Hy Lạp nợ ngập đầu (320 tỷ euro), suy thoái kinh tế trong 5 năm liền, thu thuế giảm, có tỷ lệ thất nghiệp lên đến 25% (50% là giới trẻ)… Dù vậy, họ tiếp tục hy sinh một phần lớn ngân sách quốc gia cho chi tiêu quân sự: gần 2%
Tổng giá trị sản phẩm nội địa (PIB). Nói cách khác, quốc gia nhỏ bé chỉ có 11 triệu dân này sở hữu nhiều xe tăng (1.300 xe tăng trong đó có 170 chiếc “Leopard 2” của Đức) hơn Đức hoặc Anh, hơn gấp 5 lần so với Pháp. Nguyên nhân chủ yếu là do nỗi sợ xâm lăng của Thổ Nhĩ Kỳ (72 triệu dân); nỗi sợ, nỗi ám ảnh cựu thù Ottoman từng thống trị Hy Lạp trong gần 4 thế kỷ.
Hy Lạp có trữ lượng dầu mỏ rất lớn dưới lòng biển nên căng thẳng ở vùng biển Egee giữa Athens và Ankara dường như không bao giờ chấm dứt. Thứ trưởng quốc phòng Kostas Isichos cho đến tháng 7 khẳng định: “Kể từ đầu tháng giêng đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm không dưới 475 lần không phận Hy Lạp, tức 4-5 lần/ngày. Và trong những cuộc tập trận trên biển, tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ đã bao vây 22 hòn đảo Hy Lạp”.
Athens và Ankara còn xung đột ảo và gián tiếp ở đảo Síp. Trong khi Hy Lạp ủng hộ chính phủ Síp Hy Lạp ở miền Nam, thì miền Bắc bị chiếm đóng ở quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1974 đến nay và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ chế độ Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ của miền Bắc đảo Síp.
Ngoài ra, Hy Lạp còn cảm thấy bị đe dọa ở miền Bắc bởi Albani và Macedonia. Bởi ở Tirana cũng như ở Skopje, một số thế lực không từ bỏ giấc mơ “Đại Albani” hoặc “Đại Macedonia” bằng cách xâm lấn vào lãnh thổ Hy Lạp.
Ám ảnh mối đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ
Bất chấp những căng thẳng thường xuyên, Syriza (liên minh cách tả cực đoan lên cầm quyền hồi tháng Giêng 2015 bằng một chương trình xã hội) hứa sẽ cắt giảm chi phí quân sự. Nhưng cựu Bộ trưởng quốc phòng Kostas Isichos cay cú và tiếc nuối cho rằng “người ta chỉ nói chứ không hành động”.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự cay cú, tiếc nuối của ông Kostas Isichos là Syriza trao Bộ quốc phòng cho Panos Kammenos vốn là thủ lĩnh của một đảng phái nhỏ thuộc cánh hữu dân tộc, đó là đảng phái mà cánh tả cực đoan cần để họ chiếm đa số ở quốc hội. Tân Bộ trưởng quốc phòng Panos Kammenos không chỉ yêu cầu chi thêm tiền mà còn duy trì ngân sách khủng cho quốc phòng…
Chuyên gia quốc phòng Thanos Dokos phân tích: “Trước mối đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ, duy trì chi tiêu quân sự là chủ đề nhận được sự đồng thuận lớn của dân chúng và tầng lớp chính trị, cánh hữu cũng như cánh tả”.
Mặc dù mọi người loại trừ khả năng chiến tranh xảy ra, nhưng nhiều người ở Athens lo sợ rằng một trong nhiều biến cố thái quá sẽ dẫn đến xung đột nên họ muốn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Kế hoạch tiết kiệm gặp phải chi tiêu bảo trì quân sự
Sau khi mua về những chiếc máy bay tiêm kích F16 của Mỹ, máy bay trực thăng của Pháp, tàu ngầm và xe tăng của Đức, Hy Lạp chấm dứt chương trình mua vũ khí đắt đỏ hồi năm 2010, tức kể từ khi bắt đầu khủng hoảng kinh tế. Nhưng việc chi tiêu cho bảo trì và hoạt động của tất cả vũ khí thực sự không nhỏ. Đấy là chưa kể đến tiền lương cho khoảng 100.000 quân nhân .
Trước áp lực từ các chủ nợ châu Âu, Athens chấp nhận cắt giảm ngân sách chi tiêu từ 200 đến 300 triệu euro cho 2 năm tới trong các cuộc thương lượng kế hoạch cứu nguy cho tài chính đất nước hồi mùa hè.
Thật ra, kế hoạch tiết kiệm đã tồn tại từ 10 năm nay. Kế hoạch này bao gồm cắt giảm nhân lực và số doanh trại ở Hy Lạp, nhất là ở Peloponnese, nhằm tái triển khai lực lượng quân sự còn lại đến những khu vực nhạy cảm ở biên giới. Nhưng sự cải tổ này gặp phải chính quyền địa phương vốn không muốn mất đi căn cứ quân sự của họ. Ở trung ương, các chính trị gia, trong đó có chính trị gia của Syriza, miễn cưỡng trong giai đoạn thất nghiệp tăng cao, cắt giảm nhân lực trong quân đội và làm gia tăng người thất nghiệp.
Hối lộ trong nước lẫn châu Âu
Trước áp lực tài chính từ phía Bỉ, Hy Lạp lên án “đạo đức giả” của người châu Âu. Chuyên gia quốc phòng Manos Tsaldaris nhận mạnh: “Họ chỉ trích chúng tôi những khoản nợ khổng lồ, thâm hụt ngân sách cao. Nhưng họ biết rõ rằng họ hưởng lợi từ việc bán vũ khí với giá cao”. Nếu các hợp đồng mua vũ khí của Hy Lạp quá đắt như thế, thì chính họ được hưởng lợi từ những khoản tiền hối lộ.
Năm 2013, cựu Bộ trưởng quốc phòng Akis Tsochadzopoulos tù kết án 20 năm tù vì bỏ túi 8 triệu euro tiền hoa hồng từ một nhà thầu Đức. Cựu thứ trưởng Kostas Isichos khẳng định rằng án phạt này là một ngoại lệ trong một biển hối lộ buôn bán vũ khí. Ngoài ra, ông còn lên án đạo đức giả của người châu Âu: “Về việc hối lộ, nó giống như điệu tango: phải có 2 người mới nhảy được. Có những quan chức Hy Lạp bị hối lộ, nhưng cũng có những người hối lộ châu Âu”.
Theo nouvelobs.com, Một thế giới