Indonesia: COVID-19 vượt tầm kiểm soát, thế chỗ Ấn Độ thành ổ dịch nghiêm trọng nhất châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Số ca COVID-19 ở Indonesia đã đạt kỷ lục mới vào ngày 14/7, với 54.517 trường hợp và 991 người chết trong một ngày. Indonesia đã vượt Ấn Độ, trở thành vùng dịch nghiêm trọng nhất ở Châu Á và thứ 2 thế giới.
Các bác sĩ đưa bệnh nhận nặng từ lều tạm vào phòng điều trị đặc biệt (Ảnh: Reuters).
Các bác sĩ đưa bệnh nhận nặng từ lều tạm vào phòng điều trị đặc biệt (Ảnh: Reuters).

Theo thống kê của trang worldometers, ngày 14/7 số ca nhiễm mới ở Indonesia là 54.517 (Ấn Độ: 41.854, Brazil: 57.664); số ca tử vong là 991 (Ấn Độ: 580, Brazil: 1.574), chính thức vượt qua Ấn Độ, trở thành vùng dịch nghiêm trọng nhất châu Á và thứ 2 thế giới.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 15/7, dữ liệu về dịch bệnh cho thấy mặc dù Indonesia đã thực hiện các quy định hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với các hoạt động công cộng, nhưng trong 10 ngày qua, có 6 ngày số ca bệnh liên tiếp đạt mức cao mới. Ông Pandu Riono, một nhà dịch tễ học địa phương nói, biến chủng virus Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ, hiện đang hoành hành trên các đảo Java và Bali và đã được xác nhận đã lây lan sang các khu vực khác.

Do không thể ngăn chặn được sự lây nhiễm virus, e rằng tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong tháng này. Dicky Budiman, một nhà dịch tễ học người Indonesia hiện sống và làm việc tại Australia, thậm chí còn chỉ ra rằng vì Indonesia có tỷ lệ lây nhiễm rất cao, cho thấy dịch bệnh ở các địa phương đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Nếu các biện pháp phòng dịch hạn chế sự di chuyển của người dân không hiệu quả, dự kiến đỉnh điểm của dịch sẽ là ​​vào cuối tháng này (tháng 7) hoặc đầu tháng sau, số ca mắc mới trong một ngày có thể lên tới 400.000 người.

Bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong lều dựng tạm bên ngoài bệnh viện (Ảnh: AP).

Bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong lều dựng tạm bên ngoài bệnh viện (Ảnh: AP).

Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Sadikin chỉ ra rằng nhiều bệnh viện giường bệnh đã quá tải và nguồn cung cấp oxy y tế không đủ, 1.500 máy tạo oxy do Singapore và Trung Quốc cung cấp sẽ được đưa đến để ứng cứu. Ông cũng chỉ ra rằng dịch bệnh đã gây áp lực toàn diện lên hệ thống y tế, hiện nay 7 khu vực hành chính cấp tỉnh có dịch bệnh nghiêm trọng nhất cần phải có thêm khoảng 20.000 y tá và 3.000 bác sĩ mới có thể ứng phó được với tình hình số ca bệnh tăng nhanh.

Ngoài ra, do số người chết vì dịch ngày càng tăng, hầu hết các nghĩa trang ở Jakarta đều đã hết chỗ mai táng. Nghĩa trang Rorotan mới mở ở quận phía bắc liên tục có quan tài chở tới, những người phu đào mộ ở đây cũng đã quá tải. Abidin, một người dân đến hỗ trợ các công nhân nghĩa trang nói với một thân nhân người xấu số đến đưa tiễn người thân: “Nếu ông không giúp sức, tôi e rằng người nhà của ông sẽ phải đợi đến nửa đêm mới được chôn cất”.

Các công nhân nghĩa trang phải làm việc suốt đêm để mai táng số người chết đang tăng nhanh (Ảnh: AP).

Các công nhân nghĩa trang phải làm việc suốt đêm để mai táng số người chết đang tăng nhanh (Ảnh: AP).

Dịch bệnh ở Indonesia đã rất nghiêm trọng, bệnh viện chật kín bệnh nhân, chính phủ phải huy động lực lượng y tế “vùng xanh” hỗ trợ “vùng đỏ”, mở thêm bệnh viện chuyên điều trị người bệnh COVID-19 và nơi cách ly, dựng lều bạt bên ngoài bệnh viện, kê thêm giường bệnh. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân vẫn không nhận được các dịch vụ y tế.

Liên quan đến việc cung cấp oxy khẩn cấp cho bệnh nhân mắc COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Budi Sadikin cho biết, Indonesia không có đủ oxy, vấn đề nằm ở khâu phân phối. Chính phủ đã chỉ thị các cơ sở sản xuất oxy công nghiệp chuyển sang sản xuất oxy y tế, dốc sức cung cấp và tăng tốc phân phối.

