân đằng sau và chuẩn bị đưa ra phản ứng thích hợp và chuẩn xác.

Các nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ cũng cho rằng sự cố khí cầu là hành động "xâm phạm chủ quyền của Mỹ". Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, đã tweet vào tối 2/2 yêu cầu chính quyền Biden cung cấp một Báo cáo tóm tắt cho "Gang of Eight" (Nhóm 8 người) tại Quốc hội. "Gang of Eight" là tên gọi của nhóm thành viên Quốc hội Mỹ có quyền nhận các báo cáo tình báo cơ mật từ cơ quan hành pháp. Các thành viên của nó bao gồm các nhà lãnh đạo Thượng viện và Hạ viện và các ủy ban tình báo của Thượng viện và Hạ viện. Ông McCarthy cũng cảnh báo Trung Quốc rằng, nếu ông muốn họ không thể ngăn cản ông đến thăm Đài Loan.

McCarthy nói: “Sự coi thường trắng trợn của Trung Quốc đối với chủ quyền của Mỹ là một hành vi gây bất ổn cần phải được giải quyết và Tổng thống Biden không thể giữ im lặng”.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio cho rằng vụ việc này sẽ khiến người Mỹ thức tỉnh và hiểu rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh địa chính trị và là đối thủ của Mỹ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. "Họ thực sự là một kẻ thù lớn hơn và mạnh hơn Liên Xô trước đây, vốn là một siêu cường quân sự nhưng không phải là một cường quốc công nghiệp, công nghệ hay kinh tế."

Ông nói rằng thời gian còn lại của thế kỷ sẽ được quyết định bởi Mỹ và Trung Quốc cũng như sự cạnh tranh chiến lược giữa hai nước, và rằng Mỹ “cần phải điều chỉnh lại mọi thứ chúng ta làm ở đất nước này dựa trên thực tế đó.”