Italy điều tra vụ công ty Trung Quốc mua trái phép nhà máy chế tạo UAV quân sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cảnh sát Italy cho biết hai doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc bị tình nghi mua trái phép một công ty sản xuất UAV quân sự cung cấp cho NATO và đang chuyển hoạt động sản xuất sang Vô Tích, Trung Quốc.
Máy bay không người lái quân sự Strix-DF do công ty Alpi Aviation chế tạo (Ảnh: AA).
Máy bay không người lái quân sự Strix-DF do công ty Alpi Aviation chế tạo (Ảnh: AA).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 4/9, một công ty Italy chuyên cung cấp máy bay không người lái quân sự công nghệ cao cho lực lượng đặc biệt của nước này và NATO đã bị nghi ngờ thông qua một công ty Hồng Kông để che đậy và bán trái phép cho một công ty nhà nước Trung Quốc cách đây 3 năm.

Cảnh sát Italy hôm thứ Năm (2/9) cho biết cùng ngày họ đã tiến hành một cuộc đột kích khám xét công ty này và thông báo cho bên viện công tố 6 người quản lý có liên quan vụ việc, 3 trong số họ là người Trung Quốc và 3 người còn lại là người Italy.

Nhà máy của Alpi Avation ở Pordenone, Italy (Ảnh: Đông Phương).

Nhà máy của Alpi Avation ở Pordenone, Italy (Ảnh: Đông Phương).

Hãng tin Anh BBC ngày 3/9 đưa tin công ty có liên quan tên là Alpi Aviation có trụ sở chính tại Pordenone, đông bắc Italy, vào năm 2018 được một công ty Hồng Kông bỏ ra 4 triệu euro để mua 75% cổ phần với giá cao gấp 90 lần giá trị thị trường. Điều này đã thu hút sự chú ý của các nhà điều tra Italy. Cảnh sát đưa ra một tuyên bố cho biết sau khi điều tra, người ta phát hiện ra rằng công ty Hồng Kông này có một mạng lưới cổ đông phức tạp và không rõ ràng đằng sau nó, liên quan đến 15 công ty Trung Quốc đại lục để che giấu chủ sở hữu thực sự. Cảnh sát Italy đã truy ra khách mua thực sự thực sự là hai công ty quan trọng thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc.

Bộ phận chống tội phạm tài chính của cảnh sát Italy cho rằng vụ mua lại này có thể đã vi phạm luật của nước này về việc cấm hoặc hạn chế bán các tài sản chiến lược cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các tài sản đó bao gồm các thiết bị và cơ sở hạ tầng về quốc phòng, an ninh quốc gia. Vì công ty Alpi Aviation sản xuất máy bay không người lái, máy bay và phi thuyền vũ trụ và cung cấp chúng cho quân đội Italy nên đáng được giám sát đặc biệt.

Một số sản phẩm do Alpi Aviation chế tạo (Ảnh Đông Phương).

Một số sản phẩm do Alpi Aviation chế tạo (Ảnh Đông Phương).

Cảnh sát cũng chỉ ra rằng công ty Alpi Aviation đang chuyển giao việc sản xuất máy bay không người lái tới thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, một đô thị quan trọng trong ngành công nghệ của Trung Quốc. Họ nghi ngờ công ty Hồng Kông tham gia cổ phần không phải nhằm đầu tư, mà là muốn chiếm được công nghệ và kỹ thuật chế tạo và chuyển nó cho Trung Quốc.

Luật sư đại diện cho Alpi Aviation trả lời rằng công ty tuân thủ tất cả các quy tắc trong trường hợp mua lại này. BBC trích dẫn các nguồn tin nói rằng chính phủ Italy có thể trừng phạt công ty Alpi Aviation, thậm chí hủy bỏ thương vụ mua lại.

Trang tin Đức Deutsche Welle dẫn tin tờ nhật báo Corriere della Sera của Milan ngày 2/9 cho biết, khách mua Hong Kong đã che giấu danh tính thực sự của chủ sở hữu mới của Alpi Aviation thông qua một mạng lưới nắm giữ công ty phức tạp và không rõ ràng, đằng sau có liên quan đến hai doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Cảnh sát Italy tạm thời không tiết lộ tên của hai công ty Trung Quốc này.

Một loại UAV do Alpi Aviation chtaojii (Ảnh Đông Phương).

Một loại UAV do Alpi Aviation chtaojii (Ảnh Đông Phương).

Cảnh sát cho biết việc mua lại không chỉ bị nghi ngờ vi phạm “Luật lưu thông vũ khí” của Italy mà còn có thể vi phạm các quy định về “Quyền lực vàng” (Golden Power) của Italy, vốn cấm hoặc hạn chế các công ty nước này bán cho nhà đầu tư nước ngoài các tài sản chiến lược bao gồm thiết bị quốc phòng và cơ sở hạ tầng.

Cảnh sát đã tiết lộ chi tiết nói rằng một nhóm người Trung Quốc và Italy đã thực hiện các hoạt động hợp tác ở hai nước; trong đó một máy bay không người lái hiện đại do Italy chế tạo năm 2019 đã được đưa khỏi biên giới tới Thượng Hải tham gia một Triển lãm thương mại, nhưng trong chứng từ khai báo hải quan báo cáo nhà chức trách Italy lại ghi đây là “mô hình máy bay điều khiển bằng sóng vô tuyến điện”.

Hoạt động kinh doanh chính của Alpi Aviation là sản xuất máy bay và tàu vũ trụ, cũng như thiết kế và sản xuất máy bay không người lái. Các sản phẩm của công ty đã đạt được chứng nhận tiêu chuẩn "STANAG” của NATO. Công ty này cũng đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Italy để cung cấp máy bay không người lái cho quân đội.

BBC đưa tin rằng các luật sư của Alpi Aviation rất bối rối về việc cảnh sát công khai cuộc điều tra và chỉ trích cảnh sát đã công bố các chi tiết quá sớm một cách không chính đáng.

UAV quân sự mini của Alpi Avition cung cấp cho NATO (Ảnh: AA).

UAV quân sự mini của Alpi Avition cung cấp cho NATO (Ảnh: AA).

Luật sư của Alpi đã phủ nhận mọi hành vi vi phạm luật pháp Italy như chuyển giao tài sản công nghệ chiến lược ra bên ngoài. Ông cho biết về mặt thuế và các quy định liên quan khác, vụ mua bán này là minh bạch.

Tờ Corriere della Sera đưa tin, cảnh sát tin rằng mục đích của vụ giao dịch này không phải là để đầu tư, mà là để có được công nghệ quân sự và công nghệ có liên quan. Được biết, Alpi Aviation hiện đang chuyển giao việc sản xuất máy bay không người lái cho trung tâm công nghệ của hãng này đặt ở Vô Tích, Giang Tô.

Hãng thông tấn Italy ANSA đưa tin nhà sản xuất máy bay không người lái Alpi Aviation đã từng bị cảnh sát điều tra vì cáo buộc bán máy bay không người lái cho Iran vi phạm lệnh cấm vận vũ khí. Về vấn đề này, Alpi Aviation tuyên bố rằng họ sẽ chứng minh rằng họ không vi phạm pháp luật.