Iran và 6 nước siêu cường đã đạt được thỏa thuận lịch sử về hồ sơ hạt nhân của Teheran mà xung khắc đã gây căng thẳng trong quan hệ quốc tế từ 12 năm qua. Mục tiêu của thỏa thuận đạt được vào sáng 14/7 là bảo đảm không để Iran chế tạo vũ khí hạt nhân đổi lại bãi bỏ cấm vận quốc tế đã bóp nghẹt kinh tế Iran từ hơn 10 năm nay, RFI đưa tin.
Sau 17 ngày thương lượng gần như không ngưng nghỉ và một đêm thứ hai thức trắng, sáng 14/7, tin thành công đã được phát ngôn viên của Liên hiệp Châu Âu Catherine Ray loan báo.
Nghi lễ ký kết được tổ chức trọng thể vào lúc 8 giờ 30 sáng giờ quốc tế tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở Vienna với sự hiện diện của Ngoại trưởng Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An cộng với Đức và đối tác Iran.
Một cuộc họp báo chung được tổ chức ngay sau khi phần nghi lễ ký kết thỏa thuận kết thúc.
Mục tiêu của thỏa thuận hạt nhân là không cho chính quyền Hồi giáo lợi dụng nghiên cứu năng lượng hạt nhân dân sự để phục vụ mục tiêu quân sự, chế tạo bom. Đối lại, Iran sẽ được cộng đồng quốc tế giải tỏa cấm vận và bình thường hóa bang giao.
Vấn đề then chốt đươc đặt ra là mỗi bên đã nhượng bộ những gì và làm sao thi hành những điều khoản cam kết.
Tổng thống Mỹ còn phải vượt qua chiến trận tại Quốc hội nơi mà phe đối lập chiếm đa số và đe dọa sẽ ngăn cản.
Trong những phản ứng đầu tiên, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết hiệp ước hạt nhân đủ vững chắc bảo đảm cho thế giới ít nhất 10 năm hòa bình.
Về phần Iran, Tổng thống Iran Hasan Rohani khẳng định định hôm 14/7 là "ngày lịch sử": khủng hoảng đã sang trang, mở ra những chân trời mới, các cường quốc có thể tập trung đối phó với thách thức chung", hàm ý hợp tác chống thánh chiến Hồi giáo.
Ngược lại, Israel kẻ thù của chính quyền Hồi giáo Iran, qua thủ tướng Netanyahu, nhận định: Hoa Kỳ đã nhượng bộ mọi đòi hỏi của Iran. Thỏa thuận hạt nhân với Iran là một "sai lầm lịch sử". Iran sẽ được mọi điều kiện thuận lợi để tăng cường võ trang và gây rối tại Trung Đông. Chính phủ Israel cho biết sẽ tự vệ một mình.
Nội dung thỏa thuận
Thỏa thuận vừa được ký kết tại Vienna, Áo có ba nội dung chính: Thứ nhất là hạn chế chương trình hạt nhân của Iran trong vòng một thập niên. Thứ hai là các cấm vận của quốc tế đối với Iran sẽ từng bước được dỡ bỏ và cuối cùng là quốc tế sẽ tăng cường thanh tra các cơ sở hạt nhân của Iran.
Theo giới ngoại giao, những nét chính trong thỏa thuận này đã được đề ra trong tài liệu thương lượng ngày 2/4 vừa qua.
Trước đây, trong các cuộc đàm phán đầu tiên, do Châu Âu chủ trì, trong giai đoạn 2003 - 2005, các đối tác chủ trương dỡ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân của Iran. Thỏa thuận được ký hôm 14/7 vẫn cho phép Iran thực hiện chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự, với thời hạn là 10 năm.
Theo AFP, Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA đã ký một lộ trình cho phép các chuyên gia quốc tế tiến hành điều tra về quá khứ cũng như những vấn đề hiện tại trong chương trình hạt nhân của Iran.
Đã từ lâu, AIEA muốn tìm kiếm các bằng chứng trước những cáo buộc cho rằng Iran cho đến tận năm 2003, đã thực hiện một chương trình hạt nhân có thể phục vụ mục đích quân sự. Một trong những điểm gai góc nhất trong đàm phán là AIEA muốn thanh tra các cơ sở quân sự của Iran bị nghi ngờ có những hoạt động chế tạo vũ khí nguyên tử, đặc biệt là cơ sở Parchin.
Theo đại diện AIEA, lộ trình vừa ký kết quy định rõ các hoạt động điều tra trong những tháng tới, bao gồm cả việc tổ chức các cuộc gặp với giới chuyên gia kỹ thuật, thảo luận các biện pháp kỹ thuật, cũng như đạt được một thỏa thuận riêng rẽ liên quan đến căn cứ quân sự Parchin.
Đổi lại, quốc tế sẽ từng bước giảm nhẹ và bãi bỏ các trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran. Các nguồn tin ngoại giao cho biết thêm, thỏa thuận quy định duy trì cấm vận của Liên Hiệp Quốc trong vòng 5 năm, liên quan tới việc Iran nhập khẩu vũ khí và các cấm vận về công nghệ tên lửa sẽ được bãi bỏ sau 8 năm.
Nếu Iran vi phạm thỏa thuận, các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ được tái lập trong vòng 65 ngày.
Trong khi đó, hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA thì đưa tin, các cơ sở hạt nhân của Iran vẫn tiếp tục hoạt động sau khi thỏa thuận được ký kết. Không một cơ sở nào dừng hoạt động…Iran sẽ tiếp tục làm giàu uranium. Các nghiên cứu và phát triển những máy ly tâm chính vẫn được tiếp tục.
Tổng thống Obama và Rohani: Iran sẽ không làm bom hạt nhân
Trong thông điệp cách nhau vài phút, tổng thống Mỹ và tổng thống Iran kẻ trước người sau tuyên bố Iran sẽ không chế tạo bom. Trên đây là phản ứng của lãnh đạo hai nước về thỏa thuận hạt nhân vừa được ký kết tại Vienna ngày hôm 14/7.
Vào lúc 7 giờ sáng nay, giờ Washington , tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran là một cơ hội ngoại giao và là bước đầu mở ra một hướng đi mới trong quan hệ xung khắc với Iran.
Tổng thống Mỹ nhận định là Hoa Kỳ thương thuyết trong thế mạnh và nếu Iran không tôn trọng hiệp định thì sẽ bị trừng phạt trở lại. Cũng theo tổng thống Obama, hai nước có quá nhiều dị biệt, đó là sự thật, và thỏa thuận hạt nhân đặt trên cơ sở kiểm chứng chứ không phải tin cậy lẫn nhau. Trong những điều kiện nghiêm ngặt này Iran không thể nào chế tạo bom.
Tổng thống Mỹ cũng gián tiếp cảnh báo phe Cộng hòa ở Quốc hội không nên có hành động mà ông gọi là thiếu trách nhiệm chống phá thỏa thuận hạt nhân. Barack Obama cho biết ông sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết trong trường hợp cần thiết.
Bài diễn văn của tổng thống Mỹ được trực tiếp truyền hình trên các đài của Iran.
Vài phút sau, tổng thống Iran Hasan Rohani đọc thông điệp chào mừng thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc và cam kết không bao giờ Iran trang bị bom.
Tổng thống Iran tuyên bố là nếu thỏa thuận được thi hành nghiêm túc thì hai nước dần dần sẽ hóa giải hết nghi kỵ tái lập lòng tin cậy.
TÚ ANH theo BizLive