Biện pháp khẩn cấp này được ban bố ngay trước khi thị trường tài chính ngân hàng mở cửa tuần mới. Hy Lạp đang tiếp tục trượt dốc không phanh xuống đáy khủng hoảng do nguy cơ vỡ nợ và phải rời khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Quyết định đóng cửa được hiểu như biện pháp bảo vệ dòng vốn, thường áp dụng khi hệ thống ngân hàng rơi vào tình cảnh cực kỳ nguy cấp. Quan chức Hy Lạp cho biết các ngân hàng sẽ đóng cửa tới 6/7. Trong thời gian này, mỗi ngân hàng được phép rút tối đa 60 euro (tương đương 67 USD) mỗi ngày.
Chuyển khoản ngân hàng hoặc thanh toán giao dịch tại nước ngoài của các khách hàng Hy Lạp cũng sẽ bị cấm. Riêng du khách là những người không chịu ảnh hưởng bởi quyết định kiểm soát vốn này, họ vẫn được rút tiền và chi tiêu bằng thẻ tín dụng như bình thường.
Theo CNN, hệ thống ngân hàng Hy Lạp đã bị rút hàng tỷ euro trong nhiều tháng qua, và tiếp tục bị rút nhiều hơn khi cuộc khủng hoảng nợ trở nên tồi tệ. Những ngày cuối tuần qua, hàng dài người xếp hàng trước ATM ở thủ đô Athens với hy vọng rút được tiền trước khi quyết định đóng cửa ngân hàng có hiệu lực.
Thời khắc đen tối sẽ điểm vào ngày mai (thứ ba, 30/6) nếu Hy Lạp không thể thu xếp trả khoản nợ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Vỡ nợ là kịch bản được nhiều người mường tượng nhất trong hoàn cảnh này.
Các nhà lãnh đạo châu Âu giờ đây đang đối mặt với thời khắc tồi tệ nhất lịch sử đồng euro. Tổng thống Mỹ Obama trong ngày chủ nhất đã gọi điện cho Thủ tướng Đức Angela Merkel bàn biện pháp giải quyết khủng hoảng hiện nay.
Mọi chuyện trở nên nguy cấp hơn khi Chính phủ Hy Lạp quyết định rút khỏi các cuộc thương lượng để nhận trợ cấp từ bên ngoài. Thủ tướng Hy Lạp chỉ trích bản đề xuất của châu Âu và IMF. Việc của các nhà lãnh đạo châu Âu lúc này là làm thế nào để giảm thiểu hệ lụy của Hy Lạp tới cả cộng đồng chung.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm qua tuyên bố không có bất cứ biện pháp hỗ trợ khẩn cấp nào cho các ngân hàng Hy Lạp, cho dù vào thứ ba tới đây Hy Lạp có thể vỡ nợ và buộc phải rời khối đồng tiền chung.
Dòng người xếp hàng rút tiền tại ATM những ngày cuối tuần, trước nguy cơ đất nướcvỡ nợ đang cận kề. Ảnh:CNN |
Biện pháp kiểm soát vốn của Hy Lạp không được IMF đánh giá cao. Theo cơ quan này, chỉ những nước có nền kinh tế mạnh cùng hệ thống tài chính vững mới thành công trong việc hạn chế dòng vốn rút ra.
Khi một quốc gia cạn kiệt tiền mặt nhanh chóng, họ thường phản ứng bằng cách giới hạn số tiền có thể ra khỏi đất nước. Tuy nhiên, không may cho Hy Lạp là lịch sử đã chứng minh biện pháp này chẳng mấy khi có tác dụng.
Hàng chục quốc gia từ Mexico cho đến Iceland và Thái Lan đã áp dụng các biện pháp như vậy từ thời Thế chiến I để tăng nguồn thu, đẩy giá nội tệ và kìm hãm lãi suất. Tuy nhiên, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ những nước có nền kinh tế mạnh và hệ thống tài chính vững mới thành công trong việc hạn chế dòng vốn rút ra. Đây chính là thách thức cho Hy Lạp, khi nước này đang đối mặt nguy cơ vỡ nợ và phải rời khu vực đồng tiền chung, sau khi các cuộc đàm phán với nhóm chủ nợ vẫn thất bại và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đóng băng hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng.