Tuy nhiên, có một khoảng cách lớn giữa tuyên bố của chính phủ và nhu cầu thực tế của dân chúng. Ông Adib, Chủ tịch Nhóm giảm thiểu rủi ro của Hiệp hội Y tế Indonesia, ví von "Nếu WHO sử dụng từ ‘Badai Covid’ (cơn bão COVID) để mô tả đại dịch COVID-19, thì Indonesia đã là ‘Tsunami Covid’ (sóng thần COVID)”.

Ông nói rằng mức độ gia tăng của các ca bệnh là "chưa từng thấy trước đây" và các bệnh viện có "nhu cầu rất cao" đối với oxy, máy thở, thuốc men và các nguồn cung cấp khác. Việc thiếu oxy ở nhiều nơi không chỉ là vấn đề phân phối.

Bộ trưởng Y tế Indonesia: nhân lực y tế, máy tạo oxy và thiết bị y tế dùng điều trị bệnh nhân COVID-19 đều đang thiếu hụt nghiêm trọng (Ảnh: Merdeka).

Bộ trưởng Y tế Indonesia: nhân lực y tế, máy tạo oxy và thiết bị y tế dùng điều trị bệnh nhân COVID-19 đều đang thiếu hụt nghiêm trọng (Ảnh: Merdeka).

Báo Nhật Nikkei Asia ngày 13/7 đã chỉ ra rằng mặc dù tổng dân số của Indonesia chỉ bằng khoảng 1/5 của Ấn Độ nhưng theo thống kê của cơ quan xuất bản trực tuyến "Our World in Data, OWID” tính đến ngày 11/7, Indonesia có tỉ lệ người mắc COVID-19 là 132 người nhiễm bệnh/1 triệu dân, trong khi Ấn Độ chỉ khoảng 26 người nhiễm/1 triệu dân, mà tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc ở Indonesia trong tuần qua chỉ khoảng 30%.

Tuy nhiên, xét về số liệu cộng dồn, Ấn Độ vẫn là quốc gia châu Á có dịch nặng nhất với hơn 30.986.800 triệu người được chẩn đoán nhiễm bệnh và hơn 412 ngàn người đã tử vong. Tại Indonesia, hơn 2.670.000 người được chẩn đoán nhiễm bệnh và hơn 69.200 người đã tử vong. So với việc Ấn Độ từng bước chuyển từ đỉnh dịch hồi tháng 5 sang giảm dần thì Indonesia vẫn chưa có dấu hiệu dịch suy giảm. Bộ trưởng Bộ Y tế Budi Sadikin thẳng thắn cho biết, tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân COVID-19 ở 12 tỉnh là 70%.

Tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân COVID-19 ở Jakarta, thủ đô Indonesia, cao tới 90%. Ông Budi Sadikin nói rằng chính phủ đã chuẩn bị đối mặt với việc số trường hợp được xác nhận tăng 30% trong hai tuần tới. Một trong số các biện pháp ứng phó giành thêm các buồng bệnh thông thường chuyển thành khu điều trị người bệnh COVID-19. Theo Nikkei Asia, 30% trong tổng số 400.000 giường bệnh ở Indonesia đã được chuyển sử dụng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ đầu năm 2021, nhưng ngay sau tháng 5 đã không còn giường trống.

Dân chúng xếp hàng mua oxy về nhà tự điều trị (Ảnh: AP).

Dân chúng xếp hàng mua oxy về nhà tự điều trị (Ảnh: AP).

Ông Budi cho biết: "Vẫn còn (giường bệnh) trên khắp cả nước. Do sự lây lan bất thường của chủng virus biến thể Delta, số ca mới được xác nhận vẫn tiếp tục tăng cao ở một số tỉnh"; "biến chủng Delta chủ yếu ở đảo ở Java, nhưng chúng tôi cũng đã thấy nó lan sang Lampung, Đông Kalimantan, Nam Sumatra, Tây Papua, quần đảo Riau và Bengkulu”.

Ông Budi cũng cho biết, nhân lực y tế, máy tạo oxy và thiết bị y tế dùng điều trị bệnh nhân COVID-19 đều đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu ngày 13/7 nói: "Kiều dân Nhật Bản sống ở Indonesia có thể đáp chuyến bay thuê bao để trở về nước vào ngày 14. Chính phủ ủng hộ họ. Chúng tôi cũng có kế hoạch đáp ứng yêu cầu của các kiều dân và tiếp tục áp dụng biện pháp tương tự”. Người Đài Loan sống ở Indonesia cũng có thể rời Indonesia theo cách tương tự. Dự kiến ​​hãng hàng không Batik Air của Indonesia sẽ đưa người Đài Loan về Đài Bắc vào ngày 28/7 tới.

Tin mới nhất, theo Bộ Y tế Indonesia, tính đến trưa 15/7, số ca nhiễm bệnh mới trong ngày đã tăng thêm 56.757, là ngày thứ hai liên tiếp vượt mốc 50 ngàn ca; số ca tử vong tăng thêm 982.