Kế hoạch 12.000 tỉ đồng/năm của LTG ở Kiên Giang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Toàn bộ số lúa thu hoạch trong vùng nguyên liệu sẽ được CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã CK: LTG) cùng các đối tác liên kết của mình hỗ trợ thu mua phục vụ xuất khẩu.
Đại diện LTG, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang và MB Bank tại buổi lễ ký kết hợp tác
Đại diện LTG, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang và MB Bank tại buổi lễ ký kết hợp tác

Nội dung này được đề cập trong bản ghi nhớ hợp tác phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng cao trong sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giữa LTG, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Kiên Giang (Sở NN&PTNN Kiên Giang) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank).

Theo đó, việc hợp tác dự kiến sẽ kéo dài tới hết năm 2024, với tổng giá trị ước tính lên tới 12.000 tỉ đồng/năm. Các bên sẽ bắt đầu thực hiện ngay khi ký kết biên bản thoả thuận hợp tác.

Cụ thể, Sở NN&PTNT Kiên Giang sẽ phối hợp với các cơ quan ban ngành thuộc tỉnh để cùng với LTG xây dựng kế hoạch hàng năm và phát triển vùng nguyên liệu lên tới 300.000ha trên địa bàn tỉnh.

Vùng nguyên liệu này sẽ được cấp mã số vùng trồng, ứng dụng các mô hình sản xuất hiệu quả cao mà LTG đang thực hiện như “canh tác không dùng tiền mặt”, “mặt ruộng không dấu chân” – cơ giới hóa đồng bộ, “rải vụ trong vụ” – để luôn có lúa gạo mới nhất đáp ứng đơn hàng.

Cùng với đó, LTG sẽ áp dụng quy trình canh tác khoa học theo tiêu chuẩn SRP, sử dụng các giống lúa phù hợp, bộ sản phẩm kết hợp hài hoà giữa 3 yếu tố sinh học – hữu cơ – hóa học và các dịch vụ cơ giới tiên tiến nhằm tạo ra lúa thương phẩm đạt chuẩn của từng thị trường mục tiêu.

Đáng chú ý, toàn bộ số lúa thu hoạch trong vùng nguyên liệu này sẽ được LTG cùng các đối tác liên kết của mình hỗ trợ thu mua phục vụ xuất khẩu cho các khách hàng trong hệ sinh thái nông nghiệp Lộc Trời.

MB Bank sẽ cung cấp tín dụng cho tất cả các hoạt động sản xuất tương ứng với diện tích vùng nguyên liệu trong chuỗi giá trị tương ứng với diện tích vùng nguyên liệu với tổng giá trị gói tín dụng lên đến 12.000 tỉ đồng thông qua các ứng dụng công nghệ được thiết kế thuận lợi nhất cho bà con nông dân, thông qua các hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, đang tham gia liên kết với LTG và theo đúng các quy định pháp luật hiện hành.

Gói tín dụng này có thời hạn tới 31/12/2024 và sau đó, các bên sẽ quyết định gia hạn sau khi đánh giá tính hiệu quả hoạt động của toàn chuỗi giá trị.

Toàn cảnh buổi lễ ký kết biên bản hợp tác phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng cao trong sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Toàn cảnh buổi lễ ký kết biên bản hợp tác phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn chất lượng cao trong sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Nhà máy sấy-bóc vỏ lúa của LTG ở Kiên Giang

Để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất tại Kiên Giang, LTG sẽ nghiên cứu việc xây dựng nhà máy sấy-bóc vỏ lúa hiện đại và cùng với tỉnh, xây dựng hệ thống thông tin nông nghiệp, phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo nhằm từng bước thực hiện việc chuyển đổi số trong nông nghiệp và nghiên cứu khai thác giá trị của chuỗi kinh tế lúa gạo.

LTG đã thống nhất việc chuyển nhượng quyền sử dụng hai giống lúa OM 18 và OM 5451 cho Trung tâm Giống Nông Lâm Ngư nghiệp Kiên Giang (Trung tâm Giống) để đơn vị này có thể sản xuất và kinh doanh giống lúa này trên phạm vi tỉnh Kiên Giang.

Cụ thể, tập đoàn sẽ hỗ trợ Trung tâm Giống trong việc đào tạo, tập huấn các quy trình sản xuất, lưu kho, bảo quản các giống lúa theo đúng tiêu chuẩn của tập đoàn nhằm đảm bảo hạt giống giao tới cho bà con nông dân sẽ luôn đảm bảo tỷ lệ nảy mầm mang đến vụ mùa bội thu với hạt gạo đạt chuẩn như các loại hạt giống do chính LTG sản xuất và cung cấp cho các vùng nguyên liệu của tập đoàn tại các địa phương khác.

Ông Huỳnh Văn Thòn – Chủ tịch HĐQT LTG – cho biết: “Cam kết “cùng nông dân phát triển bền vững” của Lộc Trời đã được ban lãnh đạo và toàn bộ đội ngũ nhân viên quyết tâm thực hiện suốt gần 30 năm qua và ngày càng được hoàn thiện thông qua việc triển khai mạnh mẽ và gắn bó mô hình hệ sinh thái – chuỗi giá trị nông nghiệp, kết nối tất cả các nguồn lực từ việc phát huy nội lực là lực lượng 1.300 kỹ thuật viên nông nghiệp 3 Cùng tinh nhuệ ngày đêm bám sát đồng ruộng, cùng ăn-cùng ở-cùng làm với bà con nông liên kết lâu dài với tập đoàn đến hợp lực với các đối tác cung cấp tài chính cho toàn bộ chuỗi sản xuất, các đối tác thương mại nông sản cam kết tiêu thụ ổn định trong và ngoài nước”./.