Theo nhận định của ngân hàng HSBC, chứng khoán Trung Quốc sẽ ít có khả năng giảm sâu trong thời gian tới, sau khi các nhà giao dịch ký quỹ đã cắt giảm các vị thế với tổng giá trị 218 tỷ USD.
So với mức đỉnh hồi tháng 6, con số dư nợ ký quỹ trên các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đã giảm 60%, xuống còn 147 tỷ USD. Giờ đây lượng vốn đi vay mượn chỉ chiếm 2,8% tổng vốn hóa của toàn thị trường, giảm mạnh so với mức kỷ lục 4,5% và chạm đáy thấp nhất 10 tháng.
“Thời gian tồi tệ nhất với TTCK Trung Quốc đã qua đi. Quá trình giải chấp gần như đã kết thúc”, Steven Sun – chuyên gia phân tích đến từ ngân hàng HSBC – nhận định.
Tháng 6, khi chứng khoán Trung Quốc chuyển từ trạng thái bùng nổ sang đổ vỡ, các nhà giao dịch đã bắt đầu giảm nợ với dự đoán các cổ phiếu đang ở mức giá không hợp lý. Hôm 22/9, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định chứng khoán Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tự phục hồi và các nhà hoạch định chính sách tự tin rằng thị trường đã đủ mạnh để tự đứng vững khi Chính phủ rút bớt các biện pháp hỗ trợ.
Kể từ đầu tháng 9 tới nay, chỉ số Shanghai Composite chỉ thay đổi nhẹ sau khi giảm tới 40% so với mức đỉnh được lập hồi tháng 6.
HSBC cũng nhận định các cổ phiếu loại A (cổ phiếu niêm yết trên thị trường đại lục) vẫn sẽ “mắc kẹt” vì chúng đang có giá trị ở mức khá cao so với các cổ phiếu niêm yết ở Hồng Kông. Theo tính toán của Bloomberg, đối với các cổ phiếu niêm yết ở cả hai sàn, trung bình mức giá ở Thượng Hải đắt gấp đôi so với ở Hồng Kông.
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg