Loại tên lửa lạ xuất hiện gây bất ngờ
Theo TheWarzone, một loại tên lửa lớn và khác thường được phát hiện gắn dưới cánh của các tiêm kích F/A-18E/F Super Hornet thuộc nhóm chiến đấu tàu sân bay Carl Vinson tham gia cuộc tập trận.
Từ hình dạng và ký hiệu ghi trên thân đạn, các chuyên gia phán đoán đây là phiên bản phóng từ trên không của loại tên lửa phòng không tầm xa SM-6. Nó có thể là loại tên lửa không đối không có tầm bắn xa nhất trong lịch sử Hải quân Mỹ nhằm mục đích "săn lùng và tiêu diệt máy bay cảnh báo sớm tầm xa và máy bay tiếp dầu trên không trong cuộc xung đột quy mô lớn với Trung Quốc", theo TheWarzone.
Nhiều máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet tham gia cuộc tập trận đã mang theo tên lửa này. Ký hiệu được in trên thân của nó là NAIM-174B, cho thấy kiểu loại cụ thể của nó là tên lửa không đối không AIM-174B, được sử dụng để thử nghiệm đặc biệt.
Ở phía trước của đạn có một vạch nhỏ màu xanh biểu thị đây là đạn huấn luyện (đạn thật có vạch màu vàng), ký hiệu màu đen và vàng gần giữa đạn cũng cho thấy tác dụng thử nghiệm.
Tên lửa không đối không AIM-174B là phiên bản cải tiến dựa trên tên lửa phòng không SM-6 trang bị trên tàu của Hải quân Mỹ, loại tên lửa này có tầm bắn hơn 350 km chủ yếu được sử dụng để đánh chặn các mục tiêu tầm xa trên không và tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối. Về lý thuyết, nó cũng có khả năng đánh chặn vũ khí siêu thanh.
Mặc dù tên lửa không đối không AIM-174B đã loại bỏ bộ tăng lực vì được gắn trên máy bay thay vì phóng từ tàu, nhưng do được phóng từ trên không bằng máy bay chiến đấu, ở độ cao lớn và tốc độ cao, nên tầm bắn có thể xa hơn. Điều này có nghĩa rằng lửa AIM-174B có thể có tầm bắn vượt xa loại tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 hiện đang được Không quân Mỹ sử dụng.
Sự kết hợp giữa máy bay Super Hornet và tên lửa tầm siêu xa AIM-174B được phát hiện cách đây 3 năm, nhưng vào thời điểm đó tên lửa này chỉ được sơn màu vàng thử nghiệm và chưa bao giờ được Hải quân Mỹ chính thức công nhận.
Giờ đây, tên lửa đã chính thức được lắp đặt trên máy bay cất cánh từ tàu sân bay của Hải quân Mỹ và sử dụng lớp sơn phủ màu xám tiêu chuẩn, cho thấy tính năng của nó đã dần hoàn thiện và có thể có sẵn sàng chiến đấu.
Bài viết của TheWarzone cho rằng “xét đến việc Trung Quốc đang triển khai tên lửa không đối không tầm siêu xa của riêng mình, Hải quân Mỹ trang bị những tên lửa tầm xa như vậy sẽ mang lại ưu thế rất lớn”.
Ví dụ, Không quân Mỹ có thể sử dụng tên lửa AIM-174B để đối phó với các máy bay cỡ lớn tốc độ chậm như máy bay cảnh báo sớm trên không, máy bay trinh sát, máy bay tuần tra biển, máy bay tiếp dầu và máy bay ném bom từ khoảng cách cực xa. Đây sẽ là một trong những phương thức quan trọng giúp Mỹ chống lại chiến lược chống tiếp cận/từ chối khu vực (Anti-Access, A2) của Trung Quốc.
Ngoài ra, tên lửa SM-6 có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất hoặc mặt nước, bởi vậy biến thể của nó là AIM-174B cũng có thể thừa hưởng đặc điểm này do tốc độ bay rất nhanh, trở thành thách thức rất lớn cho việc phòng ngự của đối phương.
Lấp khoảng trống về tên lửa tầm xa
Một số chuyên gia cho rằng tên lửa AIM-174B thực chất chỉ là biện pháp đối phó khẩn cấp được Hải quân Mỹ vận dụng khi không còn lựa chọn nào khác.
Kích thước và trọng lượng của tên lửa phòng không SM-6 phiên bản phóng từ tàu là nguyên mẫu được thiết kế riêng với trọng lượng 1,5 tấn và dài 6,6 mét. Bởi vậy, các chuyên gia Mỹ cho rằng ngay cả khi phiên bản AIM-174B được loại bỏ bộ phận tăng lực, rút ngắn chiều dài 2 mét và giảm trọng lượng xuống còn 600-800 kg, nó vẫn có kích thước và trọng lượng vượt xa các loại tên lửa không đối không tầm xa khác.
Ví dụ, tên lửa không đối không tầm trung AIM-120 chủ lực hiện đang được trang bị trong quân đội Mỹ có tầm bắn khoảng 70 km và trọng lượng chỉ 145 kg.
Mặc dù tên lửa không đối không tầm xa R-37M của Nga nổi tiếng là cồng kềnh, trọng lượng phóng của nó chỉ khoảng 500 kg và tầm bắn là 400 km, về cơ bản giống như tên lửa AIM-174B.
Người ta cũng mỉa mai rằng vẻ ngoài cồng kềnh của tên lửa AIM-174B gợi nhớ trực tiếp đến tên lửa tầm trung AIM-54 "Phoenix" được Hải quân Mỹ phát triển trong Chiến tranh Lạnh. Loại tên lửa này nặng 466 kg và có tầm bắn gần 200 km. Nửa thế kỷ đã trôi qua, Hải quân Mỹ chỉ đạt được tiến bộ rất hạn chế về tên lửa tầm siêu xa.
Tuy nhiên, trước thực tế cả Trung Quốc và Nga đều đang liên tiếp tung ra các thế hệ tên lửa không đối không tầm siêu xa mới với tầm bắn hơn 300 km, việc phát triển tên lửa không đối không tầm xa AIM-260 của quân đội Mỹ tiến triển chậm trễ. Có lẽ chính vì nguyên nhân này mà Hải quân Mỹ buộc phải áp dụng phương pháp tạm thời là “dùng vịt thay gà”, đưa tên lửa “SM-6” lên trời.
Theo Sohu, Guancha
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu