Nga nổi xung, tung “đồ trấn quốc” tối tân đánh IS

Nga đã sử dụng chiến dịch không kích thành công của mình ở Syria để phô diễn những vũ khí thiện chiến nhất, tối tân nhất trong kho vũ khí của mình. Một vài trong số đó, bao gồm máy bay ném bom chiến lược Tupolev Tu-160 (Blackjack) và tên lửa hành trình Raduga Kh-101, lần đầu xuất trận.
Máy bay cường kích tối tân Su-34 của Nga tham chiến tại Syria
Máy bay cường kích tối tân Su-34 của Nga tham chiến tại Syria

Máy bay  ném bom chiến lược Tu-160

Máy bay Tu-160 Blackjack (Tupolev Tu-160) là một trong những phi cơ ném bom lớn nhất, nặng nhất thế giới từng được nghiên cứu và chế tạo. Tupolev Tu-160 là loại chiến đấu cơ tầm xa có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân chiến lược. Nó cũng là một trong những loại máy bay ném bom mạnh nhất thế giới.

Máy bay Tu-160 được giới quân sự phương Tây mệnh danh là "chiếc dùi cui". Đây là mẫu chiến đấu cơ siêu âm đa năng, được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có nhiệm vụ oanh kích các mục tiêu chiến lược bằng vũ khí thông thường và hạt nhân.

Sức mạnh của TU-160 được thể hiện trong 2 khoang chứa vũ khí khổng lồ có thể mang các loại tên lửa hành trình chiến lược, tên lửa có hướng dẫn tầm ngắn, bom hạt nhân, bom thông thường, địa lôi và thủy lôi, với tổng trọng lượng tối đa 40 tấn. Máy bay ném bom hạng nặng này có khả năng thực hiện các chiến dịch tầm xa vì nó có thể tiếp nhận dầu trên không bằng loại máy bay chuyên dụng do Nga chế tạo IL-78 hay ZMS-2.

Tên lửa hành trình Kh-101

Mặc dù chưa có lời xác nhận chính thức nhưng các chuyên gia đã phát hiện tên lửa hành trình Kh-101 có mặt trong chiến dịch can thiệp quân sự của Nga ở Syria.

Kh-101 là loại tên lửa hành trình tàng hình mang vũ khí hạt nhân do cục thiết kế Raduga phát triển cùng với một biến thể mang vũ khí thông thường Kh-102. Được biết, tên lửa này được phóng thử từ tháng 10/1998. Nó có tầm bắn tối đa là 5.500 km và có thể bay với tốc độ tối đa 270 m/giây.

Kh-101 là tên lửa hành trình tầm xa, tốc độ cận âm. Tên lửa được đưa vào mục tiêu nhờ tổ hợp định vị trên cơ sở hệ thống GLONASS. Khác với Kh-555, tên lửa mới có thể tiêu diệt cả các mục tiêu nhỏ với kích thước từ 2-3 m trở lên và cả những mục tiêu di động. Tên lửa này còn được trang bị các hệ thống duy trì vị trí theo quán tính độc lập trong trường hợp bị nhiễu vô tuyến điện tử và hệ thống dẫn đường theo vệ tinh bị vô hiệu hoá.

Tàu ngầm lớp 636, tên lửa Kalibr và tàu chiến lớp Buyan

Hôm 17/11, một tàu ngầm mang tên Rostov-on-Don đã phóng đi loại vũ khí được cho là tên lửa Kalibr nhằm vào các mục tiêu IS ở thành phố Raqqa của Syria.

Tàu ngầm lớp 636
Tàu ngầm lớp 636

Tàu ngầm diesel-điện "Rostov-on-Don" là chiếc thứ hai trong loạt tàu ngầm của đề án Project 636 Varshavyanka dành cho Hạm đội Biển Đen của Nga. Trong số những vũ khí hải quân đáng sợ nhất của Nga có tên của loại tàu ngầm nói trên – một loại tàu ngầm đa năng, ít gây tiếng ồn và có khả năng cơ động cực cao.

