Kh-101 của Nga có thể tiêu diệt mọi mục tiêu trên đất Mỹ?

Việc Nga đã sử dụng các tên lửa mới nhất Kh-101 vào các cuộc không kích tiêu diệt IS ở Syria đã thực sự khiến phương Tây rất bất ngờ. Hiệu quả của tên lửa khiến giới truyền thông phương Tây phải thêu dệt ra nhiều giai thoại khác nhau.
Tên lửa Kh-101
Tên lửa Kh-101

Ngày 17/11, Nga bắt đầu sử dụng lực lượng không quân chiến lược tầm xa (Tu-160, TU-95MS, Tu-23M3) và sử dụng các tên lửa Kh-101 mới nhất để không kích lực lượng IS ở Syria.

Sự kiện này khiến giới chức quân sự phương Tây thực sự phải lưu tâm, còn truyền thông các nước này lại thêu dệt nên nhiều giai thoại khác nhau về hiệu quả đáng sợ của loại tên lửa này.

Một tạp chí chuyên về quân sự của Mỹ còn cho rằng Kh-101 là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn vượt 10.000 km.

“Nếu như tên lửa này được bắn đi từ Moscow thì nó vẫn có thể tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào trên đất Mỹ. Điều này đang khiến Washington thực sự lo lắng”- tờ báo này nhận định.

Hiện Mỹ cũng đang nghiên cứu để phát triển loại tên lửa siêu thanh mới X-51, tuy nhiên quá trình nghiên cứu vẫn chưa hoàn thành và chưa rõ thời điểm loại tên lửa này sẽ được đưa vào trong trang bị.

Trong khi đó, loại tên lửa tầm xa AGM-129 của Mỹ đã bị loại khỏi biên chế từ 8 năm trước. Do đó, hiện trong biên chế của không quân Mỹ đang thiếu hụt số lượng không nhỏ tên lửa chiến lược tầm xa có thể giúp các máy bay cường kích tấn công đối phương trước khi xâm nhập vào khu vực phòng không của đối thủ.

Hiện tên lửa có tầm bắn xa nhất trong biên chế của Không quân Mỹ là AGM-86C/D có tầm bắn xa kém 4 lần so với Kh-101 của Nga và điều này không thể khiến Mỹ không lo lắng.

Từ chuyển từ đầu đạn hạt nhân sang đầu đạn nổ…

Trước sự kiện Nga sử dụng Kh-101 để tấn công IS tại Syria ngày 17/11/2015, Kh-55 (được trang bị từ năm 1983) là tên lửa chính trong biên chế của lực lượng không quân ném bom chiến lược của Nga. Cho đến nay, đây vẫn là loại tên lửa có uy lực, cả khi được trang bị đầu đạn hạt nhân cũng như đầu đạn nổ thông thường.

Kh-101 của Nga có thể tiêu diệt mọi mục tiêu trên đất Mỹ? ảnh 1
Tên lửa Kh-101 trên máy bay ném bom Tu-95MS

Kh-55 có nhiều biến thể, và biến thể có tầm bắn xa nhất là Kh-55SM với khoảng cách bắn 3.500 km khi được trang bị đầu đạn hạt nhân có trọng lượng 250 kg. Sai số bắn trúng mục tiêu là 100m và đây là sai số hoàn toàn có thể chấp nhận được đối với tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, việc Liên Xô ký kết Hiệp ước cắt giảm tên lửa hạt nhân tầm trung và tầm gần năm 1987 đã khiến nước này phải thay đổi các đầu đạn hạt nhân thành đầu đạn nổ thông thường để trang bị cho Kh-55.

Các kỹ sư Liên Xô đã cải thiện được đáng kể độ sai số cho Kh-55 với đầu đạn thông thường. Tuy nhiên, bước đi này cũng được các kỹ sư Mỹ thực hiện thành công với AGM-86.

Bước nhảy vọt đáng kể về chất trong việc cải thiện độ chính xác cho Kh-55 đã được Ủy ban thiết kế “Raduga” thực hiện thành công với biến thể Kh-555 vào năm 2000 và đến năm 2004, các tên lửa này đã được đưa vào trong trang bị.

Do phải thay thế đầu đạn hạt nhân bằng đầu đạn nổ thông thường có trọng lượng lớn hơn, tầm bắn xa của tên lửa đã bị giảm xuống còn 2.000 km nhưng độ sai số khi bắn chỉ còn 20m.

Kết quả này đạt được nhờ cải thiện hệ thống điều khiển khi tên lửa được trang bị thêm hệ thống điều chỉnh bằng quang điện tử và dẫn đường từ vệ tinh.

… đến tên lửa đạn đạo tầm xa có quỹ đạo phẳng

Việc nghiên cứu chế tạo Kh-101 được “Raduga” bắt tay thực hiện từ năm 1995 với mong muốn chế tạo tên lửa có cánh tầm xa tốt nhất thế giới và các kỹ sư Nga đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.

Ngoài Kh-101, người “anh em song sinh” của Kh-101 là Kh-102 cũng đã được ra đời với việc được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Kh-101 của Nga có thể tiêu diệt mọi mục tiêu trên đất Mỹ? ảnh 2
"Thiên Nga trắng" Tu-160 dùng tên lửa Kh-101 diệt IS

Kh-101 đã được cải thiện đáng kể độ chính xác khi tiêu diệt mục tiêu nhờ được bổ sung thêm 2 hệ thống điều chỉnh quỹ đạo bay so với phiên bản Kh-555. Hai hệ thống dẫn đường được bổ sung là dẫn đường từ vệ tinh GLONASS và hệ thống điều chỉnh quỹ đạo quang-điện tử để điều khiển giai đoạn bay cuối cùng của tên lửa thông qua vô tuyến điện.

Các hệ thống này giúp độ sai số của Kh-101 chỉ còn 5-6 m và của Kh-102 cũng chỉ tầm 5-6 m.

Ngoài ra, mức độ “tàng hình” của Kh-101 đối với các hệ thống phòng không của đối phương cũng được cải thiện đáng kể nhờ sử dụng công nghệ Stels. Các nhà thiết kế còn sử dụng tối đa các vật liệu để làm giảm tối đa việc phát ra các tia bức xạ vô tuyến điện.

Kh-101 được bắt đầu thử nghiệm vào năm 2007 và bắt đầu được trang bị cho không quân tầm xa Nga từ năm 2013. Hiện nay, Kh-101 đang được trang bị cho 2 máy bay ném bom chiến lược của Không quân Nga là Tu-160 và Tu-95MS.

Với những cải tiến liên tục như hiện nay, khả năng Kh-101 vượt qua quãng đường hơn 10.000 km như báo Mỹ đã nhận định, là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo Infonet