Huawei thống trị hội chợ điện tử không dây Tây Ban Nha, thách thức lệnh trừng phạt của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một số lớn các công ty Trung Quốc, dẫn đầu là Huawei đã thống trị hội chợ thương mại không dây (MWC) trong nỗ lực chứng minh, những lệnh trừng phạt Mỹ không hiệu quả đối với ngành điện tử quốc gia này.
Khách tham quan chụp ảnh mẫu điện thoại di động Xiaomi 13 tại gian hàng Xiaomi trước Đại hội Thế giới Di động 2023 ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 26 tháng 2/2023.
Khách tham quan chụp ảnh mẫu điện thoại di động Xiaomi 13 tại gian hàng Xiaomi trước Đại hội Thế giới Di động 2023 ở Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 26 tháng 2/2023.

Một nhóm các công ty Trung Quốc do tập đoàn công nghệ Huawei dẫn đầu đang xuất hiện tại hội chợ thương mại không dây (MWC) ở Tây Ban Nha lớn nhất thế giới, phô trương sức mạnh Trung Quốc trước việc các quốc gia phương Tây đưa Huawei vào danh sách đen thương mại do những lo ngại về an ninh mạng, sự căng thẳng leo thang với Mỹ về TikTok, bong bóng gián điệp và chip máy tính.

Sau 3 năm bị gián đoạn bởi đại dịch, hàng chục nghìn người từ ngành công nghệ đã đổ về Barcelona để bắt đầu MWC ngày 27/2, trước đây được gọi là Đại hội Thế giới Di động, một triển lãm ngành hàng năm, nơi các nhà sản xuất điện thoại di động trưng bày những thiết bị mới và các giám đốc điều hành ngành viễn thông làm quen với những trang thiết bị mạng và phần mềm mới nhất.

“Các công ty Trung Quốc đang đến rất nhiều,” John Hoffman, Giám đốc điều hành Tập đoàn thương mại công nghiệp không dây GSMA, nhà tổ chức sự kiện MWC nói với các phóng viên.

Tham dự có 150 công ty Trung Quốc trong số 2 000 nhà triển lãm và nhà tài trợ, trong đó Huawei Technologies Ltd. có sự hiện diện lớn nhất. Các nhà tổ chức cho biết, công ty sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị mạng mở rộng sự hiện diện ấn tượng của doanh nghiệp thêm 50% so với năm 2022, chiếm gần như toàn bộ phòng triển lãm rộng lớn tại trung tâm hội nghị Fira của Barcelona.

Điều đó thật đáng kinh ngạc khi từ góc nhìn Huawei là trung tâm của cuộc chiến địa chính trị về uy quyền công nghệ toàn cầu mà các bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp đã bị tê liệt dưới tác động của các lệnh trừng phạt phương Tây.

Ba năm trước, Mỹ đã thúc đẩy thành công các đồng minh châu Âu như Anh và Thụy Điển cấm hoặc hạn chế thiết bị Huawei trong mạng điện thoại của các quốc gia này do lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng các thiết bị này để theo dõi mạng hoặc phá hoại cơ sở hạ tầng truyền thông quan trọng, những cáo buộc mà Huawei đã nhiều lần bác bỏ. Nhật Bản, Úc, New Zealand và Canada cũng có những hành động tương tự.

Huawei từ chối bình luận trước khi khai mạc chương trình. John Strand, nhà tư vấn ngành viễn thông Đan Mạch cho biết, sự hiện diện quy mô lớn của công ty tại triển lãm là một dấu hiệu của sự thách thức.

Ông Strand nói, thông điệp của Huawei là: “Bất chấp những lệnh trừng phạt Mỹ, chúng tôi vẫn ổn và hoạt động rất tốt”.

Căng thẳng công nghệ Mỹ-Trung tiếp tục tăng lên.

Một khinh khí cầu thám không của Trung Quốc bị máy bay chiến đấu Mỹ bắn hạ gây ra căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington trong những tuần gần đây.

Chính quyền Mỹ cũng đã cấm TikTok khỏi những thiết bị được cấp cho nhân viên chính phủ, lo ngại ứng dụng chia sẻ video phổ biến do Trung Quốc sở hữu có rủi ro làm tổn thất quyền riêng tư dữ liệu hoặc có thể được sử dụng để thúc đẩy cảm nhận gần Trung Quốc hơn.

Mỹ cũng đang quyết liệt hạn chế Trung Quốc tiếp cận thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, ký kết một thỏa thuận về công nghệ chip với các đồng minh là Nhật Bản và Hà Lan.