"Rất nhiều tiền đã rời Hy Lạp rồi. Hành động này của họ chẳng khác nào đóng cửa chuồng khi ngựa đã chạy đi hết", Michael Klein - Giáo sư Các vấn đề kinh tế quốc tế tại Đại học Tufts nhận xét trên Bloomberg.
Chủ nợ của Chính phủ Hy Lạp hầu hết đều là các chính phủ. Đồ họa:CNN |
Viễn cảnh thường thấy nhất là tiền từ bên ngoài sẽ ngừng chảy vào các nước này, khi nhà đầu tư xa lánh các quốc gia mà họ không thể chuyển tiền về nước, theo nghiên cứu của IMF với các trường hợp giai đoạn 1995-2010. Cùng lúc đó, tiền sẽ vẫn chảy khỏi biên giới khi người dân địa phương tìm mọi cách chuyển tiền ra, Marcio Garcia - Giáo sư tại Đại học Rio de Janeiro cho biết.
Hạn chế dòng chảy vốn đã trở thành biện pháp ngày càng phổ biến với các Chính phủ đang gặp rắc rối. Các nước như Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã áp dụng kiểm soát vốn trong suốt khủng hoảng tài chính châu Á 1997, khi lo ngại về tài chính các nước đang phát triển khiến nhà đầu tư ào ạt rút tiền khỏi đây.
Iceland cũng sử dụng biện pháp này năm 2008. Đồng krona đã bình ổn ngay sau đó và IMF cho biết các biện pháp trên đã giúp Iceland dễ thở hơn để đưa nền kinh tế quay lại quỹ đạo. Tháng này, họ đã tiết lộ kế hoạch dỡ bỏ các lệnh kiểm soát trên.
Còn trong trường hợp Hy Lạp, nước này đã rơi vào suy thoái từ tháng 3. Động thái này được tuyên bố sau khi các cuộc đàm phán về gói giải cứu với nhóm chủ nợ quốc tế thất bại tuần trước. Ngày mai, theo kế hoạch, Hy Lạp sẽ phải kiếm đủ tiền trả 1,5 tỷ euro cho IMF.
Hai năm trước, Síp cũng phải hạn chế chuyển tiền khi người dân ào ạt rút tiền khỏi ngân hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chính sách kiểm soát vốn lại nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính quốc tế. Người dân Síp chỉ được rút tối đa 300 euro mỗi ngày, bị hạn chế chuyển tiền ra nước ngoài và không được gửi có kỳ hạn. Quá trình này kéo dài 2 năm và đã giúp Síp thực hiện cải tổ như đã cam kết.
Gabriel Sterne - Trưởng nhóm nghiên cứu vĩ mô toàn cầu tại Oxford Economics cho biết: "Vấn đề ở đây là Síp đã chọn cải tổ, còn Hy Lạp thì không. Vậy nên, việc kiểm soát vốn tại Hy Lạp sẽ là một sự thất bại".
Hy Lạp không có đủ tiền tiêu và cũng chẳng có khả năng in euro, Athanasios Orphanides - Giáo sư Học viện Công nghệ Massachusetts cho biết. Việc này sẽ khiến các lãnh đạo khu vực đồng euro, trong đó có Thủ tướng Đức - Angela Merkel, đối mặt với nhiều quyết định khó khăn quanh việc liệu họ có sẵn sàng giữ Hy Lạp ở lại hay không.
"Kiểm soát vốn sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì. Giới chức châu Âu sẽ phải quyết định thôi. Một là đẩy Hy Lạp ra khỏi eurozone, hai là giảm nhẹ gánh nợ cho họ để quốc gia này ở lại khu vực đồng euro", Orphanides cho biết, .
Theo: VnExpress