Tàu ngầm lớp Varshavyanka (Đề án 636) là một phiên bản cải tiến của tàu ngầm lớp Kilo và được ứng dụng công nghệ tàng hình tiên tiến, có phạm vi chiến đấu mở rộng và khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trên biển và ngầm dưới nước. Tàu ngầm lớp Varshavyanka được vận hành bởi 52 thủy thủ, có độ rẽ nước 3.100 tấn, đạt tốc độ di chuyển dưới mặt nước 20 hải lý/giờ, tầm hoạt động 400 hải lý, lặn sâu 300m (khi sử dụng động cơ đẩy điện) với khả năng tuần tra tới 45 ngày.

Tàu ngầm Kilo cải tiến được trang bị 18 ngư lôi và 8 tên lửa mặt nước đối không Club. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm (tàu mang 18 quả ngư lôi hoặc 24 quả mìn). Ngoài ra, tàu cũng có thể phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất SS-N-27 Club-S. Để tự phòng thủ, tàu được trang bị biến thể tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Strela-3M hoặc Igla-1. Các tàu ngầm lớp Varshavyanka được thiết kế chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ đối hạm và chống ngầm ở những vùng biển tương đối nông.

Trước đó, hôm 7/10, tàu chiến lớp Buyan-M thuộc Hạm đội Caspian của Nga đã phóng tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu của IS ở Syria. Tàu chiến lớp Buyan-M được trang bị tên lửa hành trình Kalibr đã gây kinh ngạc cho Mỹ khi lần đầu tiên khoe sức mạnh ở Syria. 4 tàu chiến lớp Buyan-M đã phóng 26 tên lửa hành trình 3M-14T Kalibr vượt 1.500km và tiêu diệt chính xác 11 mục tiêu của lực lượng khủng bố IS ở Syria.

Tàu hộ tống tên lửa lớp Buyan-M là một biến thể nâng cấp từ loại tàu tuần tra Project 21360 ở một số hệ thống điện tử, vũ khí mạnh và thiết kế lại cấu trúc thân tàu. Tuy chỉ có lượng giãn nước 950 tấn nhưng tàu hộ tống hạm Buyan-M lại được trang bị những hệ thống vũ khí hiện đại bậc nhất của Hải quân Nga và trên thế giới hiện nay. Vũ khí tấn công chủ lực của tàu hộ tống Buyan-M là 8 tên lửa hành trình Kalibr đặt trong các ống phóng thẳng đứng.

Tổ hợp Kalibr trên tàu chiến Buyan-M được trang bị hai loại đạn tên lửa gồm: Đạn chống hạm 3M-54T đạt tầm bắn phóng 440-660km, tốc độ bay siêu âm Mach 2,9, mang đầu đạn 200kg; đạn đối đất 3M-14T đạt tầm bắn 1.500-2.500km, tốc độ cận âm Mach 0,8, mang đầu đạn 450kg. Tùy từng nhiệm vụ tác chiến mà một hoặc cả hai loại tên lửa sẽ được lắp vào bệ phóng thẳng đứng.

Sukhoi Su-34

Su-34 được đánh giá là một trong những chiếc máy bay tiêm kích đánh bom hàng đầu thế giới hiện nay.

Su-34
Su-34

Su-34 là thế hệ máy bay 4+ của Nga có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm. Máy bay Su-34 có khả năng đạt tốc độ tối đa lên đến 2.000 km/h, bán kính chiến đấu là 1.100 km, được trang bị 12 điểm treo vũ khí với tổng khối lượng vũ khí lên đến 8 tấn. Với khả năng mang được khối lượng vũ khí lớn như vậy, Su-34 được giới quân sự Nga đặt cho biệt danh là “Xe tăng bay” bởi sức mạnh hỏa lực ghê gớm của chiến đấu cơ này.

Su-34 được trang bị các loại vũ khí chính xác cao, tấn công đa dạng các mục tiêu trên không, mặt đất, trên biển. Su-34 còn có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc. Đây là loại máy bay chiến đấu đầu tiên của của Nga được trang bị radar với tầm phát hiện mục tiêu là 250 km, radar này có khả năng lập bản đồ mặt đất ở cự ly 150 km.

Đây là lần đầu tiên Nga tung máy bay tiêm kích đánh bom hàng đầu thế giới của mình ra chiến đấu ở bên ngoài.

Theo VnMedia