Những sự kiện này diễn ra sau hội chợ MWC 4 năm trước, trở thành chiến trường giữa Mỹ và Trung Quốc về Huawei và vấn đề bảo mật của mạng không dây thế hệ tiếp theo. Trong một bài phát biểu quan trọng, một giám đốc điều hành hàng đầu của Huawei đã chỉ trích Mỹ về những nỗ lực nhằm thúc đẩy các đồng minh tránh xa các thiết bị của công ty.

Huawei vẫn chưa biến mất và tranh chấp vẫn tiếp tục căng thẳng. Tháng 1/2023, Washington mở rộng các biện pháp trừng phạt với những hạn chế mới trong hoạt động xuất khẩu những linh kiện công nghệ kém tiên tiến hơn cho Huawei.

Nhưng công ty vẫn duy trì vị thế là nhà sản xuất thiết bị mạng số 1 thế giới nhờ doanh số bán hàng ở Trung Quốc và các thị trường khác mà Washington không thành công trong nỗ lực thuyết phục các chính phủ tẩy chay hàng hóa và sản phẩm của công ty.

Ông Strand, tham dự chương trình triển lãm MWC được 26 năm cho biết, Huawei muốn cho thế giới thấy, doanh nghiệp đang chuyển hướng từ chủ yếu sản xuất thiết bị mạng, hệ thống hạ tầng ẩn như trạm truyền thông trung tâm và ăng-ten kết nối các thiết bị di động trên thế giới, trở thành nhà cung cấp công nghệ toàn diện.

Công ty đang tái tạo lại cơ cấu sản xuất kinh doanh, mở ra các hướng cung cấp phần cứng và phần mềm cho các cảng hàng hóa, ô tô tự lái, tự động hóa nhà máy và những ngành công nghiệp khác mà doanh nghiệp hy vọng sẽ ít bị tổn thương hơn trước các lệnh trừng phạt của Washington.

Thomas Husson, nhà phân tích chính của Forrester Research cho biết: “Vì MWC là một sự kiện toàn cầu nên Huawei muốn thông báo về thực trạng doanh nghiệp và thể hiện, Huawei vẫn là một công ty chủ chốt trong ngành viễn thông và công nghệ cao”.

Huawei cũng sản xuất điện thoại thông minh nhưng doanh số bán hàng ngoài Trung Quốc suy giảm nặng nề sau khi bị Google chặn cung cấp bản đồ, YouTube và các dịch vụ khác thường được tải sẵn trên các thiết bị Android.

Ông Husson nhận xét, “Thương hiệu tiêu dùng Huawei sụp đổ ở châu Âu. Tại MWC Huawei có thể công bố điện thoại thông minh tiêu dùng mới, thiết bị điện tử tiêu dùng mới, nhưng thương hiệu này đã mất đà và những thông báo này chủ yếu dành cho các thị trường đang phát triển nhanh ngoài Mỹ và Tây Âu.”

Huawei chỉ là một phần của phái đoàn Trung Quốc lớn hơn, mà số doanh nghiệp tham gia có được sự thúc đẩy rất lớn từ khi Trung Quốc dỡ bỏ tất cả các hạn chế đi lại do trong kế hoạch Zero-Covid-19. ZTE, một công ty công nghệ khác của Trung Quốc, đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, cũng có kế hoạch ra mắt sản phẩm tại MWC.

Ben Wood, nhà phân tích chính của CCS Insight cho biết, các nhà sản xuất điện thoại di động Trung Quốc Honor, Oppo và Xiaomi cũng sẽ có sự hiện diện mạnh mẽ. Honor là thương hiệu bình dân của Huawei nhưng đã bị bán vào năm 2020 với hy vọng phục hồi doanh số bán hàng khi tách thương hiệu này ra khỏi những lệnh trừng phạt đối với công ty mẹ.

Ông Wood nhấn mạnh: “Quyết định loại bỏ những hạn chế về Covid-19 ở Trung Quốc đã giúp các nhà sản xuất thiết bị điện tử quốc gia này có thể tham dự triển lãm. Tất cả những doanh nghiệp Trung Quốc đều mong muốn trở thành “sự thay thế thứ ba” cho Apple và Samsung tại các thị trường châu Âu, xác định MWC là một sự kiện then chốt để thực hiện điều này.”

Trước đại dịch năm 2019, MWC thu hút 109.000 khách tham quan, 6% đến từ Trung Quốc. Sự kiện bị hủy bỏ vào năm 2020 và được tổ chức dưới hình thức hạn chế năm 2021. Sự kiện năm ngoái thu hút 60.000 khách tham quan nhưng không có được hiệu quả cao do tác động của biến thể omicron Covid-19.

Theo AP